Đồng bào Cơ Tu tảo mộ ngày cuối năm
(QNO) - Không còn nặng tâm lý bởi câu chuyện về “khu rừng ma”, đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang nay quen dần với việc đi tảo mộ cho người đã khuất trong những ngày cuối năm.
Lễ cúng tại buổi tảo mộ của đồng bào Cơ Tu ở huyện Đông Giang. |
Theo ông Alăng Kích - Trưởng ban quản trị thôn Sơn (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), khoảng chừng hơn mười năm trước, ngoại trừ dịp làm lễ “Têng ping” (dựng lại nhà mồ cho người đã khuất), đồng bào Cơ Tu không một ai dám đến khu nghĩa địa của làng. Bởi đồng bào quan niệm đây là khu rừng thiêng, thuộc “địa phận” của người chết, bất khả xâm phạm.
Khu nghĩa địa, vì thế cũng được lập ở khu vực nằm cách xa nơi ở của dân làng hàng cây số và cố nhiên không nằm gần nguồn nước. “Nếu không có được sự đồng ý của già làng, không ai dám mạo phạm đến khu vực của cõi âm, do tâm lý lo sợ ma quỷ sẽ về quấy phá dân làng”, ông Kích cho biết thêm.
Những năm gần đây, khi cuộc sống dân trí đã có nhiều thay đổi, đồng bào Cơ Tu không còn lo sợ về “khu rừng ma”. Vì thế, hằng năm vào những ngày cận Tết Nguyên đán, đồng bào lại cùng nhau đi tảo mộ, quét dọn, sửa sang, chăm sóc ngôi mộ của người thân đã khuất để chuẩn bị đón năm mới. Trong mâm cúng, chỉ có con gà cùng vài vật dụng làm lễ theo phong tục truyền thống, giảm bớt rất nhiều chi phí, của cải do lễ nghi rườm rà như trước đây.
Cánh rừng thiêng, bây giờ cũng dần được phát dọn sạch sẽ và ở nhiều vùng đồng bào Cơ Tu, tại ranh giới “khu rừng ma” đồng bào còn tận dụng đất để trồng cây keo, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong khi đó, ở nhiều địa phương vùng thấp của các huyện Đông Giang, Nam Giang, nhà mồ cũng được đồng bào xây dựng theo lối kiến trúc mới, vừa sạch sẽ, đảm bảo cảnh quan môi trường sống, vừa đẩy lùi được tâm lý lo sợ trong đời sống của đồng bào.
Những ngày cuối năm, đi dọc theo các tuyến đường về các bản làng của đồng bào vùng cao, không khí xuân đang ngập tràn cùng diện mạo cuộc sống mới đang từng ngày đi lên đầy khởi sắc. Câu chuyện về những “cái chết xấu”, “khu rừng ma” giờ đây cũng dần không còn là nỗi ám ảnh, gieo rắc nhiều sợ hãi trong tâm lý của người dân vùng cao.
ĐĂNG NGUYÊN