Ao Lầy lên phố

HỮU PHÚC 04/02/2016 11:08

Một ngôi làng nhỏ bé, thổ nhưỡng sình lầy nhưng kiêu hãnh về  những chiến tích lập nên trong suốt 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Vùng đất ấy, bây giờ đang chuyển mình lên đô thị.

Thời Pháp thuộc, trên bản đồ hành chính đã có tên gọi Ao Lầy. Bởi đây là vùng bán sơn địa, trên cao là các ngọn đồi, dưới là thung lũng ruộng hẹp nương theo các xóm làng. Giữa làng có cái ao lầy lội quanh năm nên người dân địa phương đặt luôn cái tên: Ao Lầy.

Kiêu hãnh một làng quê

Dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12.2015, nhiều cựu chiến binh, du kích trên đất Kỳ Thịnh - Ao Lầy xưa đã về thăm lại chiến trường. Nhiều người nay đã chống gậy, tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tay bắt mặt mừng khi biết tin Ao Lầy vừa được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ông Trần Nhật Cân (bí danh Bốn Cân) - nguyên Xã đội trưởng Kỳ Thịnh vẫn nhớ vanh vách từng sự kiện, trận đánh ác liệt trên quê hương mình vào những năm chống Mỹ. “Đồn bốt giặc dày đặc quanh Ao Lầy. Ngoài phá hoại kinh tế, cướp lương thực, thực phẩm, đốt nhà cửa của nhân dân, chúng còn rải chất độc hóa học phá hoại cây trồng” - ông Cân nhớ lại.

Đường phố thị trấn Phú Thịnh hôm nay khang trang, rộng thoáng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đường phố thị trấn Phú Thịnh hôm nay khang trang, rộng thoáng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tháng 11.1968, Mỹ sử dụng 50 xe tăng chia làm 2 mũi từ Trà Gó, Cẩm Khê đánh vào khu vực Cốc Ba Cây, nhưng cả hai mũi quân của địch đều bị các lực lượng vũ trang của ta chặn đánh gây nhiều tổn thất. Quân chủ lực của ta phối hợp với du kích địa phương diệt đến 30 xe tăng tại Cốc Ba Cây và 7 chiếc tăng sau nhà ông Vĩnh. Kế hoạch chiếm Ao Lầy của địch bị thất bại. Đầu năm 1970, Mỹ tiếp tục mở các đợt càn quét trở lại vây ép Ao Lầy, cùng lúc đẩy mạnh các hoạt động do thám, gián điệp, cài vào căn cứ nhằm chia rẽ nhân dân với cách mạng. Năm 1972, Tiểu đoàn 70 được Tỉnh đội điều về hoạt động ở huyện Bắc Tam Kỳ để hỗ trợ cho lực lượng vũ trang địa phương phát triển, quyết định đánh đồn Gò Ví nằm ở phía tây nam Ao Lầy. Bị đánh bất ngờ, sinh lực tiêu hao nhiều, địch buộc phải rút chạy, ta chiếm lại Gò Ví. Sau đó, quân Mỹ dùng đồn Ông Quy làm bàn đạp đánh chiếm lại Gò Ví. Tuy nhiên, nhờ thông thạo địa hình và thay đổi chiến thuật, bộ đội và du kích ta dùng mìn thổi 40kg quét sạch 7 lớp rào và bãi mìn, rồi ồ ạt tiến công chiếm lại đồn này. Theo ông Cân, trong 5 năm chống chiến tranh cục bộ của Mỹ (1965 - 1970), căn cứ Ao Lầy - Kỳ Thịnh gánh chịu hơn 5.000 tấn bom đạn kể cả chất độc hóa học của địch. Nơi đây trở thành một bãi chiến trường hủy diệt cây cối, nhà cửa, ruộng vườn. Nhân dân Ao Lầy có ít nhất 217 người chết vì bom đạn, sát hại của địch (chiếm hơn 30% dân số).

Đoàn viên thanh niên tham quan Bia di tích kháng chiến Ao Lầy.
Đoàn viên thanh niên tham quan Bia di tích kháng chiến Ao Lầy.

Phố trong làng

Bia di tích Ao Lầy - chứng nhân của lịch sử tọa lạc trên con đường vào trung tâm hành chính huyện Phú Ninh. Ao Lầy xưa, giờ là khối phố Cẩm Thịnh thuộc thị trấn Phú Thịnh. Không ồn ã như bao thị trấn khác, Phú Thịnh thanh bình đến lạ. Những dãy nhà, khu dân cư, chợ búa... bám dọc theo các trục đường rộng lớn có trụ sở cơ quan hành chính của huyện cũng đang phấn đấu tạo dáng một đô thị có cảnh quan xanh. Thị trấn non trẻ mới tròn 5 năm nên còn ngổn ngang hạ tầng dở dang. Từ đồi núi, ruộng đất sình lầy, Phú Thịnh hôm nay có hơn 10 khu dân cư, nhà ở kiểu đô thị; quy hoạch hồ điều tiết và khu công viên trung tâm huyện nằm gọn trong lòng khối phố Cẩm Thịnh. Đến nay, các tuyến giao thông dọc ngang đã khớp nối, như trục Tam Kỳ - Tam Vinh, đường từ trung tâm hành chính huyện đi các xã Tam An, Tam Thái, Tam Dân, Tam Phước. Năm 2015, hạ tầng giao thông khu vực nội thị cơ bản hoàn thành, tuyến đường chính nào cũng lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh...

Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Thịnh - Lê Thanh Long phấn khởi nói: “Từ quê lên phố là hành trình gian nan, nhưng diện mạo của thị trấn hôm nay đổi khác, nhân dân tiếp cận với các dịch vụ và chuyển dịch được cơ cấu lao động từ thuần nông sang loại hình phi nông nghiệp”. Từ hơn 20% dân số là hộ nghèo (năm 2010) thì nay thị trấn chỉ còn dưới 3%. Hơn 7 doanh nghiệp đầu tư may mặc, dân dụng, xây dựng, khai khoáng có mặt trên địa bàn huyện đã giải quyết công ăn việc làm cho cả nghìn lao động. Thị trấn Phú Thịnh đang nỗ lực phát triển thương hiệu làng nghề đan đát mây tre. Theo ông Long, hiện nay làng nghề có 200 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng truyền thống phục vụ nông nghiệp với quy hoạch rộng 30ha. Mỗi lao động thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Trong số 648ha diện tích tự nhiên của thị trấn, chỉ còn lại 170ha đất sản xuất nông nghiệp. “Các dịch vụ ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm nở rộ, nhiều gia đình bắt đầu khấm khá lên từ khi thị trấn từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị và thu hút dân số nhập cư. Các tiêu chí về đô thị loại 5 cơ bản đáp ứng. Theo đề án xây dựng, phát triển thị trấn Phú Thịnh đến năm 2020, sẽ cần hơn 542 tỷ đồng cho quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp và khôi phục làng nghề truyền thống. Điểm nhấn của đề án thể hiện rõ chủ trương phát triển phố trong làng, tạo bản sắc đô thị thân thiện với môi trường.

Đêm. Trên các ngả đường của thị trấn Phú Thịnh, ánh điện sáng lung linh. Ao Lầy xưa đang cựa mình lên phố.

 HỮU PHÚC

HỮU PHÚC