Võ Đức Quang & duyên nợ Karatedo

TƯỜNG VY 03/02/2016 11:40

Đam mê Karatedo đến nỗi chàng sinh viên Võ Đức Quang bỏ ngang con đường đại học, trở về Tam Kỳ mở lớp dạy võ. Để rồi đến hôm nay, anh trở thành  thầy của nhiều thế hệ võ sinh, trong đó có những học trò xuất sắc ở đội tuyển quốc gia và giành huy chương tại các đấu trường SEA Games, châu Á.

Bỏ đại học vì… Karatedo

Vừa học xong chương trình đại học đại cương ngành Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Huế, năm 1990, Võ Đức Quang bất ngờ bỏ ngang rồi khăn gói trở về Tam Kỳ mở lớp dạy võ Karatedo trước sự ngạc nhiên của gia đình, người thân và bạn bè. Giải thích cho hành động “ngược đời” này của mình, anh Quang cười bảo: “Chỉ đơn giản là vì niềm đam mê mà thôi! Năm 1988 ra Huế học đại học thì mình cũng theo học Karatedo cùng võ sư Nguyễn Văn Dũng tại số 8, Trương Định (TP.Huế). Sau 2 năm theo học võ, cảm nhận ở môn võ thuật này có nhiều điều làm mình thích thú nên quyết định nghỉ học để về quê dạy võ”.

Về Tam Kỳ, Võ Đức Quang mở câu lạc bộ Karatedo tại Bảo tàng Tam Kỳ (số 56, Trần Cao Vân). Quảng Nam nói chung, Tam Kỳ nói riêng là vùng đất nuôi dưỡng võ thuật cổ truyền. Tuy nhiên, sự mới mẻ của môn Karatedo và “lò” võ do một cựu sinh viên văn khoa còn khá trẻ mở đã thu hút sự chú ý của nhiều người khiến cho số lượng võ sinh tìm đến tập luyện ngày càng đông. Dẫu vậy, ngọn lửa đam mê vừa được thắp lên thì Võ Đức Quang đành chia tay các học trò tại câu lạc bộ Bảo tàng Tam Kỳ để đảm nhận sứ mệnh mang môn võ của người Nhật này đến với địa phương khác theo khuyến cáo của thầy. “Năm 1993, võ sư Nguyễn Văn Dũng điện thoại bảo mình đi vào tỉnh Quảng Ngãi để phát triển Karatedo. Vì vậy, mình phải lên đường” - anh Quang cho biết. Trong thời gian ở Quảng Ngãi, anh Quang mở lớp tại Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Quảng Ngãi và sau đó chuyển sang Trung tâm Huấn luyện tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, Võ Đức Quang (cùng với Nguyễn Khánh Hiền - VTV Đà Nẵng) được coi là những người đặt nền móng đầu tiên cho phong trào Karatedo Quảng Ngãi.

Võ Đức Quang đang thị phạm cho các học trò. Ảnh: TƯỜNG VY
Võ Đức Quang đang thị phạm cho các học trò. Ảnh: TƯỜNG VY

Có lẽ chàng trai người Tam Xuân (Núi Thành) sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất và phong trào Karatedo Quảng Ngãi nếu không có cuộc gặp gỡ tình cờ vào năm 1997 với võ sư Hoàng Tùng, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện đào tạo vận động viên Quảng Nam. Anh Quang kể, năm đó tỉnh Quảng Nam mới tái lập, ông Hoàng Tùng trong chuyến công tác tại Quảng Ngãi gặp anh đã đặt câu hỏi rất chân tình: “Tau ở tỉnh khác (ông Hoàng Tùng người tỉnh Bình Định) về Quảng Nam đóng góp xây dựng phong trào, mày người Quảng Nam sao không về?”. Vậy là một lần nữa, bỏ lại sau lưng những gì đã gầy dựng trong thời gian 3 năm tại Quảng Ngãi, anh Quang khăn gói theo chân võ sư Hoàng Tùng trở về Quảng Nam làm huấn luyện viên tại trung tâm nơi ông Hoàng Tùng công tác. Từ đây, một chương mới trong cuộc đời võ nghiệp của chàng cựu sinh viên văn khoa Huế đã mở ra…

Thầy của nhiều tài năng

Với những kiến thức đã được học trong những năm còn ở Huế từ võ sư nổi tiếng Nguyễn Văn Dũng và kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với phong trào tại Quảng Ngãi nên khi làm công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao, Võ Đức Quang đã hoàn thành rất tốt công việc của mình. Trong gần 20 năm qua, anh đã phát hiện nhiều tài năng và đào tạo thành những vận động viên xuất sắc không chỉ của tỉnh mà còn của đội tuyển Karatedo Việt Nam. Một số học trò của anh trong màu áo đội tuyển quốc gia tranh tài tại các đấu trường khu vực, quốc tế đã gặt hái nhiều vinh quang về cho Tổ quốc như Bùi Thị Triều - 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc SEA Games, 2 huy chương bạc giải trẻ châu Á; Bùi Thị Nhung - 1 huy chương bạc giải trẻ châu Á. Hiện Bùi Thị Nhung đang làm công tác huấn luyện tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam còn Bùi Thị Triều theo học đại học để sau này có thể tiếp bước thầy mình. Ngoài ra, có thể kể đến một số gương mặt tiêu biểu khác như Bùi Như Mỹ từng giành 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng SEA Games; Nguyễn Phi Tuấn từng góp mặt trong đội tuyển quốc gia thi đấu tại SEA Games…

Chia tay con chữ ở giảng đường đại học để làm thầy dạy võ, tuy nhiên Võ Đức Quang vẫn chú tâm đến việc học võ. Khi từ Huế về Quảng Nam, anh mới chỉ mang huyền đai đệ nhị đẳng nhưng đến nay đã thăng lên huyền đai đệ ngũ đẳng. Anh Quang cho biết, huyền đai đệ tứ đẳng trở xuống do trưởng phân đường ở trong nước cấp giấy chứng nhận còn từ huyền đai đệ ngũ đẳng trở lên do chưởng môn hệ phái Suzucho Karatedo ở Nhật cấp (giấy chứng nhận huyền đai đệ ngũ đẳng của anh Quang do Chưởng môn đời thứ II - võ sư Suzuki Tokuo (Nhật Bản), con trai trưởng của võ sư Suzuki Choji - ông tổ của Karatedo Việt Nam, ký).
Theo cuốn sách Nghĩa Dũng Karatedo của võ sư Nguyễn Văn Dũng (Nxb Thuận Hóa, năm 2010), từ phân đường Nghĩa Dũng Karatedo, đến nay đã phát triển ra 27 phân đường ở các tỉnh, thành phố và 4 phân đường ở nước ngoài (Australia, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Canada). Võ Đức Quang phụ trách phân đường Quảng Nam và được ghi nhận là người góp phần đặt nền móng khai sinh ra phân đường Quảng Ngãi.

Vừa làm công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao, cũng như người thầy của mình, Võ Đức Quang còn quan tâm đến phát triển phong trào nhằm đưa môn võ này đến với nhiều người. Ngoài giờ huấn luyện tại nơi công tác - Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam, anh Quang còn mở câu lạc bộ Trí Dũng (đặt tại nhà riêng số 18, Võ Thị Sáu, phường An Sơn, TP.Tam Kỳ), hàng ngày thu hút khoảng 30 võ sinh gồm phần lớn là sinh viên, học sinh trên địa bàn Tam Kỳ tham gia tập luyện. Bên cạnh rèn luyện võ thuật, câu lạc bộ còn chú tâm đến việc dạy cho võ sinh tinh thần võ đạo, nền nếp kỷ cương và nhân văn. “Trí Dũng có nghĩa là người học võ phải có trí tuệ và dũng khí” - anh Quang giải thích ngắn gọn về tên gọi của câu lạc bộ. Mười nội quy được treo trang trọng ngay giữa phòng tập như “Tuyệt đối không dùng võ đánh người nếu không vì lý do tự vệ chính đáng”; “Phải là con ngoan, trò giỏi, công dân tốt”… như nhắc nhở mỗi võ sinh phải luôn thành tâm, tu dưỡng.

Karatedo đã “kéo” chàng sinh viên văn khoa Võ Đức Quang ra khỏi giảng đường đại học và phải đến 23 năm sau, anh mới lại có cơ hội một lần nữa bước chân vào giảng đường đại học nhưng lần này là Trường Đại học TD-TT Đà Nẵng. “Nói thật mình là người tham công tiếc việc. Bao năm qua, công việc huấn luyện cứ kéo mình đi mãi mà chẳng nghĩ đến chuyện học. Hơn nữa, công tác đào tạo, huấn luyện là quá trình liên tục, nếu đi học thì công việc bỏ dở, không đạt kết quả. Mãi đến năm 2013, mình mới quyết định dành thời gian đi học để nâng cao kiến thức. Huấn luyện viên là một nghề đáng trân trọng. Mình đam mê và đi theo, hết mình cùng với nó thì không có điều gì hối tiếc cả” - anh Quang nói.

TƯỜNG VY

TƯỜNG VY