Nghề săn trứng kiến
(QNO) - Nghề săn... trứng kiến, nghe có vẻ "độc, lạ" nhưng là có thật của một phụ nữ ở phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ). Chúng tôi vừa có một chuyến trải nghiệm cùng với chị Hạnh (trú khối phố 1 - người có nhiều năm theo cái nghề lạ lừng này.
Phá tổ kiến để lấy trứng. |
Bốn giờ sáng. Trong làn sương mờ đục, chúng tôi theo chân chị Hạnh từ TP.Tam Kỳ ngược lên các rừng keo tràm ở Phú Ninh để bắt đầu cho chuyến săn trứng kiến. “Công việc này đòi hỏi phải đi sớm, trời chưa có nắng để kiến khỏi bị động tổ” - chị Hạnh giải thích. Lỉnh kỉnh “đồ nghề” gồm 3 cây sào (mỗi cây dài tầm 3m), đoạn đầu của cây sào nhỏ nhất có gắn một chiếc vợt bằng vải và một đoạn sắt nhọn để phá tổ kiến, không mấy chốc chúng tôi tiếp cận được một tổ kiến treo lơ lửng.
Tại tổ kiến này, nửa tháng trước chị Hạnh đã lấy trứng kiến và hôm nay quay lại cũng là lúc kiến bắt đầu sinh sôi. So với nhiều nghề, công việc bắt trứng kiến không mấy nặng nhọc nhưng đòi hỏi ở “người thợ săn” sự khéo léo và tỉ mỉ. Với kinh nghiệm của mình, chị Hạnh bắt đầu đưa cây sào từ dưới lên phá tổ kiến chứ không phá ngang vì như vậy không những không lấy được trứng và còn “chọc giận” kiến và phải thao tác thật nhanh. Trứng kiến có màu trắng đục; trứng chất lượng sẽ to bằng hạt đậu xanh, nhiều nhất là vào mùa sinh sản khoảng tháng Giêng và tháng Hai âm lịch.
Chị Hạnh bảo, nghề này hiếm người theo vì mức độ nguy hiểm cao. Ngoài chuyện hay bị rắn rít cắn, không ít lần đang phá tổ thì có gió lớn thổi mạnh làm rơi tổ kiến xuống ngay người.
Trứng kiến có màu trắng đục và to bằng hạt đậu xanh. |
Mỗi lần đi săn, chị Hạnh thu về khoảng 2kg trứng kiến. Nếu vào mùa sinh sản, khối lượng có thể tăng lên gấp đôi. Trứng kiến được đưa vào từng túi ni lông nhỏ rồi mang đến bán tại các đại lý thức ăn cho chim, cá cảnh. Trung bình 1kg trứng có giá khoảng 180 ngàn đồng. Riêng loại trứng đạt chất lượng, giá có thể cao hơn vì được dùng tại các nhà hàng, quán ăn để chế biến các món ăn như trứng kiến xào, xôi kiến...
“Thời gian gần đây, rất nhiều người tìm đến tôi đặt mua trứng kiến nhưng do chỉ có một mình nên năng suất làm có chừng” - chị Hạnh nói. Không ít lần chị tìm người để bày dạy cách săn trứng kiến nhưng chỉ được một vài ngày vì ai cũng sợ bị kiến cắn nên không theo nổi. Tuy là nghề vất vả và nguy hiểm nhưng 3 năm nay, kể từ khi theo nghề, kinh tế gia đình chị Hạnh ổn định hơn. “Trước đây tôi theo chồng đi phụ hồ. Làm việc nặng nhọc, thu nhập ít và cũng chẳng có thì giờ lo cho gia đình. Từ khi đi bắt trứng kiến thì có thời gian rảnh rang để quán xuyến gia đình, thu nhập lại khá hơn trước” - chị Hạnh tiếp lời.
Tết đến thật gần, chị Hạnh lại tiếp tục “đồ nghề” dò dẫm trong các vạt rừng tràm khi trời còn tờ mờ...
PHAN VINH - VĂN VIỆT