Ở vương quốc "nữ hoàng"

HÀ MINH 30/01/2016 08:59

Ở Đà Nẵng có một “vương quốc” linh trưởng - được mệnh danh là “nữ hoàng”: voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là voọc ngũ sắc). Đây cũng đang là nơi có số cá thể voọc tồn tại nhiều nhất thế giới. Voọc chà vá chân nâu có sức hút mạnh với hàng triệu du khách.

“Nữ hoàng” linh trưởng tại núi Sơn Trà (Đà Nẵng). Ảnh: GREEN VIỆT
“Nữ hoàng” linh trưởng tại núi Sơn Trà (Đà Nẵng). Ảnh: GREEN VIỆT

Người đàn ông chuyên ngắm “nữ hoàng”

Tôi cá là ở Đà Nẵng, Bùi Văn Tuấn (29 tuổi) ở phường Thọ Quang (Sơn Trà) có lẽ người đàn ông may mắn được ngắm “nữ hoàng” nhiều nhất. Bén duyên với linh trưởng năm 2008, khi còn là sinh viên năm thứ 2 ở Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, khoa Sinh - Môi trường, 7 năm nay, ngày nào Tuấn cũng lên Sơn Trà để được “gần gũi” với “nữ hoàng” linh trưởng. Tuấn kể, 18 năm trước từ Đại Lộc (Quảng Nam) ra Đà Nẵng theo học đại học, Tuấn chưa phân biệt được voọc hay khỉ. Duyên voọc đưa đẩy khi Tuấn vào học khoa Sinh - Môi trường, lúc đó TS. Đinh Thị Phương Anh là nhà nghiên cứu sinh thái học đầu tiên ở Đà Nẵng cũng là giảng viên hướng dẫn đề tài Nghiên cứu về voọc của Tuấn.

Ngày tốt nghiệp, cũng là ngày Tuấn nhận ra đã bị “nữ hoàng” linh trưởng “dụ” lên núi Sơn Trà rồi mê mẩn từ khi nào không hay. Để rồi, sáng tinh mơ, chiều tà, mưa hay nắng, gần như những nẻo đường, dưới tán rừng hay trên những thảm thực vật trên bán đảo Sơn Trà đều đã in dấu chân của Tuấn. Thời gian lang thang trên rừng Sơn Trà với Tuấn  có vô vàn kỷ niệm khó quên. Lên Sơn Trà những năm trước 2008 chỉ có tuyến đường mòn độc đạo bị che khuất bởi nhiều tầng tán rừng với vô số khúc cua tay áo nguy hiểm. Những hôm mưa gió, Tuấn ngồi dưới gốc cây chờ đợi voọc, áo quần ướt sũng, nắm xôi lạnh ngắt trên tay vừa ăn vừa run. Rồi những hôm xe hỏng dưới chân dốc, Tuấn cùng cộng sự là sinh viên khóa dưới phải đẩy xe hơn 10km đường núi mà cứ thấy nghèn nghẹn trong lòng...

Với gần 200 cá thể voọc được nhóm nghiên cứu của Tuấn ghi nhận và đưa vào bản đồ số hóa về vùng phân bố của loài ở Sơn Trà, đề tài nhận Giải nhì trong Báo cáo kết quả Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 8 của Đại học Đà Nẵng. Sau đó, Tuấn tham gia Báo cáo tại Hội thảo bảo tồn linh trưởng quốc tế năm 2009, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình.

Hiện Tuấn thực hiện đề tài khoa học thứ 2 về tập tính và mẫu phân của loài voọc tại Sơn Trà. Anh cho biết đề tài khoa học thứ 2 này có nhiều điều lý thú, bỡ ngỡ mà chính anh cũng bất ngờ về loài thú quý hiếm này.

Gìn giữ “Kho báu mong manh”

Từ 2 bức ảnh ban đầu Tuấn chụp được trong những năm tháng rong ruổi trên Sơn Trà để ngắm “nữ hoàng” chà vá chân nâu đem ra triển lãm ảnh Xuân quê hương diễn ra tại Đà Nẵng hồi tháng 3.2014, đã đem đến cho người thưởng lãm hình ảnh “nữ hoàng” thiên nhiên sinh động, duyên dáng và kiêu sa khi ngự trị trên những cành cây với 5 màu sắc rực rỡ nổi bật giữa nền rừng xanh thẫm… Ngày đó, Tuấn tưởng mình cứ vẫn một mình “chiếm giữ nữ hoàng”, nhưng bây giờ, sau hai năm, từ hai tấm ảnh trong triển lãm ấy, đã có hơn 1.500 người lên Sơn Trà chỉ để… ngắm “nữ hoàng”. Để trợ giúp những người yêu thiên nhiên, Trung tâm đa dạng sinh học nước Việt (Green Việt) được thành lập với mục đích hoạt động phi lợi nhuận vì đam mê, vì muốn bảo vệ loài động vật quý hiếm này do Tuấn đồng sáng lập đang là cầu nối hữu hiệu giữa voọc chà vá chân nâu với những người quan tâm, yêu thích động vật. Hiện voọc chà vá chân nâu đã được thành phố Đà Nẵng lấy làm hình ảnh đại diện thân thiện của thành phố vì môi trường.

Thiết bị ngắm “nữ hoàng” của Bùi Văn Tuấn và những người bạn.
Thiết bị ngắm “nữ hoàng” của Bùi Văn Tuấn và những người bạn.

Có dịp lang thang lên đỉnh Sơn Trà mây mù bao phủ, du khách đừng giật mình khi đang thả hồn mình thư thái ngắm biển trời, cây cỏ bỗng thấy bóng dáng một bầy voọc chà vá chân nâu xuất hiện băng mình qua đường, chuyền cành nhanh thoăn thoắt hay tròn mắt nhìn du khách từ xa...

Với đặc trưng 5 màu, voọc chà vá chân nâu được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp lạ lùng. Loài này thuộc nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện. Mr Jonathan, nghiên cứu sinh người Mỹ cho biết thật may mắn khi được tiếp cận với “kho báu” linh trưởng của thế giới ngay tại Sơn Trà. “Loài voọc này tồn tại một số nơi trên thế giới. Riêng ở bán đảo Sơn Trà được đánh giá là có số cá thể lớn nhất, nên tôi quyết định chọn nơi đây để làm đề tài nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ” – Mr Jonathan chia sẻ. Nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước cũng đã đến đây đã ghi lại tập tính và sinh hoạt hằng ngày của voọc, như: ăn ở theo gia đình khoảng 5 con, cứ khoảng 6 giờ sáng, thức dậy kiếm quả sung, lá đa cùng nhiều loại lá cây khác tại bán đảo Sơn Trà làm thức ăn, khoảng 11 giờ đi ngủ, đến 3 giờ chiều, trời mát đi ăn lại... đã đưa hình ảnh loài voọc chà vá chân nâu tại núi Sơn Trà ra thế giới.

Ở nước ta, lượng cá thể của loài này chiếm tới 83% số lượng voọc trên thế giới, với khoảng 530 cá thể, tập trung chủ yếu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Theo Tổ chức Bảo tồn voọc chà vá quốc tế, trong khi loại linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, thì tại bán đảo Sơn Trà lại đang phát triển ổn định.

Người dân Đà Nẵng tự hào vì đang sở hữu nhiều loài linh trưởng quý, được xem là báu vật của thế giới đang sinh sống ngay bên cạnh mình. Để bảo vệ “báu vật” này, nhiều chuyên gia cho rằng ngoại trừ những tác động tiêu cực bất khả kháng từ thiên nhiên, Đà Nẵng cần có chiến lược bảo tồn một cách bền vững hơn, từ việc ngăn chặn đánh bắt trái phép đến việc quy hoạch, khai thác du lịch tại bán đảo Sơn Trà hợp lý không xâm hại thiên nhiên. Nói như vợ chồng TS. - bác sĩ thú y Ulike Strecher và Larry Ulibarri (người Mỹ) thì thật đáng ngạc nhiên khi có một khu rừng xinh đẹp ở gần thành phố Đà Nẵng với hệ sinh thái còn gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, hai nhà khoa học này tỏ ra quan ngại về việc khai thác du lịch ở Sơn Trà thời gian có thể khiến cho hệ sinh thái bị tàn phá, các loài động thực vật quý hiếm có thể bị biến mất nhanh chóng và đứng trước nguy cơ đe dọa tuyệt chủng… Họ cảnh báo bằng một thông điệp có ý nghĩa hình tượng về sự mất còn của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà khi gọi đó là một “kho báu mong manh”.

HÀ MINH

HÀ MINH