Muôn nẻo mưu sinh
Càng gần đến tết, người nghèo càng lo toan với cuộc mưu sinh. Thời tiết giá lạnh trong những ngày qua càng khiến họ thêm vất vả tảo tần nhưng ai cũng cố gắng bươn chải để gia đình có một cái tết đầm ấm hơn…
Có những thứ tưởng chừng bỏ đi của nhiều gia đình như canh thừa, cá cặn, nhưng lại trở thành phế phẩm chăn nuôi giúp chị Nguyễn Thị H. (Hòa Thuận, Tam Kỳ) có nguồn thu nhập ổn định. Chở 3 - 4 chiếc xô nhựa trên chiếc xe đạp cọc cạch, chị rảo quanh các khu dân cư để lấy thức ăn thừa về nuôi heo. Chị H. khoe, tết này chị xuất chuồng được 2 con heo thịt, cũng đủ sắm sửa quần áo cho con, bánh mứt cho gia đình. Mấy năm nay, tiền ăn học của 2 con đều nhờ vào việc chị gom góp thức ăn thừa để nuôi heo. “Ở thành phố, đất ruộng ngày một ít, nghề nghiệp không có, cũng khó có điều kiện nuôi con ăn học đàng hoàng như người ta, may mà nhờ kiếm được chút phế phẩm này để chăn nuôi” - chị H. tâm sự. Còn chị Trịnh Thị X. (ở Tam Đàn, Phú Ninh) thường ngày “gánh chợ trên vai” đến những gia đình ở xa chợ. Hàng của chị là thịt, cá, rau, dưa. Chỉ chừng đó thôi mà chị “gánh” cả cuộc sống của người chồng hay đau ốm và một người con bị nhiễm chất độc da cam, chỉ có một người con gái đang học cao đẳng ở Đà Nẵng là niềm hy vọng của chị. Nhưng điều ấy cũng đồng nghĩa với việc chị phải lao động cật lực hơn để có tiền trang trải cuộc sống cho cả nhà. Những ngày giáp tết, chị nghỉ bán, chuyển sang dọn nhà thuê. Chị X. cho biết, ngày công dọn nhà được khoảng 150 nghìn đồng, ổn định hơn và cũng ít lo lắng hơn so với bán dạo. Nhiều chủ nhà biết hoàn cảnh của chị, còn cho giấy vụn, chai, lọ, thùng các tông… nên chị cũng kiếm thêm được một ít tiền nữa.
Phút nghỉ ngơi của người bán hàng dạo. Ảnh: CHÂU NỮ |
Tầm 5 - 7 giờ sáng, bà P. xấp xỉ 70 tuổi ở Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) đã có mặt ở góc đường Nguyễn Dục với mẹt cá, tôm, ốc. Để có vài lạng tôm, vài ký ốc hay mớ cá vụn bán mỗi sáng, vợ chồng bà phải lặn lội trên sông nước từ khuya đến tờ mờ sáng. Chỉ vào rổ cá vụn, bà P. nói mà như than: “Trời lạnh quá, tôm cá cũng trốn đâu mất. Suốt mấy tiếng đồng hồ dầm mình trong nước, hai vợ chồng già cũng chỉ làm được có chừng ni, kiếm được vài chục ngàn mỗi bữa, cũng đủ mua thức ăn”. Bán xong, bà quày quả vô chợ mua hành bó, bó bún khô để dành cho tết. “Mỗi bữa để dành một ít, để có mâm cơm rước ông bà cho tươm tất” - bà P. tâm sự. Còn bà T. 87 tuổi, ở gần Khu công nghiệp Thuận Yên (TP.Tam Kỳ) cho biết, đến lúc này, bà vẫn chưa chuẩn bị nhiều để đón tết. Thường ngày bà T. mua đi bán lại khoảng vài 3 - 4 chục rau, lời vài chục ngàn đồng, cộng với tiền trợ cấp của người cao tuổi, đủ cho bà và người con ngoài 40 hay đau ốm đắp đổi qua ngày.
Khách đi đường hẳn quen với hình ảnh những người bán vé số dọc đường Nguyễn Chí Thanh (TP.Tam Kỳ). Sau khi bán dạo ở các quán cà phê buổi sáng, từ trưa đến chiều một số người tập trung về đây. Có người ở Thăng Bình vào, có người từ Núi Thành ra, có người từ Tam Phú (TP.Tam Kỳ) lên. Bà Phạm Thị Ph. 65 tuổi, ở Tam Phú đem theo cơm nước để ăn, bởi theo bà, bán ngày lời không được mấy đồng, đâu dám ăn cơm hàng quán. Trong khi đó, gần hai chục năm nay, bà Trần Thị B. (Đại An, Đại Lộc) chọn TP.Đà Nẵng để bán vé số. Bước chân bà rong ruổi qua nhiều nẻo đường, khi nào mệt thì nghỉ, tối về nhà chủ đại lý vé số ngủ ngờ. Bà B. cho biết, mỗi ngày lời được 50 - 60 nghìn đồng, ăn uống tiện tặn cũng dành dụm được một ít để vài tuần hoặc một tháng về quê mua quà cho con cháu. Tết cũng là mùa làm thêm kiếm tiền của sinh viên. Nhiều bạn sinh viên chọn làm công việc thời vụ như bán háng, giao hàng cho các shop bán hàng online, dọn dẹp nhà cửa để làm bán thời gian và làm trong những ngày nghỉ tết. Bạn H.A. quê Đại Lộc, sinh viên Trường Đại học Quảng Nam, phụ bán cho một shop thời trang ở chợ Trung tâm Thương mại cho biết, nhóm bạn của H.A. bán hàng theo ca sáng - chiều, mỗi người kiếm được trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Vừa làm vừa học tuy hơi vất vả, nhưng số tiền này cũng bớt được gánh nặng cho cha mẹ ở quê.
Tết cũng là mùa làm ăn của thợ đánh bóng lư đồng, thợ sửa quần áo, giày dép; là mùa mưu sinh của những người bán hàng dạo, người mua ve chai, đồng nát… Tết đang len lỏi đến từng nhà. Và những phận đời khốn khó vẫn miệt mài mưu sinh. Tuy bất tật với công việc lam lũ nhưng trong họ ánh lên niềm vui về tấm áo mới sẽ sắm cho con, về mâm cơm tươm tất, về cái tết sum vầy đang đến gần…
CHÂU NỮ