Giữ biển trời tây nam - Bài 4: Sức sống Thổ Chu

Ghi chép của NGUYỄN QUANG VIỆT 29/01/2016 08:42

Qua biến thiên thời gian và lịch sử, đảo Thổ Chu - nơi lưu giữ ký ức đau thương khi ngày 10.5.1975, quân Khmer Đỏ vô cớ tấn công, giết chết 515 người dân vô tội, đã thay da đổi thịt, khẳng định sức sống nơi biển trời tây nam của Tổ quốc.

  • Giữ biển trời tây nam - Bài 3: Sinh kế ở Hòn Chuối
  • Giữ biển trời tây nam - Bài 2: "Gieo chữ" nơi đảo xa
  • Giữ biển trời tây nam - Bài 1: Đảo là nhà

1.Trên hành trình đến với đảo Thổ Chu, tôi đã nghe đồng nghiệp nhắc nhớ về một số cột mốc quan trọng xảy ra nơi đảo tiền tiêu này. Thắc mắc tại sao ở đảo Thổ Chu người ta không đặt tên là xã Thổ Chu mà lại gọi là xã Thổ Châu (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) của tôi được anh bạn đồng nghiệp lý giải chuyện của lịch sử, có lẽ gọi Thổ Châu để nguôi ngoai ký ức đau thương. Ra đảo, hỏi cán bộ xã Thổ Châu và những người lính biên phòng nơi đây, ai cũng trả lời đại khái như vậy. Có lẽ, ngay khi lập lại chính quyền mới, nơi đây được kỳ vọng về một sự khởi sắc, quên đi ký ức đớn đau. Xã đảo Thổ Châu có tổng diện tích 1.395ha với 8 hòn đảo nhỏ có những tên gọi rất đẹp như hòn Nhạn, hòn Cái Bàn, hòn Đá Bạc… Do thiếu nước ngọt nên ở các đảo nhỏ vẫn chưa có dân cư đến sinh sống, ngoại trừ đảo Thổ Chu.

Người dân ở đảo Thổ Chu bám biển, ổn định sinh kế từ biển. Ảnh: Q.VIỆT
Người dân ở đảo Thổ Chu bám biển, ổn định sinh kế từ biển. Ảnh: Q.VIỆT

Trung tâm hành chính của xã Thổ Châu nằm ở ấp Bãi Ngự, cách huyện Phú Quốc 110km, cách TP.Rạch Giá (Kiên Giang) 220km. Nom Bãi Ngự giống như con thuyền đang cưỡi sóng, hai đầu vút lên còn ở giữa chùng xuống. Ở đây tôi đã gặp một trong những người đầu tiên đến định cư ở đảo sau sự kiện hãi hùng hồi 1975 là ông Nguyễn Văn Minh. Ông Minh từ đất Rạch Giá ra đảo sinh sống và lập gia đình từ năm 1993 khi chính quyền xã mới Thổ Châu động viên 20 hộ dân ra đảo lập nghiệp. Ông Minh bảo, bây giờ và mãi sau này, ông sẽ không quên những ngày đầu mới đến đảo, cuộc sống bộn bề gian nan, cái gì cũng thiếu, nhìn đâu cũng thấy hoang vu, lạnh lẽo. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Minh cứ bần thần hồi tưởng rồi gút lại bằng câu nói với nụ cười nhẹ thinh: “Mới đó mà đã 23 năm. Chừ tôi đã đứng tuổi, con cái cũng đã trưởng thành. Đảo đã trở thành quê hương ruột rà…”.

Nói chuyện một hồi sinh quen, nhất là khi tôi “cứa” vào ông những bộn bề ký ức. Ông Minh đưa tôi đến thăm tấm bia là cột mốc chủ quyền ở ấp Bãi Ngự. Tại đây, ông Minh bảo, ngày 24.5 là ngày trọng đại đối với cư dân trên đảo. Vì rằng, đây là ngày giải phóng Thổ Chu cũng là ngày giỗ chung cho 515 người dân vô tội đã bị quân Khmer Đỏ dã man giết hại. Câu chuyện từ đó cứ kéo dài ra, lan man trong day dứt. Người dân đất Việt đã ở trên đảo Thổ Chu từ nhiều chục năm trước ngày đất nước giải phóng, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản quanh đảo. Nhưng ngày 10.5.1975, quân Khmer Đỏ vô cớ tấn công chiếm đảo Thổ Chu. Lúc đó miền Nam mới được giải phóng, do nằm xa đất liền, thông tin liên lạc bị gián đoạn nên người dân trên đảo hoàn toàn bất ngờ mà không thể cầu viện, ứng cứu từ đâu hết. Bấy giờ, 515 người dân vô tội đã bị tốp lính Khmer Đỏ áp lên tàu, đưa về tận một hòn đảo nhỏ ở Campuchia xa xôi sát hại. Sự việc mãi sau này mới biết khi quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam giải phóng những hòn đảo này. Các chiến sĩ đã tìm thấy rất nhiều căn cước (chứng minh nhân dân) để lại đề tên những công dân đất Việt khi bị giết chết.

Khi bọn Khmer Đỏ giải hơn 500 người dân vô tội đi, chỉ một số ít trốn thoát được đã lén lấy tàu chạy vào đất liền cấp báo. Rạng sáng 24.5.1975, bộ đội ta tiếp cận được đảo Thổ Chu và đến chiều cùng ngày, đã bắt sống, xóa sổ cả một tiểu đoàn Khmer Đỏ, giải phóng hoàn toàn đảo Thổ Chu. Sau sự kiện lịch sử đó, trên đảo Thổ Chu chỉ có bộ đội trú đóng giữ đảo. Mãi đến năm 1993, chính quyền mới động viên và ông Minh cùng 19 hộ dân khác đã đến sinh sống tại hòn đảo này.

2. Thổ Chu hôm nay đã thay da đổi thịt. Từ 20 hộ dân của lớp người đầu tiên, đến nay trên đảo đã có 544 hộ với 2.031 nhân khẩu sinh sống. Ông Nguyễn Trọng Hồng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu cho chúng tôi biết, đảo Thổ Chu nay đã có điện, có chợ, có trường học mẫu giáo, tiểu học và THCS, đường nhựa nối liền 8 tổ nhân dân tự quản. Địa phương đã xây xong đền Thổ Châu thờ Bác Hồ và linh vị những người đã ngã xuống khi giải phóng đảo khỏi bàn tay man rợ của Khmer Đỏ cũng như tưởng niệm hơn 515 người dân bị sát hại trước đây. Xã đảo Thổ Châu đã được địa phương đề nghị nâng lên thành huyện đảo, và nhiều công trình đang được xây mới để hiện thực hóa ước vọng này.

Nhờ chú tâm phát triển kinh tế, hiện tại xã đảo chỉ còn 19 hộ nghèo. Không chỉ người dân có cuộc sống no đủ, ấm cúng, Thổ Chu còn được đánh giá là hòn đảo đẹp, bình yên, quyến rũ. Vì lẽ đó, Thổ Chu đang được tỉnh Kiên Giang quy hoạch là điểm du lịch sinh thái của tỉnh.

Ông Minh bảo, bây giờ và mãi sau này, ông sẽ không quên những ngày đầu mới đến đảo, cuộc sống bộn bề gian nan, cái gì cũng thiếu, nhìn đâu cũng thấy hoang vu, lạnh lẽo. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Minh cứ bần thần hồi tưởng rồi gút lại bằng câu nói với nụ cười nhẹ thinh: “Mới đó mà đã 23 năm. Chừ tôi đã đứng tuổi, con cái cũng đã trưởng thành. Đảo đã trở thành quê hương ruột rà…”.

Chia tay ông Hồng, chúng tôi tìm đến Bệnh xá Quân dân y đảo Thổ Chu để tìm hiểu chất lượng sống của người dân trên đảo. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thùy - phụ trách Bệnh xá Quân dân y cho biết, bệnh xá có tổng cộng 26 khoa, phòng, đảm đương được về cơ bản các chuyên khoa. Đội ngũ y - bác sĩ ở đây được tăng cường từ đất liền và được cử đi học, đào tạo thêm về chuyên môn. Ông Thùy kể, cũng nhờ trình độ chuyên môn được nâng cao mà mới đây đội ngũ bác sĩ của bệnh xá đã phẫu thuật tại chỗ, cứu sống một ngư dân bị vỡ gan khi gặp tai nạn trong lúc đang đánh bắt hải sản. Cách đó chưa lâu, vào đêm bão bùng mưa gió, một phụ nữ chuyển dạ sinh khó, không thể chuyển kịp vào đất liền, đội ngũ y - bác sĩ đã động viên gia đình yên tâm để bệnh xá xử lý. Ca phẫu thuật cứu được cả mẹ lẫn con thành công vượt ngoài kỳ vọng của gia đình đã đem đến niềm vui lớn cho đội ngũ cán bộ và nhân viên bệnh xá.

Y sĩ Nguyễn Văn Thùy người huyện Thanh Hà (Hải Dương) được cấp trên điều động công tác tại Thổ Chu từ năm 1996 đến nay. Từ năm 2000 anh đã đưa vợ con ra đảo sinh sống, trở thành công dân của xã đảo Thổ Châu. Anh Thùy bảo, nếu đã đến đây sống thì sẽ hiểu con người nơi đây hiền lành, trọng nghĩa. Họ sống thật và chắt chiu tất cả những gì đã trải nghiệm, làm sao không quý, không yêu và gắn bó thân thuộc. Anh Thùy kể, những ngày đầu ra đảo, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân gặp vô vàn khó khăn. Mùa biển động năm 1993, lúc đó tàu không ra vào được nên khi cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo bị sốt rét cấp tính phải đưa vào đất liền cấp cứu bằng trực thăng. Năm 2014, cũng có một cán bộ ở Trạm ra đa 610 bị tụ cầu khuẩn, Vùng 5 Hải quân phải tức tốc dùng trực thăng đưa vào đất liền cấp cứu. Khi Bệnh xá Quân dân y đảo Thổ Chu được thành lập và nằm dưới tầm quản lý của Quân khu 9 hồi tháng 2.2015, vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe cho quân và dân được cải thiện vượt bậc. Quân khu 9 đã tăng cường thêm một kíp mổ, cộng với kíp mổ của đảo có từ bấy lâu nên đủ khả năng cấp cứu và cứu sống những trường hợp tai nạn, đau ốm hiểm nghèo. “Lực lượng quân y trên đảo hiện nay cơ bản đã đảm bảo được các ca cấp cứu khó. Chúng tôi toàn tâm, toàn ý ở đảo để chăm sóc cho những người đang sống để giữ đảo thiêng liêng này” - ông Nguyễn Văn Thùy nói.

Ghi chép của NGUYỄN QUANG VIỆT

Bài 5: Bí ẩn quần đảo Hải tặc

Ghi chép của NGUYỄN QUANG VIỆT