Chợ Bà Hòa - Một miền thương cảm

TRẦN XUÂN QUANG 28/01/2016 15:12

(QNO) - Xóm chợ bà Hòa từ lâu đã thành quê xứ thân thương của bao lớp người, nhất là những lúc ngộ cố tri nơi quê xa đất khách.

Chợ Hòa Hương tọa lạc trên đường vào sân vận động Tam Kỳ. Ngôi chợ khang trang mới xây dựng trên các nền đất cũ nhà Bảo sanh thời Pháp thuộc và trường Trung học bán công Nguyễn Dục thời Việt Nam Cộng hòa. Chợ Hòa Hương nhưng nhiều người bổn xứ cao niên vẫn quen tên gọi chợ bà Hòa. Xóm chợ bà Hòa từ lâu đã thành quê xứ thân thương của bao lớp người, nhất là những lúc ngộ cố tri nơi quê xa đất khách. Ngày trước Tam Kỳ như một làng quê, ai cũng thấy gần gũi biết nhau. Đã một thời, người Tam Kỳ ít ai nói bạn ở phường nào, đường phố nào mà thường gọi bằng cái tên xóm xứ thân thương: xóm chợ bà Hòa, xóm Hương Trà, Hương Sơn, xóm lò Rèn, xóm thợ Hàn, xóm Củi, xóm Tứ Bàn, Hồng Lư, An Thổ… Bây giờ tất cả đã thành dĩ vãng, chuyện cũ người xưa tàng sâu trong tâm thức người quê phố mới.

Chợ Bà Hòa là nơi gợi nhiều ký ức tuổi thơ.
Chợ Bà Hòa là nơi gợi nhiều ký ức tuổi thơ.

Chiều cuối năm cùng bên ly cà phê, anh bạn phương xa lâu ngày về thăm cố xứ cứ ngẩn ngơ như Từ Thức hồi trần… Tự dưng ký ức tôi cũng dẫn về một miền xa thương cảm - chợ bà Hòa xưa.

Trên đường thiên lý Bắc Nam, nơi ngã tư Phan Chu Trinh - Thanh Hóa (Tam Kỳ), xưa kia là chợ bà Hòa một thời sôi động. Từ đây rẽ về xóm Hương Trà chừng hơn vài trăm mét ta được thả hồn dưới bóng hàng sưa mát rượi, mỗi cuối xuân về lại tỏa hương vàng cho dòng sông xanh biếc, níu bước người đi réo gọi người về, sưa tạo thành danh cách một xóm quê hương-“Hương ba vĩnh bảo quang thiên cổ/ Trà cẩm trường tồn, kỷ vạn niên”.

Thuở ban đầu chợ bà Hòa là một quán nhỏ có từ đầu những năm ba mươi thế kỷ hai mươi. Ông Trần Văn Tuyền - một lão thành cách mạng ở khối phố Hương Trà nhớ lại: hồi năm 1936 đi thi Yếu lược ngoài Trường Pháp - Việt về được cha dẫn vào quán bà Hòa nghỉ chân uống nước. Bà Hòa rất quý mến mọi người, dù chỉ năm hào dầu vài đồng mắm bà cũng vui vẻ ân cần. Gặp người quê, ai bà cũng xưng hô cậu mợ như bà con thân thích. Chợ bà Hòa gần gũi với tôi từ thời còn thơ ấu những năm 1960, 1961... Học trường Vân Côi ngày nào cũng mấy lần đi - về qua chợ, tôi cảm như quen hết mọi người. Nhớ nhất là những lần theo mẹ lên chợ bán rau được mẹ cho ăn bánh bèo bánh đúc. Giỏ bánh đúc gạo mùa bóng mỡ với nhưn tôm đỏ ươm quyện cùng mùi mắm nêm ngon đến nỗi chỉ mới nhắc đến là nước miếng đã tứa ra. Một lần đang ngồi ăn ngon bỗng nghe tiếng tu huýt cảnh sát thổi liên hồi, mấy bà bán thịt bưng mủng chạy tứ tán, thấy họ chạy mình cũng chạy chẳng biết có chuyện gì. Hỏi ra mới biết cảnh sát đuổi mấy bà bán thịt vì hôm ấy là ngày thứ sáu ăn chay, chính quyền cấm, chợ không được bán thịt heo.

Xóm chợ bà Hòa từ lâu đã thành quê xứ thân thương của bao lớp người.
Xóm chợ bà Hòa từ lâu đã thành quê xứ thân thương của bao lớp người.

Ngoài hàng tạp hóa, bà Hòa còn làm đại lý bán rượu đế cho hãng Sica ngoài chợ Vạn, cho ông Bằng đặt tiệm may quần áo. Theo Phú Bình, bà Hòa cùng chồng là ông Vĩnh Mậu còn sản xuất chuối bột, chuối ép sấy khô. Hai sản phẩm này đã tham dự hội chợ ở Huế năm 1937, được ban tổ chức chọn đưa sang tham dự Hội chợ đấu xảo Marseille - Pháp vào cuối năm 1938 giành được huy chương cùng Bằng tưởng lệ.

Vào đêm cuối thu 1967, xóm chợ bà Hòa diễn ra trận chiến vô cùng ác liệt giữa quân Giải phóng miền Nam và quân Việt Nam Cộng hòa. Theo Ông Vũ Thiên Hoàng - cựu sĩ quan ban An ninh tỉnh Quảng Nam - người trực tiếp tham gia trận chiến cho biết: Quân Giải phóng tiến công vào các trung tâm đầu não của quân địch nhằm trấn áp kế hoạch hành quân càn quét lấn chiếm ra vùng giải phóng của quân Mỹ và thuộc quyền Việt Nam Cộng hòa. Đồng thời cảnh báo cho quân chiếm đóng biết rằng, bất kỳ ở đâu họ cũng không được yên thân, bất cứ ở chỗ nào họ cũng bị tiến đánh kể cả nơi hang cùng sào huyệt. Tham gia trận chiến này là đội vũ trang V18 Thị ủy Tam Kỳ phối hợp với ban An ninh tỉnh và Tiểu đoàn 409 bộ đội chủ lực Quảng Nam. Quân Việt Nam Cộng hòa hoảng loạn bèn huy động máy bay bắn trả và pháo binh từ các căn cứ Chóp Chài, Tuần Dưỡng, An Hà, Quảng Phú đánh tứ tung vào trận địa… Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt và nhiều thương vong...

Sáng hôm sau, chỉ huy Trung tâm huấn luyện Huỳnh Thúc Kháng ra lệnh cho binh lính gom riêng tất cả xác bộ đội đem phơi giữa chợ bà Hòa mấy ngày để thị uy dân chúng. Khi xác bộ đội sình chướng bốc mùi hôi thối mới cho đem chôn. Dân xóm chợ lặng lẽ bọc thây bộ đội trong vuông chiếu cói, tiễn đi trên những cổ xe bò về nơi an nghỉ nghĩa địa rừng Làng, bên sân Vận động Tam Kỳ ngày nay. Không biết sau bao nhiêu năm hòa bình cả nước đoàn viên, hồn cốt các anh có được về bên đất mẹ! Trong thâm tâm người dân xóm chợ bà Hòa, nơi đây luôn hiện hữu một tượng đài tưởng nhớ những người đã hy sinh.

Nhờ địa thế thuận lợi, gần đồn Thương chánh, bến Thương thuyền hồi thời Pháp thuộc; là đầu mối giao thông giao mua bán giữa các vùng, quán bà Hòa lớn dần thành chợ. Chợ tự phát họp quanh sân nhà bà Hòa, dọc theo ven đường quốc lộ, đường về Hương Trà với đủ các mặt hàng thiết yếu cho đời sống, sinh hoạt của bà con quanh vùng, nhất là nông sản địa phương, tôm cá tươi ngon từ Bà Bầu, chợ Trạm đưa ra. Chợ tấp nập nhất là từ những năm chiến tranh lan rộng 1965, 1966… dân lánh nạn về nhiều sống cùng đồn bót chiến tranh. Quanh chợ có Trung tâm huấn luyện quân sự, đồn nghĩa quân và Hội đồng lưu vong xã Kỳ Yên, Kỳ Bích, đồn Cảnh sát dã chiến quốc gia... Nhu cầu mua bán, dịch vụ ăn uống phát triển tạo nên cảnh nhộn nhịp ngày đêm. Tuy thế, cuộc sống người dân nơi đây vẫn đầy những âu lo, tạm bợ bất an…

Từ sau chuyện thị uy ngày ấy, chợ bà Hòa vắng sạch bóng người, bà con dời sang vườn nhà ông Lưỡng họp chợ dọc theo đường về xóm Hương Sơn gần giao lộ Phan Chu Trinh. Chợ đông ở vườn ông Lưỡng, nhưng nhiều người vẫn quen gọi chợ bà Hòa với tất cả tình cảm thân thương đã có tự bao đời. Sau ngày hòa bình 1975, chợ vẫn tiếp tục gắn bó với cuộc mưu sinh của bà con xóm chợ bà Hòa, xóm Hương Trà, Hương Sơn, Tam Dưỡng… Ngày ngày Tam Kỳ lên phố lớn, giữa năm 2005 chợ bà Hòa cũng từ giã xóm quê chuyển về nơi đất mới khang trang, đông đúc, được chính thức mang tên khai sinh Chợ Hòa Hương.

 Thời gian lùi xa, phố lớn nhà cao, siêu thị hiện lên, những xóm xứ chợ quê cũng dần vào xa vắng để lại những nỗi nhớ thầm. Từ trong ký ức thẳm sâu hồn tôi cứ miên man lục lọi kiếm tìm... Bất giác, mùi bánh đúc chợ quê bà Hòa, âm vang màu khói đạn len lén hiện về cùng tuổi thơ tôi.

TRẦN XUÂN QUANG

TRẦN XUÂN QUANG