Làng quê - bảo tồn và thích ứng
Một hội thảo khoa học do Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế tổ chức ở Quảng Nam với chủ đề “Văn hóa làng Việt Quảng Nam: vấn đề bảo tồn và thích ứng” vừa diễn ra hôm 26.1. Khá nhiều ý kiến từ các nhà nghiên cứu văn hóa về những làng Quảng và cách thức bảo tồn đã được đưa ra tại hội thảo.
Làng quê Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn). |
Hội thảo thu hút khá nhiều tham luận của các nhà khoa học, nhà văn hóa, nghiên cứu sử học, cán bộ các phòng VH-TT các địa phương trên địa bàn tỉnh… về những giá trị của văn hóa làng xã Quảng Nam. Các tham luận đều khẳng định vai trò đặc biệt của văn hóa làng xã ở Quảng Nam gắn bó mật thiết với văn hóa gia tộc. Đồng thời luận bàn về quá trình vận động, vấn đề bảo tồn và thích ứng của xã hội hiện đại đến làng Việt truyền thống trên địa bàn tỉnh. Hội thảo lần này cung cấp thêm những tư liệu, đánh giá khoa học, toàn diện để làm cơ sở trong quá trình tiếp cận, bổ sung một cách phù hợp với di sản văn hóa làng Việt Quảng Nam theo hướng mô hình xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái… nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng.
Ông Phùng Tấn Đông - nhà nghiên cứu văn hóa tại Hội An chia sẻ, làng xã truyền thống dưới tác động của đô thị hóa tại Hội An đang diễn ra theo nhiều hướng. Quá trình đô thị hóa ở Hội An mang tính chất đan xen “làng trong phố, phố trong làng”, nhưng không hẳn làng xã ở Hội An phát triển hoàn toàn theo hướng như vậy... Theo ông, hiện tại có nhiều xu hướng đô thị hóa, như đô thị hóa diễn ra trong chính đô thị, đó là chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch. Xu hướng thứ hai là đô thị hóa nông thôn theo quy hoạch, các xã ngoại thị được phát triển thành phường, giãn cư dân phố về nông thôn kéo theo yếu tố đô thị. Và xu hướng cuối cùng khiến các nhà quản lý đau đầu là đô thị hóa tự phát. Tại Hội An, sự thay đổi địa giới cũng như dân cư tại các làng cổ như Thanh Châu, làng chài Đế Võng, làng Thanh Hà, Minh Hương xã, Vạn Đồng Hiệp… khiến việc bảo tồn di tích trở nên hạn chế, tập tục làng xã cũng dần mai một. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh đã đánh mất không gian sinh hoạt cộng đồng rộng lớn, khiến tín ngưỡng cũng theo đó mất dần. Văn hóa phi vật thể do quá trình đô thị hóa cũng chịu nhiều biến động. Ông Phùng Tấn Đông cho biết, hầu như hội bài chòi vắng bóng ở các làng xã nông thôn mỗi khi tết đến, các chiếu hò khoan, hát bội cũng như vậy. Trong khi đó, ông Trương Hoàng Vinh (cán bộ Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An) cho hay, khi thực hiện chương trình kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống Hội An vào những năm 2013, 2014, kết quả cho thấy hoạt động của nghề buôn truyền thống ở các làng xã vùng ven Hội An đang gặp phải nguy cơ mai một cục bộ, mất đi bến bãi, những tri thức dân gian về buôn bán giảm dần…
Bảo tồn di sản văn hóa làng Việt đang là câu chuyện được đặt ra ở Quảng Nam.Ảnh: L.Q |
TS. Trần Tấn Vịnh (Trường Đại học Quảng Nam) cho rằng, làng xứ Quảng là nơi hình thành các di sản văn hóa. Tuy nhiên, dưới nhiều tác động, những di sản của làng đứng trước nguy cơ mất mát, mai một khá lớn. Đề cao các làng biển trong quá trình phát triển kinh tế, bên cạnh đó, với di sản văn hóa biển phong phú, ông Vịnh cho rằng trong vài năm tới cần thực hiện các đề tài khoa học cũng như duy trì, tổ chức định kỳ các lễ hội văn hóa thể thao của cư dân miền biển, sưu tầm hiện vật, hình thành bảo tàng đời sống văn hóa dân gian gắn với hoạt động du lịch cộng đồng. Riêng với vấn đề phát huy giá trị di sản văn hóa làng xã trong phát triển du lịch, các nhà nghiên cứu cho rằng Quảng Nam có sự đa dạng về loại hình văn hóa, hệ thống làng nghề phong phú, thuận lợi cho phát triển du lịch. Và Quảng Nam cũng đã tận dụng để khai thác giá trị kho di sản này tại các làng quê. Không chỉ chú trọng đến làng nghề thủ công truyền thống, phát triển du lịch ở làng quê của Quảng Nam còn hướng đến các loại hình du lịch sinh thái, homestay… Tuy nhiên, cân bằng giữa lợi ích từ du lịch và đầu tư hạ tầng, bảo tồn văn hóa vẫn còn khoảng cách khá lớn. Và giải pháp phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm vẫn được ưu tiên hàng đầu tại các làng quê.
Từ tác động của đô thị hóa đối với làng xã cổ truyền đến các áp lực trong phát triển du lịch tại các làng quê… đang đặt ra nhiều vấn đề với nông thôn xứ Quảng. TS. Trần Đình Hằng (Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế) cho rằng, văn hóa làng xã đã có nhiều tác động ảnh hưởng, khó có thể phục nguyên. Và bảo tồn thích ứng - tức bảo tồn tinh thần, giá trị cốt lõi của văn hóa dưới nhiều hình thức, mang sức sống và hơi thở truyền thống, hiện đại nối kết thành mạch nguồn liên tục, thì mới giải quyết được câu chuyện di sản văn hóa làng Việt ở Quảng Nam.
LÊ QUÂN