Mùa đông khắc nghiệt
Một đợt giá lạnh bất thường với tuyết rơi bao phủ nhiều nơi ở châu Á khiến số người tử vong tiếp tục tăng và thiệt hại kinh tế không nhỏ.
Tính đến ngày 26.1, hiện tượng thời tiết cực đoan khi nhiệt độ xuống mức thấp nhất trong vòng hàng chục năm qua tại châu Á, kéo dài những ngày qua khiến gần 100 người tử vong. Trong băng tuyết kèm theo gió lạnh, hàng nghìn chuyến bay tại khu vực buộc phải hủy, giao thông tê liệt, nhiều trường học, công sở đóng cửa. Trang tin Focus (Đài Loan) cho biết, hòn đảo này tổn thất rất nghiêm trọng về nhân mạng khi có ít nhất 85 người tử vong vì hạ thân nhiệt, tim mạch hay đột quỵ vì nhiệt độ xuống thấp nhất trong vòng 44 năm qua, có nơi xuống mức -120C. Nguy cơ thiệt hại kinh tế của người dân trong khu vực từ vật nuôi, cây trồng, hoạt động thương mại là rất cao.
Nhiều nước châu Á đang đón một mùa đông trong giá rét. (ảnh: Independent) |
Cuộc sống của người dân tại nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam… đang bị xáo trộn trong tiết trời đông băng giá. Nhiệt độ tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) xuống -12 đến -160C. Nhất là tại khu vực Eergu’Na ở Nội Mông, nhiệt độ đo được vào cuối tuần qua có lúc xuống dưới -46,80C, mọi thứ dường như đóng băng. Tại Nhật Bản, giá rét cũng làm 5 người chết và hơn 100 người bị thương. 20/47 tỉnh, thành đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tuyết rơi dày, trong đó hàng ngàn hộ ở 6 tỉnh lâm vào cảnh mất điện. Tại thủ đô Băng Cốc của Thái Lan, nơi mà hiếm khi có nhiệt độ dưới 20 - 250C, nay nhiệt độ hạ thấp xuống 16 độ C và dự báo hôm nay (27.1), nhiệt độ xuống 6 - 100C. Điều đó khiến mùa mưa đến muộn và hạn hán tiếp tục nghiêm trọng trên khắp cả nước thời gian tới.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn thế giới gọi mùa đông năm nay là một thảm họa thiên nhiên. Như vào cuối tuần qua, bão tuyết khủng khiếp tại Mỹ khiến hàng chục người thiệt mạng. Mặc dù hầu hết những hiện tượng thời tiết hiện nay được dự báo trước, có sự chuẩn bị trước nhưng thiệt hại mà nó gây ra không lường hết được. Các nhà khoa học cho hay, trong suốt kỷ nguyên Mesozoic (Đại trung sinh), cách đây 250 đến 65 triệu năm, hầu hết thời tiết khắp nơi trên thế giới là nóng và ẩm ướt. Sau đó, khí hậu bắt đầu mát dần, đến lạnh giá. Các nhà khoa học Mỹ cho rằng, khi thiên thạch rơi đã gây ra những tác động địa chất lớn lao và khiến bẫy Deccan - một trong những núi lửa lớn nhất thế giới ở Ấn Độ phun trào mãnh liệt, giải phóng một lượng cát bụi và khí độc cực lớn vào không gian. Chính lượng khói bụi này mới là tác nhân che phủ cả mặt trời làm biến đổi khí hậu, khiến trái đất trở nên lạnh giá, nguyên nhân dẫn đến việc loài khủng long - sinh vật lớn nhất thế giới, thống trị trái đất trong suốt 160 triệu năm bị tuyệt chủng.
Ngày nay, nhân loại đối mặt với diễn biến thời tiết khắc nghiệt hơn, hiện tượng El nino và La nina gây ra lũ lụt, hạn hán... càng thường xuyên, hậu quả càng nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là từ hành vi của con người. Đơn cử, chỉ có 14% lượng túi ni lông được sử dụng trên toàn cầu được tái chế. Như vậy, một lượng lớn còn lại thải ra đại dương, ra đất đai, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã khiến nhiệt độ trái đất đang gia tăng, khí hậu thay đổi, quay ngược lại tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của con người.
NAM VIỆT