Luật Hộ tịch năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1.1.2016 với nhiều quy định mới mang tính đột phá trong việc cải cách hành chính bởi giảm nhiều loại giấy tờ, thời gian, thủ tục cho người dân; phân cấp mạnh cho chính quyền cơ sở… Đổi mới và đơn giảnLuật Hộ tịch 2014 có nhiều nội dung mới, nhất là trong việc đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh. Trong đó, cắt giảm nhiều loại giấy tờ, cải tiến mạnh mẽ về thủ tục, phương thức nộp hồ sơ, giảm thời gian giải quyết… theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Luật quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây; có thể đăng ký tại nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Luật mới cũng phân cấp mạnh cho chính quyền cơ sở. Đó là thẩm quyền đăng ký khai sinh, kết hôn có yếu tố nước ngoài (giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau, giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài, giữa người nước ngoài cư trú tại Việt Nam) sẽ giao cho UBND cấp huyện giải quyết thay vì thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như trước đây; thời gian giải quyết thủ tục chỉ còn 15 ngày, rút ngắn còn một nửa so với trước.Luật Hộ tịch 2014 phân cấp mạnh cho chính quyền cơ sở. Ảnh: CHÂU NỮTuy nhiên, điều khiến cán bộ cơ sở lúng túng là trong khi luật đã ban hành nhưng các bộ, ngành trung ương lại chậm có văn bản hướng dẫn thi hành; thậm chí một số biểu mẫu hộ tịch Trung ương chuyển về địa phương còn khá chậm trễ, ngay cả khi luật đã có hiệu lực. Chính vì vậy, theo ông Thái Nguyên Đại - Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp (Sở Tư pháp), ngành tư pháp đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn Luật Hộ tịch cho cán bộ làm công tác này ở cơ sở. Đến nay, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch.Bà Trần Thị Kim Phụng - Trưởng phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp) thông tin thêm, theo quy định của Luật Hộ tịch, kể từ ngày 1.1.2016, ngoài việc được cấp giấy khai sinh, người được đăng ký khai sinh còn được cấp số định danh cá nhân. Đây cũng chính là số thẻ căn cước công dân khi công dân đủ 14 tuổi. Tuy nhiên, do hiện nay Quảng Nam chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật nên chưa triển khai việc cấp số định danh cá nhân. Hiện nay, cả nước chỉ có 4 địa phương thực hiện thí điểm cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Theo lộ trình, đến ngày 1.1.2020, việc cấp số định danh sẽ thực hiện trên phạm vi cả nước.Đáp ứng yêu cầu người dânĐể người dân có thể tiết kiệm được thời gian và có nhiều lựa chọn, Luật mới cũng quy định, người dân có thể nộp hồ sơ đăng ký hộ tịch trực tiếp, gửi qua bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến. Bà Phụng cho biết, để đáp ứng yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến trong thời gian tới, nhất là ở một số địa phương có đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn…, Sở Tư pháp đã triển khai phần mềm hộ tịch (hotich.vn) đến 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Sử - Phó phòng phụ trách Phòng Tư pháp Tam Kỳ nói, nhiều khả năng Tam Kỳ sẽ đi trước lộ trình. Dự kiến ngày 1.2 tới đây, đơn vị sẽ triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn thành phố. “Thời gian đầu, khi áp dụng phầm mềm hotich.vn, đơn vị gặp một số khó khăn như lỗi phôi khi in, thông tin chưa thống nhất… Tuy nhiên, hiện nay phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch đã thông suốt và được công chức phụ trách công tác hộ tịch thực hiện khá thành thạo, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ theo quy định Luật Hộ tịch” - lời ông Sử.Ông Võ Ngọc Tốt - Trưởng phòng Tư pháp huyện Đại Lộc chia sẻ, để đáp ứng yêu cầu phân cấp quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho chính quyền cấp huyện, Phòng Tư pháp Đại Lộc đã chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tư pháp, nhất là về chuyên môn và ngoại ngữ. Cán bộ làm công tác hộ tịch trên địa bàn huyện cũng sử dụng thành thạo phần mềm hộ tịch. Đến nay, huyện Đại Lộc đã tiếp nhận 2 hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Trong khi đó, đến nay, Tam Kỳ tiếp nhận 5 hồ sơ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Ngày 18.1 vừa qua, chị Trần Thị Song Ly (Trường Xuân, Tam Kỳ) đến Phòng Tư pháp Tam Kỳ làm khai sinh cho con (chồng chị Song Ly có quốc tịch Hoa Kỳ) và tỏ ra bất ngờ khi thủ tục khá đơn giản. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ) khi đăng ký khai sinh cho con thứ hai cũng bày tỏ hài lòng khi thủ tục nhanh gọn và không phải chờ đợi lâu so với lần làm khai sinh cho con đầu lòng cách đây 3 năm.Tam Kỳ là một trong những địa phương trang bị đầy đủ máy vi tính có kết nối internet để sử dụng cho việc tiếp nhận và đăng ký hộ tịch cho tất cả cán bộ làm công tác hộ tịch trên địa bàn thành phố. Việc các đơn vị trang bị đảm bảo cơ sở vật chất cũng như nâng cao năng lực cán bộ làm công tác hộ tịch, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dân cư, hoàn thiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.CHÂU NỮ