Giữ an toàn cho những phiên tòa

25/01/2016 09:02

Để một phiên tòa hình sự được đưa ra xét xử, lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phải tham gia ở nhiều khâu. Đây là công việc có nhiều áp lực.Kể về việc bảo vệ phiên tòa, Đại úy Phan Hùng Vỹ, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC81) Công an tỉnh cho biết: Khi có lịch xét xử, đầu tiên các anh xây dựng kế hoạch bảo vệ phiên tòa, trong đó, dự báo các tình huống có thể xảy đến và phương án giải quyết. Trong suốt quá trình phiên tòa diễn ra, các anh giám sát chặt chẽ mọi hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không để xảy ra hành vi gây rối, xúc phạm danh dự các thành viên Hội đồng xét xử hoặc giữa các bị cáo, bị hại hành hung lẫn nhau. Người dự khán nào giao tiếp thiếu văn hóa hay gây mất trật tự cũng được các anh nhắc nhở.Bảo vệ phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thúy Linh (Quế Xuân 2, Quế Sơn).Ảnh: P.NAMCông việc bảo vệ phiên tòa nghe kể tưởng chừng đơn giản nhưng cán bộ PC81 luôn chịu áp lực rất lớn, bởi công việc này liên quan đến tính mạng của bị cáo cũng như bảo đảm an toàn cho quá trình truy tố, xét xử của cơ quan pháp luật. Có nhiều phiên tòa đông bị cáo, lãnh đạo phòng PC81 phải huy động tất cả cán bộ chiến sĩ tham gia bảo vệ. Phiên tòa xét xử bị cáo Bình và đồng phạm các tội mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ, trộm cắp tài sản là một ví dụ. Vụ án này có tất cả 20 bị cáo và hầu hết bị cáo đã từng có tiền án, tiền sự nên từ khâu trích xuất đến khâu dẫn giải gặp nhiều khó khăn. Những phiên tòa xét xử chỉ có 1 bị cáo như Nguyễn Thị Thúy Linh, Trần Văn Thôi… cũng khiến cán bộ chiến sĩ phòng PC81 khá vất vả. Vì các bị cáo thuộc đối tượng côn đồ, hung hãn nên người dân địa phương rất căm phẫn. Trong khi đó, tòa xét xử công khai nên có cả nghìn người tham dự. Cán bộ chiến sĩ PC81 luôn kiểm soát, giám sát chặt chẽ các điểm chốt, giữa các khu vực cách ly... để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi cản trở việc áp giải, hành hung bị cáo.Khi nghe hội đồng xét xử tuyên án con em mình bị chung thân hoặc tử hình, nhiều người không kìm được cảm xúc nên có những hành động tiêu cực. Mẹ bị cáo Trịnh Vũ Thanh Bình đã phóng qua 2 hàng ghế lao đến vành móng ngựa khi nghe tuyên án tử hình đối với con bà... Nhiều bị cáo như Nguyễn Thị Minh Tâm, Trương Thị Kiều Phương... còn giả điên giả dại ngay tại phiên tòa. Những tình huống như thế này, cán bộ PC81 phải kịp thời trấn an tinh thần bị cáo cũng như người thân của họ. Đồng thời cương quyết ngăn chặn không để cho họ có hành vi gây mất trật tự tại phiên tòa và khu vực xét xử.Việc áp giải bị cáo Võ Thanh Ngưu (SN 1984, ngụ ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) là một trong những kỷ niệm khó quên của cán bộ PC81. Ngưu được mệnh danh là “cao thủ” vượt ngục sau 4 lần trốn khỏi các Trại tạm giam của tỉnh Tây Ninh, Tiền Giang và Trại giam Xuân Lộc (Bộ Công an). Bị bắt sau lần trốn khỏi Trại giam Xuân Lộc, Ngưu được đưa ra giam giữ tại Trại giam An Phước (tỉnh Phú Yên). Tại đây, Ngưu luôn tìm cách vượt ngục nên cơ quan chức năng đưa  ra Trại giam An Điềm của Bộ Công an (huyện Đại Lộc). Đại úy Vỹ kể, được giao nhiệm vụ áp giải phạm nhân Ngưu, anh và đồng đội đã đầu tư rất nhiều thời gian để nghiên cứu nhân thân phạm nhân này, lập kế hoạch áp giải cũng như xây dựng những giải pháp ngăn chặn “cao thủ” trốn chạy. Mặc dù còng cả tay và chân đối tượng nhưng các chiến sĩ PC81 vẫn không hề rời mắt khỏi Võ Thanh Ngưu trong suốt quá trình áp giải.Không chỉ riêng việc áp giải bị cáo, việc dẫn giải nhân chứng cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều vụ án, nhân chứng không hợp tác. Dù cơ quan chức năng nhiều lần gửi giấy mời nhưng họ vẫn không chịu tham gia tố tụng. Trong những tình huống này, cán bộ PC81 phải thực hiện nhiệm vụ dẫn giải. Tuy nhiên, bao giờ các anh cũng lấy đạo lý để thuyết phục nhân chứng, giải thích quyền lợi, nghĩa vụ để nhân chứng có mặt tại phiên tòa.Đại tá Doãn Bá Hồng, Trưởng phòng PC81 cho biết, theo yêu cầu nghiệp vụ, cán bộ được phân công áp giải phải luôn theo sát phạm nhân, bị can, bị cáo. Trong khi đó, không ít bị cáo nhiễm HIV, mắc bệnh lây nhiễm, có thể gây ảnh hưởng đến cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong những năm qua, lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp không ngừng rèn luyện, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.PHƯƠNG NAM