Kỳ thú tre khổng lồ

18/01/2016 09:10

Nằm chênh vênh trên đỉnh núi, nóc Long Riêu 3 (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Người dân Long Riêu 3 tự hào khi nóc được gọi là vựa lúa của huyện, nhưng họ còn tự hào hơn khi vùng đất này sở hữu một loại tre khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn… Để mục sở thị được cây tre “khủng” đó, là cả một hành trình dài không kém phần vất vả.Tác giả với lóng tre người dân nóc Long Riêu tặng làm kỷ niệm.Trong một lần lên Nam Trà My tìm hiểu việc người dân đồng loạt bỏ làng do cái chết xấu, tôi được anh cán bộ huyện rỉ tai: “Nam Trà My còn có nhiều thứ lạ lắm, như ớt đại đội (1 trái ớt cay đến phải cả đại đội ăn), rừng quế cổ thụ hay những cây tre trăm đốt…”. Ớt đại đội tôi đã biết, rừng quế cổ thụ cũng từng nghe, nhưng tre trăm đốt thì chắc cả thế giới này chẳng nơi nào có; ở Việt Nam cũng có nhưng là trong... cổ tích. Thấy tôi bán tín bán nghi, anh cán bộ đưa cái điện thoại với hình một cây tre, kèm lời giải thích: “Nói trăm đốt thì hơi quá, nhưng nó to gấp 4 - 5 lần tre bình thường. Đốt nó to và dài thế chắc không đến trăm đốt nhưng đảm bảo, nếu so với tre bình thường thì nó còn hơn cả trăm đốt ấy chứ…”.Ở vùng núi, tìm ra cây tre đã là khó, bởi ở đây thường chỉ có nứa hoặc lồ ô nên việc tre xuất hiện ở Trà Nam đã được xem là điều kỳ lạ. Những cây ở rừng tre Long Riêu 3 to lớn gấp 4 - 5 lần so với tre thường khiến càng thêm kỳ lạ. Mà tại sao chỉ ở khoảnh rừng đó tre mới trở thành “khổng lồ”? “Không biết là do nguồn nước hay đất có gì đột biến, nhưng dân làng xem đó là cây của thần rừng. Muốn chặt tre thì phải xin thần rừng mới được. Cũng chính vì vậy, chúng tôi luôn giấu kỹ về cây tre khổng lồ này, không muốn người ngoài biết được” - anh Hồ Văn Liếp, người dân Long Riêu 3 nói.Nghe rồi để đó vì còn lo tìm hiểu việc chính, tối đó tôi mới sực nhớ lại chuyện anh cán bộ huyện nói về cây tre khổng lồ. Tính hiếu kỳ trỗi dậy, tôi rủ anh bạn đồng nghiệp kiên quyết đi tìm. Tiếc là lúc sáng không xin số điện thoại hoặc hỏi anh cán bộ kia loại tre “khủng” này ở làng, nóc, vùng rừng nào.Truy tìm “tre trăm đốt”Sáng hôm sau, dọ hỏi người dân, chúng tôi chỉ mơ hồ biết rằng loại tre đó ở xã Trà Nam, nhưng ở thôn nào, nóc nào thì chịu. Toàn xã Trà Nam có 5 thôn, 43 nóc giữa đại ngàn Trường Sơn bạt ngàn núi, biết tìm đâu cho ra vùng rừng nào, làng nóc nào có loại tre khổng lồ. Chúng tôi tìm hỏi ông Hồ Văn Thuấn - Chủ tịch UBND xã Trà Nam. Câu trả lời của ông Thuấn làm chúng tôi khấp khởi: “Mình biết cây tre đó. Ở nóc Tu Rong 3 ấy, nhiều lắm. Người dân sử dụng cây tre này làm nhiều vật dụng gia đình mà”. Để chắc chắn, anh bạn đồng nghiệp ở đài truyền thanh huyện bảo là phải xác tín, ở đây muốn lên một nóc thì đi bộ đường rừng cả tiếng đồng hồ, thông tin không chính xác dễ “chết” lắm! Nói là làm, anh bạn bốc máy gọi cho một cô giáo đang dạy học ở nóc Tu Rong 3 hỏi cặn kẽ. “Có anh ạ! Phía sau trường em cũng có. Tre to lắm!”. Sự xác nhận của cô giáo trẻ là động lực giúp chúng tôi đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ, vượt qua những con dốc dựng đứng để tìm đến nơi. Lúc này, chúng tôi mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo, cổ họng cháy khô… Đến khi được cô giáo trẻ dẫn ra xem những cây tre thì hai chân chúng tôi vốn đã rã rời như muốn khụy xuống vì những cây tre hiện ra trước mắt chỉ to lớn hơn tre bình thường chút đỉnh. “Em có biết đâu! Với em những cây tre thế này là to lắm rồi đó” - cô giáo trẻ phân bua khi thấy sự thất vọng của chúng tôi.Những cây tre khổng lồ tại nóc Long Riêu mọc thành một khóm khoảng chừng 40m2. Ảnh: N.DƯƠNGLê từng bước chân mệt mỏi, thất vọng vì không tìm được tre khổng lồ chúng tôi xuống núi. Đến trung tâm xã nghỉ ngơi cho lại sức, chúng tôi ra huyện hỏi tìm anh cán bộ đã hé mở chuyện tre khổng lồ. Chưa gặp được anh thì chúng tôi lại tiếp nhận thêm thông tin: không biết cụ thể nhưng nó nằm đâu đó ở nóc Long Riêu 3! Thời gian có hạn, không thể chờ tìm anh cán bộ kia để hỏi chính xác, chúng tôi quyết định đánh liều thêm một phen.Khoảnh rừng kỳ lạNóc Long Riêu 3 nằm chênh vênh trên đỉnh núi. Cả nóc có chừng hơn 20 mái nhà. Cả nóc vắng hoe, chỉ có mấy đứa trẻ lấp ló sau ô cửa. Hỏi ra mới biết đang vụ mùa, cả làng vào rẫy gặt lúa hết rồi. Vậy là chúng tôi phải lặn lội vào rẫy. Thấy chúng tôi, dân làng nhìn vẻ xét nét. Sau khi nghe chúng tôi mở lời, già làng Hồ Văn Thạch rít hơi thuốc dài, cười bảo: “Tìm đúng chỗ rồi đấy. Tre khổng lồ thì chỉ mình nóc Long Riêu 3 này có. Nhưng làng mình không muốn người lạ biết về nó, nên giấu kỹ lắm”.Thân tre được người dân dùng làm nhiều vật dụng như: đựng thóc lúa; đựng nước... Ảnh: N.DƯƠNGTheo già Thạch, những cây tre này chẳng biết có từ bao giờ, chỉ biết hồi vừa mới lớn đã được cha ông chỉ lên đây để lấy tre về làm gùi đựng gạo, làm ống đựng nước, thậm chí làm gối ngủ. Đây được coi là báu vật của làng, bởi vậy, việc "nhiễu thông tin" mà chúng tôi gặp phải cũng bởi người dân nơi đây không muốn người lạ biết về nó.Sau một hồi nài nỉ, già Thạch gật đầu chấp nhận dẫn chúng tôi đến khu rừng có tre khổng lồ. Sau gần tiếng đồng hồ băng rừng, khu rừng tre hiện ra trước mắt. Tre mọc thành lũy ven theo con suối nhỏ chạy dọc con đường mòn, đẹp như bức tranh thủy mạc. Vừa định bày tỏ thất vọng vì rừng tre này cũng bình thường, chúng tôi kịp nhận ra điều kỳ lạ và tròn mắt ngạc nhiên. Trong khu rừng tre bình thường này có một khoảnh rộng chừng 40m2 là những cây tre cao vút, sừng sững, to và cao hơn hẳn tưởng tượng của chúng tôi. Già Thạch bảo: “Báu vật của làng tôi đấy! Chúng tôi đã nhiều lần thử đem giống tre này trồng ở nơi khác. Tre vẫn sống nhưng kích cỡ thì lại như tre bình thường. Chính vì vậy, chúng tôi luôn bảo vệ nó như báu vật của làng. Nhà nào có việc cần đốn tre phải xin phép với già làng. Ngày mừng tết lúa mới, chỉ cần một búp măng là đủ cho cả làng ăn…”. Vừa nói, già Thạch bảo hai thanh niên đi cùng leo lên cây tre đã bị chặt dở trước đó chặt thêm một đoạn. Trong khi đó, mắt già Thạch ngước về phía rừng, miệng lẩm nhẩm điều gì không rõ.Giữa rừng núi, những cây tre sừng sững, hiên ngang vươn mình đón gió ngàn. Nóc Long Riêu 3 vẫn giữ cho mình nét hoang sơ từ những ngày đầu lập làng. Đây được coi là một trong những vựa lúa lớn nhất của huyện Nam Trà My. Những kho thóc dự trữ nối nhau trên sườn núi. Chẳng bao giờ người Long Riêu 3 sợ thiếu đói, bởi thóc lúa luôn đầy kho. Với họ, những nếp sống xưa cũ được giữ lại, nhưng không quá tách biệt với thế giới bên ngoài. “Ngay từ nhỏ, bọn mình đã được người lớn dẫn lên đây để biết về những cây tre khổng lồ này, như cái chiêng, cái ché ở trong nhà vậy, cần phải giữ gìn” - Hồ Văn Thuận, chàng thanh niên đi cùng chúng tôi chia sẻ.NGUYỄN DƯƠNG