Cẩn thận với bệnh melioidosis
Mặc dù ít được biết đến, nhưng bệnh melioidosis đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người mỗi năm tại nhiều quốc gia, nhất là ở vùng nhiệt đới.
Trang web của tạp khí khoa học Nature Microbiology vừa đăng tải bài nghiên cứu về nguy cơ lây lan của vi khuẩn gây bệnh melioidosis từ châu Á đến Australia, Nam Mỹ và hạ sa mạc Sahara, trong đó đặc biệt phổ biến tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, các chuyên gia nghiên cứu tại Anh, Thái Lan và Mỹ cho biết, vi khuẩn gây bệnh melioidosis (hay withmore) tồn tại trong đất, nước và không khí chủ yếu do ô nhiễm và hiện được tìm thấy tại 79 quốc gia. Vi khuẩn gây bệnh này có tên gọi burkholderia pseudomallei, xâm nhập vào cơ thể con người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với các vết trầy xước hay hít phải bùn nước, không khí có bị nhiễm khuẩn, gây áp-xe và đầu độc máu. Mặc dù đây là loại nhiễm khuẩn rất hiếm gặp, từng bị lãng quên nhưng được cho lại nguy hiểm hơn các loại bệnh khác như viêm đường hô hấp cấp (bệnh SARS) hay cúm gia cầm vì triệu chứng không rõ ràng, tỷ lệ tử vong cao hơn.
Nguồn nước ô nhiễm là một trong những nguy cơ gây lây nhiễm bệnh melioidosis. (Ảnh internet) |
Nature Microbiology thống kê, đã có 89 nghìn người tử vong trong tổng số 165 nghìn người nhiễm khuẩn gây bệnh melioidosis vào năm 2014, thấp hơn số ca tử vong vì bệnh sởi (95.000 người), nhưng cao hơn bệnh trùng xoắn móc câu (50.000 người), sốt xuất huyết (12.500 người). Trong đó, dễ bị lây nhiễm nhất là những nhóm người mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận mãn tính, huyết áp cao, sử dụng nhiều đồ uống có cồn. Ngoài ra, vi khuẩn burkholderia pseudomallei có thể ủ bệnh và phát bệnh sau nhiều năm xâm nhập vào cơ thể. Người bị nhiễm khuẩn gây bệnh melioidosis nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong đến 70%. Do đó, melioidosis được xem là một trong những vấn đề được Tổ chức Y tế thế giới rất quan tâm.
Hiện thế giới chưa có vắc xin phòng melioidosis, nhưng có hai loại thuốc được sử dụng trong điều trị là ceftazidime và carbapenem, với kết quả giảm tỷ lệ tử vong tại Thái Lan lên đến 40%, nhưng tại Australia chỉ 10%. Melioidosis là bệnh gây tử vong hay gặp cao hàng thứ ba trong các bệnh nhiễm trùng ở đông bắc Thái Lan, chỉ đứng sau AIDS và bệnh lao. Căn bệnh này rất khó chẩn đoán khi triệu chứng biểu hiện tương tự với nhiều căn bệnh thông thường khác như sốt cao, nhức đầu, chán ăn, đau ngực, đau cơ bắp, sụt cân, ngay cả xét nghiệm vi sinh cũng khó phát hiện; do đó thường được chẩn đoán nhầm là bệnh viêm phổi hay bệnh quai bị. Tiến sĩ Direk Limmathurotsakul, đồng tác giả báo cáo nghiên cứu trên Nature Microbiology cho biết, thường ở các khu vực nông thôn hay vùng sâu, vùng xa, nếu một người bị sốt, sau đó được thử máu nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không phải mắc sốt xuất huyết hay sốt rét, sẽ được điều trị bằng kháng sinh với loại được sử dụng phổ biến là penicillin. Tuy nhiên, bệnh melioidosis trên thực tế có thể kháng với nhiều loại kháng sinh, do vậy sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.
Các nhà khoa học khuyến cáo, mọi người dân, đặc biệt là tại khu vực nông thôn cần chú ý đảm bảo vệ sinh môi trường sống. Hiện vi khuẩn burkholderia pseudomallei là tác nhân sinh học nguy hiểm đứng đầu bảng xếp loại và đang được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu.
QUỐC HƯNG