Chứng khoán Trung Quốc lao dốc
Những diễn biến bất ổn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đang kéo theo sự giảm tốc của nhiều thị trường trên toàn cầu.
Trong những ngày đầu năm 2016, thị trường toàn cầu chao đảo theo sau cú sốc rớt giá mạnh của chỉ số thị trường chứng khoán tại Trung Quốc - có lúc tạm ngưng giao dịch. Điều này dậy lên nhiều lo ngại về triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong tình hình hiện nay, các cơ quan tài chính của mỗi quốc gia cần có những chính sách phản ứng thích hợp, phòng ngừa nhằm giảm thiểu các yếu tố rủi ro để giữ vững tăng trưởng và ổn định thị trường.
Các nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán tại Trung Quốc. (Ảnh: Guardian) |
Những ngày qua, Thượng Hải - sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất của Trung Quốc chao đảo mạnh, chỉ số chứng khoán liên tục giảm kéo theo sắc đỏ phủ khắp sàn giao dịch từ Á sang Âu. Trong một tuần qua, giá cổ phiếu trên các thị trường Trung Quốc giảm khoảng 10%. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc chính phủ Trung Quốc bất ngờ liên tục phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) trong những tháng gần đây. Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ chính thức nâng lãi suất vào cuối năm 2015 - lần đầu tiên trong 10 năm qua, xu hướng bán đồng NDT để mua đồng USD diễn ra mạnh ở Trung Quốc. Ngoài ra, các chính sách thị trường được cho là “khắc nghiệt” mà Trung Quốc áp dụng từ mùa hè năm 2015 càng khiến các nhà đầu tư mất niềm tin. Ví như, Trung Quốc cấm các nhà đầu tư lớn (nắm hơn 5% số cổ phiếu) bán cổ phiếu trong vòng 6 tháng; áp dụng cơ chế ngừng giao dịch tự động khi chỉ số sụt giảm đến mức 7%...
Theo Chỉ số xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2016, đã có đến 400 người giàu nhất thế giới mất gần 200 tỷ USD trong các phiên giao dịch đầu tiên. Tổng tài sản của nhóm 400 tỷ phú trong xếp hạng hiện ở mức 3,7 nghìn tỷ USD. Thiệt hại nhiều nhất phải kể đến giá cổ phiếu của tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập “đế chế” bán lẻ danh tiếng toàn cầu Amazon.com, giảm hơn 10%, tức khoảng 5,9 tỷ USD trong khối tài sản ròng. Tương tự, người giàu nhất thế giới, tỷ phú Bill Gates mất 4,5 tỷ USD giá trị tài sản ròng, xuống còn 79,2 tỷ USD. Tỷ phú Tây Ban Nha Amancio Ortega, người giàu thứ nhì thế giới, mất 3,4 tỷ USD, còn 69,5 tỷ USD.
Đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc (thể hiện rất rõ qua chỉ số chứng khoán trên thị trường) tạo xu hướng tác động không giống nhau cho các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực này, sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc được xem là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ vào nhu cầu nhập khẩu. Như đối với đảo quốc Singapore, Trung Quốc hiện là điểm đến xuất khẩu lớn nhất. Hãng tin Bloomberg trích báo cáo của Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand ước tính, cứ mỗi điểm phần trăm suy giảm trong tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế Singapore sẽ mất 1,4 điểm phần trăm. Trong khi đó, Việt Nam được xem là một trong số các quốc gia ít bị thiệt hại nhất khu vực. Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand cho biết, cứ mỗi điểm phần trăm giảm xuống trong tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và Philippines bị giảm 0,2 điểm phần trăm mỗi nước; mức giảm đối với Indonesia là 0,3%, Thái Lan 0,4% và Malaysia 0,5%.
QUỐC HƯNG