Tái chế rác thải từ dòng người di cư
Dự án tái chế vật dụng thông thường từ các núi áo phao, rác thải mà dòng người di cư để lại trên hành trình vào châu Âu đang được thực hiện trên đảo Lesbos của Hy Lạp.
Trong năm 2015, hàng trăm nghìn người di cư vào châu Âu qua đường Hy Lạp đã để lại các núi áo phao cùng nhiều chiếc xuồng nhỏ, thiết bị bằng cao su lên hàng trăm tấn trên đảo Lesbos. Đảo Lesbos xinh đẹp có diện tích 1.632km2 cũng là một trong những điểm đến của những người muốn thoát khỏi xung đột và đói nghèo ở Syria, Iraq, Afghanistan và một số nước khác, chủ yếu tìm cách vào miền đất hứa châu Âu. Song, các nhà môi trường rất quan ngại bởi các núi áo phao và vật dụng cao su đó có thể gây tổn hại đến môi trường cũng như ngăn chặn sự lưu thông của các dòng chảy trong khu vực.
Xe tải tập kết ao phao và các vật dụng cao su trên đảo Lesbos. (Ảnh: Al-Jazeera) |
Trước thực trạng đó, một đoàn tình nguyện viên đến đảo Lesbos đã vạch ra kế hoạch tái chế núi rác thải áo phao, cao su thành những sản phẩm được sử dụng phổ biến để đem bán hay thậm chí làm thành lều trại tạm thời cho những người di cư. Phát biểu trên kênh truyền hình Al-Jazeera, Jai Mexis - một nhân viên của đội tình nguyện cho biết: “Chúng tôi tái chế núi rác thải đó thành những sản phẩm kiểu dáng mới nhưng rất thông dụng từ túi xách, áo mưa đến tập lịch… Số tiền thu được từ các sản phẩm tái chế sẽ được dùng để ủng hộ những người di cư và cả hỗ trợ những người Hy Lạp đang thất nghiệp”. Mexis đồng thời là một trong những thành viên thiết kế sản phẩm tái chế, từng tham gia tình nguyện tại trại tỵ nạn Jordan, gần biên giới với Syria. Hoạt động thiện nguyện này không những góp một phần nhỏ cho người không may mắn có thêm suất ăn để ấm lòng hơn, hay sưởi ấm họ trong mùa đông khắc nghiệt này mà còn góp phần bảo vệ môi trường trên đảo Lesbos.
Elisabeth Dimitras - một thành viên khác trong tổng số 100 tình nguyện viên tham gia dự án tái chế tại Lesbos cho hay, dự án đã được khởi động cách đây vài tuần. Công việc đầu tiên là phải thu gom rác và làm sạch các bãi biển của Lesbos; sau đó tiến hành phân loại rác thải để tái chế theo sản phẩm phù hợp. Thiết bị máy móc được các nhà hảo tâm tài trợ. Thành viên của nhóm tình nguyện là những công dân Hy Lạp và các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia ở châu Âu. Đặc biệt, nhiều thanh niên trong dòng người di cư ở Lesbos cũng tham gia các công việc tái chế này.
Cũng theo Elisabeth Dimitras, ý định ban đầu của họ khi đến Lesbos là để giúp đỡ những người tỵ nạn. Sau đó họ nhận thấy nhu cầu cần thiết phải xử lý các núi rác thải từ áo phao, thuyền cao su… Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ Hy Lạp rất đau đầu trong việc tìm giải pháp xử lý. Như hoàn cảnh của nhiều người trong đoàn tình nguyện, bản thân cô gái Elisabeth Dimitras cũng từ bỏ công việc để đến với những người di cư còn mắc kẹt ở Lesbos. Ngoài ra, nhiều người trong số họ còn thành lập quỹ cứu trợ như tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ người di cư.
Nhóm tình nguyện cho biết, sau khi tiến hành thành công tại Lesbos, mô hình hoạt động tái chế sẽ được áp dụng ở nhiều khu vực khác. Họ cho biết đang khuyến khích nhiều hơn những người trẻ tuổi tham gia hoạt động này để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, vừa bảo vệ môi trường.
QUỐC HƯNG