Nâng tầm truyền thanh cơ sở
Cải thiện chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở (TTCS) phù hợp với đặc thù, điều kiện của mỗi địa phương là điều cấp thiết hiện nay.
Chưa phát huy hết hiệu quả
Là công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống TTCS vẫn giữ chỗ đứng trong đời sống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Nhiều năm qua, hệ thống TTCS được đầu tư chú trọng bằng nhiều nguồn lực như: chương trình dân tộc; chương trình mục tiêu quốc gia về phủ sóng phát thanh thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam; dự án thành phần về phát triển các tỉnh khu vực trung du và miền núi; ngân sách địa phương; hợp phần phát triển ngân sách xã thuộc dự án giảm nghèo WB… Song, hoạt động của trạm TTCS tại nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, hạn chế. Ông Lê Văn Thêm - Phó Trưởng đài PT-TH huyện Nam Trà My thông tin, toàn huyện có 10 xã thì chỉ mới 8 xã có trạm TTCS (7 trạm hữu tuyến, 1 trạm FM công suất 50W). Nhiều trạm hữu tuyến nay đã xuống cấp, lạc hậu, không thể tích hợp với công nghệ mới; trong khi trạm phát sóng FM công suất quá nhỏ, chỉ có thể thu phát sóng ở khu vực trung tâm xã và một số nóc vùng lân cận. Ngoài rào cản về thiết bị, công nghệ, ngôn ngữ cũng là thách thức lớn cho sự phát triển của hệ thống TTCS khi dân cư trên địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Chương trình tiếp âm của các trạm TTCS không phát bằng ngôn ngữ bản địa nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao… Đó cũng là thực trạng chung ở các huyện miền núi của tỉnh. Như Tây Giang, một huyện vùng cao nơi có đông đảo đồng bào Cơ Tu sinh sống, đòi hỏi cán bộ Đài PT-TH huyện lẫn trạm TTCS phải là người có kỹ năng phát âm tiếng dân tộc, có khả năng viết lách, phiên dịch giữa hai ngôn ngữ để truyền tải những bản tin đến với người dân. Song, việc xây dựng đội ngũ cán bộ TTCS đáp ứng nhu cầu trên là vô cùng khó khăn. Ở khu vực đồng bằng, hệ thống TTCS có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, song so với nhu cầu thực tế thì sự quan tâm, đầu tư vẫn còn như “muối bỏ biển”. Ngay cả TP.Tam Kỳ, dù nỗ lực kiện toàn cơ sở vật chất, nhân lực, nhưng chất lượng của trạm TTCS vẫn còn nhiều hạn chế về tiêu chuẩn phòng máy, thiết bị phụ trợ, về kinh phí đầu tư và bảo dưỡng hệ thống vô tuyến…
Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ trống TTCS yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ảnh: H.Liên |
Tại nhiều địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu vùng xa, hệ thống TTCS được giao cho UBND xã/phường/thị trấn quản lý đã không đạt hiệu quả như mong muốn. Vì lẽ đó, nhiều địa phương kiến nghị giao trạm TTCS cho Đài PT-TH cấp huyện quản lý. Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Văn Phát - Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính & quản lý nghiệp vụ địa phương (Đài PT-TH Quảng Nam) chia sẻ: “Do đặc thù mỗi địa phương mà cơ chế, tiềm lực đầu tư cho trạm TTCS là khác nhau. Với những nơi như miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, do điều kiện kinh tế kém phát triển, đầu tư cho TTCS hết sức khó khăn. Vì vậy, khó có thể xây dựng mô hình chung, mà cần phải đi vào đặc thù từng vùng. Quản lý tốt hệ thống TTCS, chỉ có Đài PT-TH huyện vì nơi đây tập trung nhiều cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, sẽ giúp địa phương khai thác hiệu quả đài TTCS”.
Nâng tầm chất và lượng
Hiện trạng mạng lưới TTCS tại Quảng Nam đặt ra những khó khăn, thách thức lớn trong việc nâng chất và lượng TTCS để phục vụ tốt khâu tuyên truyền, đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Theo thống kê của Sở Thông tin và truyền thông, Quảng Nam có 222/244 xã, phường, thị trấn có trạm TTCS (kể cả vô tuyến lẫn hữu tuyến, trạm phát sóng FM); trong đó 23 trạm đã hư hỏng. Đáng chú ý, tỷ lệ xã, thị trấn ở khu vực miền núi có sóng phát thanh chỉ chiếm 79,4%; tỷ lệ thôn bản có hệ thống loa truyền thanh chỉ đạt khoảng 60% ở vùng thấp và 30 - 40% ở vùng cao. Ngoài yếu kém về cơ sở vật chất, hạ tầng, bất cập, khó khăn của hệ thống TTCS vẫn là đội ngũ chuyên trách. Hiện chỉ có 134/229 người làm công tác quản lý, vận hành các trạm TTCS là cán bộ chuyên trách, số còn lại chỉ kiêm nhiệm. Hầu hết cán bộ trạm TTCS chưa trải qua các khóa đào tạo tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ ngành phát thanh - truyền hình, trong khi đó lại thường xuyên thay đổi vị trí công tác khiến cho việc duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống TTCS gặp khó…
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông cho biết, sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy chế tổ chức và hoạt động của hệ thống TTCS trên địa bàn tỉnh, đa số các địa phương đã xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động trạm TTCS đem lại một số kết quả. Tuy nhiên, đây là quyết định mang tính khái quát, chung cho cả tỉnh. Còn thực tế, mỗi địa phương ở vùng đồng bằng, miền núi có những đặc thù về địa hình, dân cư, phong tục, tập quán. Do vậy cần có một quy định mới, đi sâu và phù hợp với đặc thù từng vùng. Cũng theo bà Quyên, từ thực trạng của hệ thống TTCS, dựa trên Quyết định số 31 của UBND tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông nghiên cứu đề xuất khung mô hình phù hợp theo vùng đồng bằng; miền núi, vùng sâu vùng xa. “Trọng tâm là hướng tới đảm bảo yêu cầu tất cả xã/phường/thị trấn trên địa bàn có trạm TTCS. Ở những xã/thị trấn có từ 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, phải tổ chức tiếp âm, tiếp sóng, sản xuất và phát chương trình truyền thanh bằng tiếng dân tộc bản địa nhằm đảm bảo công tác tuyên truyền. Về con người, mỗi địa phương ưu tiên bố trí cán bộ chuyên môn, chuyên ngành phụ trách trạm TTCS và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình…” - bà Quyên nói.
HOÀNG LIÊN