Chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện: Đổi mới một hành trình

DIỄM LỆ - VINH ANH 11/01/2016 09:03

Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 26/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng, ngành LĐ-TB&XH Quảng Nam đã nỗ lực thực hiện sứ mệnh của mình. Vừa quản lý, vừa thực hiện chế độ cũng là một gánh nặng của ngành LĐ-TB&XH, chính vì thế, việc đổi mới cách chi trả trợ cấp ưu đãi cho NCC là sự đổi mới cho một hành trình “đền ơn đáp nghĩa” về lâu dài.

TÁCH BẠCH TRÁCH NHIỆM

Quảng Nam là một trong 4 tỉnh của cả nước được chọn thí điểm thực hiện chi trả trợ cấp NCC qua hệ thống bưu điện. Được sự đồng ý của Bộ LĐ-TB&XH, bắt đầu từ tháng 1.2016, việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCC trên địa bàn tỉnh sẽ do ngành Bưu điện đảm nhận thay cho ngành LĐ-TB&XH.

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH và Bưu điện các huyện, thành phố ký kết hợp đồng chi trả trợ cấp NCC của hệ thống bưu điện. Ảnh: VINH ANH
Đại diện Phòng LĐ-TB&XH và Bưu điện các huyện, thành phố ký kết hợp đồng chi trả trợ cấp NCC của hệ thống bưu điện. Ảnh: VINH ANH

Sự cần thiết

Đến nay, số lượng đối tượng chính sách NCC chiếm hơn 20% dân số Quảng Nam. Toàn tỉnh có hơn 65 nghìn liệt sĩ, hơn 135 nghìn thân nhân liệt sĩ cùng hàng chục nghìn thương binh, bệnh binh, NCC giúp đỡ cách mạng. Đặc biệt, cả tỉnh có đến 12.280 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó hiện còn hơn 1.000 mẹ còn sống. Hàng năm, gần 57 nghìn người được hưởng trợ cấp thường xuyên, hàng chục vạn người được hưởng chế độ trợ cấp một lần và các ưu đãi trong y tế, giáo dục, điều dưỡng…, với tổng số tiền chi trả hơn 1.200 tỷ đồng. Việc thực hiện các chính sách, chế độ trợ cấp ưu đãi NCC trên địa bàn tỉnh thời gian được thực hiện kịp thời, đúng kỳ, đủ số tiền và đến tận tay đối tượng thụ hưởng, qua đó góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước đối với NCC.

Bà Arất Thị Phơi (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang): Tiện hơn rất nhiều

“Trước đây tôi đến nhận tiền trợ cấp hàng tháng ở UBND thị trấn. Do lượng người đông nên thường phải chờ đợi khá lâu, đôi lúc xảy ra chen lấn giữa người đến trước và đến sau. Có những người do bận công việc không đến nhận kịp vào ngày chi trả ở thị trấn thì sau đó phải lên huyện để nhận, nên rất mất thời gian. Khi chuyển sang ngành Bưu điện chi trả, nếu không có điều kiện đi nhận vào ngày cố định, tôi vẫn có thể đến nhận vào ngày khác trong giờ làm việc. Mặt khác, ở điểm chi trả, nhân viên bưu điện bố trí đầy đủ bàn ghế, nước uống, quạt mát… nên tạo cho người dân sự thoải mái”.
Bà Võ Thị Liên (thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành): Chỉ một lần, nhận đủ các gói chi trả hàng tháng

“Mỗi tháng, tôi và chồng được Nhà nước chi trả tổng cộng các gói trợ cấp, lương hưu… hơn 13 triệu đồng. Lúc trước, việc chi trả trợ cấp ưu đãi cho NCC chưa giao cho phía bưu điện thì hàng tháng tôi phải đi ít nhất 2 lần mới nhận đủ số tiền nói trên.

Từ lúc Bưu điện Núi Thành được giao chi trả gói trợ cấp ưu đãi NCC, tôi chỉ đi một lần, đến một điểm là được nhận đủ tiền, đỡ mất thời gian đi lại. Dù ai chi trả thì mỗi tháng vợ chồng tôi cũng được nhận đẩy đủ, không thiếu đồng nào. Nhưng từ lúc bưu điện được giao trả luôn chế độ ưu đãi NCC, quả thực nhiều gia đình như vợ chồng tôi thấy rất thuận tiện”.

Tuy nhiên, theo nhận định của ngành LĐ-TB&XH, việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc thực hiện chi trả chế độ ưu đãi đối với NCC. Quảng Nam là tỉnh có diện tích lớn, địa hình phức tạp, dân cư không tập trung, việc đi lại rất khó khăn (nhất là đối với 9 huyện miền núi) nên việc tổ chức chi trả không tránh khỏi những thiếu sót làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ triển khai thực hiện công tác NCC. Mặt khác, đội ngũ cán bộ LĐ-TB&XH thường xuyên biến động, nhất là ở cấp xã, trong khi đó yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành LĐ-TB&XH ngày càng lớn. Những điều đó đã tạo ra áp lực không nhỏ trong công tác chăm lo cho NCC nói chung và thực hiện chế độ, chính sách đối với lĩnh vực này nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Vì vậy, để thực hiện tốt chính sách, chế độ ưu đãi NCC trong thời gian đến, ngoài tăng cường hơn nữa công tác quản lý của các cấp, ngành; việc nghiên cứu xây dựng hoàn thiện phương thức thực hiện chi trả phù hợp là yêu cầu cần thiết. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm công tác chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua hệ thống bưu điện tại TP.Hội An và các huyện Núi Thành, Quế Sơn, Đông Giang, Bộ LĐ-TB&XH đã thống nhất cho phép Quảng Nam triển khai chi trả theo hình thức này trên toàn tỉnh.

Khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Được chọn thí điểm thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua hệ thống bưu điện từ tháng 8.2015, TP.Hội An đã thực hiện khá tốt vấn đề này. Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An cho hay, qua thực hiện thí điểm, Hội An chưa xảy ra vấn đề gì sai sót, mọi công tác chi trả đều được thực hiện kịp thời. Về cơ bản, NCC của thành phố đồng tình cao, bởi cách chi trả, phục vụ của ngành Bưu điện rất khoa học; các điểm chi trả bố trí ghế ngồi, nước uống… chu đáo. Ông Phúc nói: “Về tầm vĩ mô thì đây là hướng đi đúng, bởi tách bạch trách nhiệm rõ ràng, khắc phục hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi người của ngành LĐ-TB&XH vừa quản lý nhà nước lại vừa thực hiện chế độ đối với NCC. Quan trọng là cách thực hiện ở cơ sở như thế nào cho phù hợp, tạo sự yên tâm cho đối tượng NCC. Bởi ở đây không phải chỉ là trả tiền trợ cấp, mà còn là nghĩa tình, trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng NCC. Qua đợt đầu thực hiện, theo phản ánh từ NCC, họ cảm thấy hơi bị thiếu quan tâm về mặt tình cảm, bởi cán bộ ngành Bưu điện chỉ chi trả chứ chưa quen mặt biết tên nên không thăm hỏi sức khỏe của NCC như cán bộ của ngành LĐ-TB&XH được”. Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Công Tiến - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành cho rằng, mặc dù đã chuyển giao, nhưng cán bộ ngành LĐ-TB&XH cần phải vào cuộc, tuyên truyền chính sách mới xuống cơ sở vì cán bộ của ngành lâu nay vốn đã gần dân, gần đối tượng. Thời gian đầu, cán bộ ngành LĐ-TB&XH phải là cầu nối, tham gia cùng với ngành Bưu điện thực hiện chi trả chế độ, để NCC và nhân viên bưu điện có sự kết nối cả về tình cảm, dần đi vào nền nếp.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, đây là bước đi cần thiết nhằm giảm tải áp lực công việc cho cán bộ của ngành. Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Nếu tính đầu công việc thì ngành LĐ-TB&XH quá nhiều, càng xuống cấp dưới càng nhiều do số lượng cán bộ ít lại. Khi đến cấp xã, cán bộ LĐ-TB&XH hầu hết kiêm nhiệm, khiến cho công việc trở nên quá tải. Hơn nữa, khi chuyển giao cho ngành Bưu điện chi trả thì sẽ tách bạch giữa đơn vị quản lý chính sách, quản lý tiền và đơn vị chi tiền, như  thế sẽ tốt hơn. Trước nay ngành LĐ-TB&XH làm vẫn tốt, nhưng đôi lúc đôi nơi vẫn để xảy ra sự cố, có khi chậm trễ chi trả vì việc quá nhiều”. Theo ông Sáu, khi ngành Bưu điện chi trả thì an ninh tài chính sẽ đảm bảo vì có nhân lực, phương tiện. Sẽ không còn cảnh phập phồng lo lắng vấn đề an toàn tiền bạc khi cán bộ chở tiền từ huyện về xã để chi trả cho NCC.

BĂN KHOĂN TỪ CƠ SỞ

Việc thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công (NCC) ở các huyện Núi Thành, Đông Giang, Quế Sơn và TP.Hội An dù có thể nói là đã thành công, song vẫn còn không ít băn khoăn đặt ra từ cơ sở khi triển khai trên toàn tỉnh.

Nhiều ý kiến đề nghị cần có sự quan tâm đến đời sống, thu nhập của cán bộ ngành LĐ-TB&XH khi chuyển việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua ngành Bưu điện. Ảnh: D.LỆ
Nhiều ý kiến đề nghị cần có sự quan tâm đến đời sống, thu nhập của cán bộ ngành LĐ-TB&XH khi chuyển việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua ngành Bưu điện. Ảnh: D.LỆ

Thời gian có hợp lý?

Thời điểm được UBND tỉnh chọn để triển khai thực hiện đề án chi trả trợ cấp ưu đãi NCC khiến phía ngành LĐ-TB&XH các địa phương đều rất băn khoăn. Bởi, thời gian áp dụng từ tháng 1.2016 được cho là quá gấp gáp, gây lúng túng cho ngành LĐ-TB&XH vì chưa có đủ thời gian để tuyên truyền, phổ biến chủ trương mới xuống cơ sở. Bà Trần Thị Bộ - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ nói: “Trước đây, khi chuyển giao cho bưu điện chi trả các gói bảo trợ xã hội hay lương hưu đều thực hiện có lộ trình, có thời gian và có tâm thế. Do đó công tác vận động, tuyên truyền đến cơ sở mới dễ dàng. Lần này thời gian chi trả được áp dụng ngay trong tháng 1.2016 nên có phần hơi cập rập, gây lúng túng cho cơ sở khi chủ trương chưa được tuyên truyền, NCC chưa nắm rõ”.

Là địa phương thực hiện chi trả thí điểm, bà Lê Thị Ngọc Lan - Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện Đông Giang chia sẻ rằng, qua thời gian thực hiện thí điểm, dù không nói ra nhưng bà biết tư tưởng cán bộ của ngành có sự dao động, đặc biệt là ở cấp xã. Bởi miền núi cao điều kiện khó khăn, thu nhập tăng thêm chỉ dựa vào phí chi trả, nay bị cắt giảm đời sống sẽ bấp bênh hơn.

Trong khi đó, đây lại là thời gian sát tết, theo kế hoạch chung, có khả năng phải chi trả lương và trợ cấp tháng 2.2016 trước Tết Nguyên đán, nên nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, lo lắng ngành bưu điện sẽ gặp khó khăn vì một lúc “ôm” quá nhiều gói chi trả. Bà Trần Thị Trị - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn lo lắng: “Thông thường, đến trước ngày 25.12 (âm lịch) là tiền phải được chi trả đầy đủ đến các đối tượng để phục vụ cho họ đón tết. Nhưng năm nay, với nhiệm vụ mới, khối lượng công việc nhiều, nếu lỡ bưu điện không thực hiện đảm bảo thì ai chịu trách nhiệm. Bởi mỗi xã chỉ có một nhân viên ở các bưu điện văn hóa xã, làm sao chi trả cho kịp. Như Điện Bàn, có xã đối tượng đông, số tiền chi trả hàng tháng lên đến hơn cả tỷ đồng, nếu chi trả một lần cho cả 2 tháng, liệu nhân viên bưu điện có đảm đương nổi? Đó là chưa kể có xã ở huyện miền núi cao không có bưu điện xã, không có nhân viên ngành bưu điện thì phải làm sao cho kịp?”.

Nhiều điều cần quan tâm

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH các địa phương đều kiến nghị UBND tỉnh và Sở LĐ-TB&XH cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của cán bộ LĐ-TB&XH tại xã, phường, thị trấn. Bởi vì trước đây đa số cán bộ LĐ-TB&XH tại cơ sở là những người trực tiếp thực hiện việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCC, do đó họ được hưởng thêm tiền phí chi trả. Tùy vào số lượng đối tượng/địa phương mà từng người được hưởng phần trăm khác nhau. Khoản kinh phí này đã bổ sung thêm vào thu nhập hàng tháng của những cán bộ phụ trách việc chi trả. Nhưng hiện nay, việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCC được giao cho bưu điện thì khoản thu nhập này của họ sẽ không còn. Bà Trần Thị Bộ nói: “TP.Tam Kỳ chỉ có 5 cán bộ LĐ-TB&XH ở xã, phường là biên chế nhà nước, còn 8 người là hợp đồng lao động nên hưởng lương thấp. Lâu nay, thực hiện chi trả gói trợ cấp ưu đãi NCC, họ được hưởng 100% tiền phí chi trả, nhưng giờ bị cắt thì ảnh hưởng đến thu nhập. Do đó, tôi đề nghị cấp trên xem xét, nghiên cứu giải pháp nhằm quan tâm, động viên cán bộ LĐ-TB&XH ở cơ sở”. Một cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức chia sẻ: “Mặc dù việc chi trả giao cho bưu điện thực hiện nhưng cán bộ LĐ-TB&XH vẫn phải tham gia những công việc phát sinh như chỉnh lý hồ sơ, số lượng đối tượng… Trong khi lương ở xã thì ba đồng ba cọc, vì vậy tỉnh nên có sự quan tâm đối với cơ sở bằng cơ chế nào đó. Bởi khối lượng công việc nhiều mà thu nhập thấp thì tư tưởng anh em dễ dao động, trách nhiệm trong công việc sẽ giảm sút”.

Ở các huyện miền núi cao, vấn đề đặt ra còn phức tạp hơn. Như tại huyện Tây Giang, lâu nay để thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi NCC cách mạng trên địa bàn, huyện phải hợp đồng với 10 người. Những người này không thuộc biên chế nhà nước, cũng không thuộc hợp đồng lao động ở xã nên họ không được hưởng khoản thu nhập nào khác ngoài tiền phí chi trả hàng tháng. Có những người đã làm công việc này hơn 10 năm, có người là sinh viên mới ra trường chưa có việc làm, nay việc chi trả giao cho bưu điện thì nguy cơ trước mắt là 10 người này sẽ mất việc làm, mất nguồn thu nhập hàng tháng.

THỰC HIỆN BẰNG LÒNG TRI ÂN

Những băn khoăn của cán bộ ngành LĐ-TB&XH cũng là nỗi lo lắng của ngành Bưu điện. Nhưng, đã đặt quyết tâm, trách nhiệm vào công việc, ngành Bưu điện khẳng định sẽ cố gắng thực hiện thật tốt nhiệm vụ bằng cả tấm lòng tri ân, chăm sóc NCC.

Nhân viên bưu điện hướng dẫn người có công điểm chỉ khi nhận chế độ. Ảnh: V.ANH
Nhân viên bưu điện hướng dẫn người có công điểm chỉ khi nhận chế độ. Ảnh: V.ANH

Ông Trần Văn Địch - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Trước khi bước vào thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi NCC, chúng tôi đã quán triệt đến tất cả cán bộ, nhân viên của ngành là phải hết sức trách nhiệm. Bởi đây không đơn thuần là trả tiền, mà còn là trách nhiệm chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công (NCC). Từ cách giao tiếp, ăn nói, cách trao tiền cho NCC đều phải hết sức thận trọng”. Nhân viên bưu điện cũng đã tích lũy được kinh nghiệm từ việc chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội nên khi vào cuộc chi trả trợ cấp ưu đãi cho NCC sẽ có phần thuận lợi hơn. Chỉ có cái khó là nhân viên bưu điện không thể hiểu hết chính sách NCC, khi đối tượng có thắc mắc sẽ không trả lời được. Vì thế sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Bưu điện và LĐ-TB&XH trong thời gian đầu là vô cùng cần thiết. Hai bên cũng sẽ phối hợp để tập huấn những nội dung cơ bản nhất cho nhân viên ngành Bưu điện như kinh nghiệm chi trả; chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước để có thể trả lời thắc mắc của NCC. Đối với những vấn đề phức tạp hơn, ngành Bưu điện quán triệt nhân viên chi trả không được tự ý trả lời theo cảm quan, mà phải hẹn và có văn bản để lãnh đạo Bưu điện yêu cầu ngành LĐ-TB&XH trợ giúp.

Thời gian đầu, nhân viên bưu điện chắc chắn sẽ không nhận diện được đối tượng, nên ngành Bưu điện đã đề nghị cán bộ ngành LĐ-TB&XH cùng phối hợp. NCC khi đi nhận tiền trợ cấp cần mang theo sổ chế độ và giấy tờ tùy thân. Với những trường hợp già yếu không đi được cần phải có giấy ủy quyền có xác nhận của chính quyền địa phương. Ở đây cũng đặt ra trường hợp nếu NCC đơn thân, không có người thân thì chính quyền địa phương cần xác nhận giúp, và ngành Bưu điện sẽ chi trả tận địa chỉ, bất cứ NCC đó đang nằm nhà hay nằm ở bệnh viện đều được trả đến nơi. Khi chi trả đối với những trường hợp NCC già yếu, không nhận biết được và phải chi trả tận địa chỉ, nhân viên bưu điện được chọn phải là người có tâm, có đạo đức, để phòng tránh trường hợp giả mạo điểm chỉ nhằm trục lợi cá nhân.

Theo Sở LĐ-TB&XH, trước những băn khoăn, lo lắng của cán bộ ngành, sở đã có văn bản chỉ đạo cán bộ thuộc ngành LĐ-TB&XH phải phối hợp chặt chẽ với nhân viên ngành Bưu điện trong thời gian đầu. Ngành Bưu điện sẽ thực hiện chi trả theo đúng lịch mà trước đây ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện. Đồng thời trong giờ làm việc của các ngày còn lại, đối tượng đi nhận trễ vẫn được trả vét. Địa phương nào không có điểm Bưu điện văn hóa, nhân viên bưu điện sẽ thực hiện chi trả tại trụ sở UBND xã.

Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã cho ứng trước ngân sách 230 tỷ đồng để thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi NCC tháng 1 và tháng 2.2016 trước Tết Nguyên đán Bính Thân. Số tiền này đã được phân bổ về các huyện để chuyển cho Bưu điện hoàn thành chi trả trước ngày 20.1. Và theo thông tin mới nhất từ Sở LĐ-TB&XH, nếu tiền quà của Chủ tịch nước và Chủ tịch tỉnh có sớm, ngành LĐ-TB&XH cũng sẽ chuyển giao cho Bưu điện chi trả một lần với tiền trợ cấp tháng 1 và 2 theo đúng lịch trước kia ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện. Trước sự gấp gáp này, Bưu điện tỉnh đã lập phương án chi trả cụ thể tại từng xã, phường, thị trấn. Trong phương án chi trả, Bưu điện tỉnh nêu rõ số đối tượng, số tiền, sơ đồ địa bàn chi trả, tên cán bộ chi trả. Về nhân sự, Bưu điện tỉnh cho biết sẽ huy động toàn lực, đưa cán bộ từ tỉnh tăng cường về những huyện có đông đối tượng NCC, số tiền chi trả nhiều như Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ. Đối với những huyện xa như Nam Trà My hay Tây Giang, lực lượng bảo vệ, chi trả và phương tiện vận chuyển tiền đều được chuẩn bị chu đáo. Ông Địch khẳng định, nhân lực của ngành hoàn toàn đáp ứng yêu cầu chi trả theo đúng thời gian đã ấn định giữa ngành LĐ-TB&XH và ngành Bưu điện.

DIỄM LỆ - VINH ANH

DIỄM LỆ - VINH ANH