Ấn tượng Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh – Champa
Nằm trên trục đường 610 đến Khu đền tháp Mỹ Sơn, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh – Champa (Trà Kiệu, Duy Sơn, Duy Xuyên) là một trong những nơi hiếm hoi ở Quảng Nam trưng bày các hiện vật về đời sống, sinh hoạt của các cư dân Sa Huỳnh và Champa xưa cách đây hơn 2000 năm.
Nhiều hiện vật quý đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa. |
Dù so với các bảo tàng khác hiện vật tại đây không nhiều nhưng vẫn đủ giúp du khách hình dung về đời sống sinh hoạt, lao động, sinh tồn của những cư dân xưa trong tiến trình lịch sử phát triển của mình. Trong số hơn 300 hiện vật và nhóm đang được lưu giữ, các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh chiếm gần một nửa với khoảng 130 hiện vật như bình, nồi gốm; bát bồng bằng gốm, gương đồng, bội xe chỉ cùng hàng trăm khuyên tai, hạt chuỗi các loại được chế tác bằng nhiều chất liệu từ gốm, đá, thủy tinh đến mã não, vàng…, niên đại từ 2000 – 2500 năm tuổi. Ngoài ra, có thể kể đến bộ sưu tập các loại công cụ lao động, vũ khí như rìu đá, rìu đồng, mũi lao đồng, mũi giáo đồng hình lá mía, mũi giáo sắt, dao găm, thuổng sắt… khá tinh xảo. Tuy nhiên, ấn tượng nhất chính là hàng chục mộ chum lớn nhỏ các loại, cao nhất cũng gần 1,8m, đường kính 70cm có thể bỏ lọt một người trưởng thành vào bên trong, tất cả đều đã được phục chế. Đặc biệt, hầu hết hiện vật này đều được sưu tầm hoặc khai quật tại các di chỉ ở Duy Xuyên như Gò Mả Vôi, Gò Dừa, Gò Cấm… (Duy Trung). Thậm chí, có nhà nghiên cứu đã từng nói nếu người Pháp phát hiện những hiện vật tại Duy Xuyên trước Sa Huỳnh chắc chắn tên gọi cho nền văn hóa này sẽ đổi khác vì quy mô phân bố cũng như sự đa dạng kích thước, chủng loại và chất liệu của các nhóm hiện vật này.
Bên cạnh hiện vật Sa Huỳnh, điểm nhấn của bảo tàng còn là các bộ sưu tập hiện vật văn hóa Champa có niên đại từ thế kỷ 1- 8 bao gồm đồ dân dụng và hiện vật trang trí tháp như đĩa gốm, nồi gốm, ấm, chuỗi hạt, đá mài, quả cân đá, đinh đồng, dao đồng, chỉ lưới, bi gốm… Đó còn là các trang trí kiến trúc đền tháp như tai lửa, chóp tháp, đầu gói ống, gạch Chăm; là các tượng thần, tu sĩ, linga - yoni… cùng những bản vẽ chi tiết mô tả các mô típ chum, mộ Sa Huỳnh và phong cách đền tháp Champa trong từng giai đoạn phát triển lịch sử, nhằm mang đến cho người xem sự cảm nhận rõ nét nhất về các giá trị của một nền văn hóa cổ xưa. Kể từ khi đưa vào hoạt động (2009) đến nay, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên và du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu rõ hơn về mảnh đất Duy Xuyên, Quảng Nam, nhất là mối quan hệ của các di tích Champa trên trục đông tây kết nối Trà Kiệu - Mỹ Sơn với gạch nối là Triền Tranh, Gò Vua, Gò Lồi, Gò Gạch thuộc thung lũng Chiêm Sơn.
VĨNH LỘC