Doanh nghiệp Lào trong tiến trình hội nhập

NAM VIỆT 08/01/2016 10:41

Trên trang web “laomediagroup.com” (Lào) gần đây cho biết, doanh nghiệp Lào cần nỗ lực hơn nữa trước thách thức của hội nhập kinh tế khu vực.

Cuối năm 2015, Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) ra đời, đặc biệt trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). AEC dẫn đến dòng luân chuyển tự do về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động kỹ năng, dòng vốn trong khu vực ASEAN. Cũng như nhiều trường hợp của một số ít các quốc gia thành viên, rất nhiều doanh nghiệp trong khu vực mở rộng hoạt động của mình tại Lào. Trong khi đó, doanh nghiệp Lào có mặt tại các quốc gia trong khu vực chỉ ở số lượng rất khiêm tốn. Do vậy, các doanh nghiệp hàng đầu tại Lào khuyến nghị, các doanh nghiệp cần cải thiện chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, để vừa đủ sức đứng vững trên thị trường trong nước, vừa có khả năng xâm nhập và có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thị trường các nước trong khu vực.

Một số sản phẩm của Lào đã có mặt trên thị trường trong khu vực ASEAN. (Ảnh: laotradeportal)
Một số sản phẩm của Lào đã có mặt trên thị trường trong khu vực ASEAN. (Ảnh: laotradeportal)

Cuối tháng 12.2015, Công ty CP Tập đoàn Masan của Việt Nam ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Singha - công ty thành viên quan trọng của Tập đoàn Boon Rawd Brewery, hãng bia đầu tiên và lớn nhất của Thái Lan. Giao dịch này  trị giá 1,1 tỷ USD và dự kiến hoàn tất trong tháng 1.2016 sẽ  cho phép hai tập đoàn Masan và Singha mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm đồ uống với thị trường trọng tâm tại nhiều nước ASEAN, trong đó có Lào. Chuyên gia kinh tế cấp cao của Học viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào - Leeber Leebouapao cho biết, với AEC thì không có sản phẩm địa phương hay trong nước còn được bảo hộ nữa. Nên giống như chơi một môn thể thao, doanh nghiệp nào mạnh sẽ có cơ hội thắng cuộc cao hơn. “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất phải là chất lượng, song song với đó là giá cả ở mức có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác” - Leeber Leebouapao nói.

Phát biểu trên tạp chí Vientiane Times (Lào), Phó Chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp Lào, bà Valy Vetsaphong cho rằng: “Như chúng ta đã biết, AEC tạo ra cho chúng ta lẫn cơ hội và thách thức. Song, bước đi đầu tiên của các doanh nghiệp trên con đường hội nhập kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức hơn là cơ hội. Các doanh nghiệp có thể tồn tại bằng cách liên doanh với nhiều đối tác trong khu vực nếu như hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả”. Bà Valy Vetsaphong cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ và các doanh nghiệp Lào cần làm việc cùng nhau, hiểu được vấn đề nhằm tìm ra hướng giải quyết. Doanh nghiệp phải tham gia góp ý trong việc đề ra chính sách của chính phủ để giúp lĩnh vực này phát triển. Ngoài ra, một trong những yếu tố không kém phần quan trọng là khuyến khích người dân Lào tham gia hoạt động kinh doanh một cách trung thực nhất.

Thêm vào đó, ASEAN - một thị trường năng động với gần 650 triệu dân sẽ là điểm đến thu hút các nhà đầu tư. Mới đây, tại cuộc họp ở tỉnh Khammuan, Chính phủ Lào cho biết, hiện Lào có 11 khu kinh tế đặc biệt (Special and Specific Economic Zone), thu hút 258 công ty đầu tư trong và ngoài nước, tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và các lĩnh vực liên quan đến thương mại. Giá trị xuất khẩu tại các khu công nghiệp trên trong năm 2015 đạt 40 triệu USD, tạo ra hơn 15 nghìn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia và góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo tại Lào.

NAM VIỆT

NAM VIỆT