Vi phạm ở tiệm cầm đồ
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) – Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 261 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ (DVCĐ), tập trung chủ yếu ở TP.Tam Kỳ. Bên cạnh những cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, vẫn có không ít tiệm cầm đồ có sai phạm trong hoạt động kinh doanh.
Cầm đồ là dịch vụ kinh doanh khá “nhạy cảm” và theo quy định, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngoài việc đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh DVCĐ phải nộp cam kết thực hiện đúng các quy định, điều kiện về an ninh, trật tự với cơ quan công an. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, các tiệm cầm đồ vẫn vi phạm quy định. Mới đây, thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, PC64 đã thành lập 5 tổ công tác gồm 18 cán bộ chiến sĩ đồng loạt kiểm tra 5 kho chứa tài sản tại 2 cơ sở cầm đồ Bin và BiBin (đều ở phường An Sơn, TP.Tam Kỳ). Qua kiểm tra, phát hiện cả hai cơ sở đều vi phạm quy định. Cụ thể, 5 kho chứa tài sản của 2 cơ sở này đang cầm cố 265 mô tô, xe máy các loại nhưng chỉ có 98 chiếc do chính chủ sở hữu mang đến cầm cố. Còn lại 167 mô tô, xe máy cầm cố không đúng quy định, có nghi vấn vi phạm pháp luật như xe trộm cắp, làm giả giấy tờ, lạm dụng tín nhiệm của người khác mang đi cầm cố. “Với những vi phạm này, PC64 đã tạm giữ các giấy tờ liên quan để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - Thượng tá Tô Dụng nói.
Thời gian qua, không ít cơ sở kinh doanh DVCĐ trên địa bàn tỉnh được kiểm tra đã có hành vi vi phạm hành chính như không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an ninh, trật tự; nhận cầm cố tài sản nhưng không ký kết hợp đồng theo quy định; cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ. Thêm vào đó, các cơ sở cầm đồ bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với cơ quan thẩm quyền. Tại Quảng Nam đã xảy ra nhiều trường hợp tiệm cầm đồ trở thành nơi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, làm phức tạp thêm tình hình an ninh trật tự khi đối tượng trộm cắp đem tài sản trộm được đến cầm cố tại DVCĐ và thế là tiệm cầm đồ trở thành nơi tiếp tay cho tội phạm. Mặt khác, tiệm cầm đồ cũng là biến tướng của “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Để thu hút khách, nhiều tiệm cầm đồ trương bảng “Lãi suất thấp”, nhưng thực tế, lãi suất của tiệm cầm đồ cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Thượng tá Tô Dụng - Trưởng phòng PC64 cho hay, thường vào thời điểm trước, trong và sau tết, DVCĐ càng có diễn biến phức tạp nên đơn vị đã, đang và sẽ tổ chức các đợt kiểm tra để tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh những sai phạm ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ này, góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
LÊ CHÂU