Khởi sắc diện mạo đô thị
Hôm qua 6.1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Lần đầu tiên, đại diện cho UBND 37 phường, thị trấn cùng với lãnh đạo UBND, Phòng VH-TT… các huyện, thành phố trong toàn tỉnh có cuộc gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nếp sống đô thị.
CHỦ trì hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đánh giá, diện mạo đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng thay đổi theo hướng tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Quan trọng là các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh góp phần đẩy lùi các tệ nạn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời mong rằng, hội nghị lần này không chỉ nhìn nhận lại sự phát triển của đô thị, mà lãnh đạo tỉnh hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý, giải pháp cho tương lai, từ thực tế ở cơ sở.
Cải thiện mỹ quan
Tham dự hội nghị, khá nhiều ý kiến đồng tình về sự phát triển mang tính tích cực của các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Trong đó, quy hoạch đô thị đã phần nào đáp ứng những yêu cầu cơ bản của định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện nay, hầu hết địa phương đã xây dựng quy hoạch chung đô thị và các chương trình phát triển với việc tập trung nâng cấp, xây dựng, cải tạo công trình công cộng, hạ tầng cơ sở nhằm đảm bảo kiến trúc hài hòa, đúng quy chuẩn. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, quy hoạch kiến trúc, xây dựng đô thị tập trung vào các công trình công cộng với việc tăng cường phát huy vai trò tự quản cộng đồng, phục vụ lợi ích công cộng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân đã có hiệu quả. “Đến nay, hầu hết đô thị trên địa bàn tỉnh đã được đặt tên đường, lắp bảng số nhà. Thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là các công trình văn hóa trọng điểm, khu vui chơi trẻ em bắt đầu được quan tâm đầu tư phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân” - ông Đinh Hài nói.
Khu vực nội thị của thị xã Điện Bàn được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: CÔNG TÚ |
Nhiều đại biểu đến từ các phường, thị trấn nhìn nhận, chính việc vận động thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đã tạo cho bộ mặt đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức người dân được nâng cao, nhiều tệ nạn được dẹp bỏ, mỹ quan đô thị tươi sáng hơn. Ông Tống Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An chia sẻ, xây dựng nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị là công việc mà TP. Hội An đã làm hàng chục năm nay, mỗi năm làm mạnh hơn, kiên quyết hơn và có những giải pháp tốt hơn. Ví dụ, các năm trước, thành phố thường xuyên vận động bà con giảm chuyện rải vàng mã trên phố khi tổ chức đưa tang, nhưng tình trạng vẫn không hề giảm. Trước tình hình đó, năm 2015, Phòng VH-TT tham mưu Thành ủy tổ chức cuộc tọa đàm với hơn 150 thầy cúng và các phường nhạc lễ, qua đó tuyên truyền về việc thực hiện tang ma văn minh. Đội ngũ này trở thành những tuyên truyền viên hết sức hiệu quả, chuyện rải vàng mã chuyển biến tích cực ngay.
Tương tự, việc tuyên truyền xây dựng mỹ quan đô thị với lề thông, hè thoáng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, môi trường…, luôn là các tiêu chí đầu tiên địa phương hướng tới trong quá trình xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Lãnh đạo thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) chia sẻ, năm 2012 UBND thị trấn đã lập đề án đảm bảo công tác môi trường, thu gom xử lý rác thải. Sau 3 năm thực hiện, đến nay cả 14 khu phố trên địa bàn thị trấn cùng tham gia hưởng ứng, các phong trào tự quản vệ sinh môi trường đều được các tổ đoàn kết đăng ký đảm nhận…
Xây dựng môi trường văn hóa
Các đại biểu tại hội nghị cho rằng, xây dựng văn hóa, văn minh đô thị, thực chất nhằm hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thiết lập các mối quan hệ ứng xử hài hòa, bền vững giữa con người với con người, con người với tự nhiên trong quá trình đô thị hóa, phát triển và hội nhập. Do vậy, trong quá trình phát triển đô thị hóa tất yếu gặp những khó khăn. Bà Lương Mỹ Linh - Phó Trưởng phòng VH-TT thị xã Điện Bàn chia sẻ, Điện Bàn đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ nông thôn sang đô thị. Sự đầu tư cơ sở hạ tầng mới thay đổi được diện mạo bên ngoài của cảnh quan. Nhưng vấn đề xây dựng, thay đổi nếp sống, sinh hoạt của nhân dân theo hướng văn minh đô thị vẫn còn là câu chuyện dài. “Nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự đồng lòng, đồng thuận của toàn thể người dân và các cấp chính quyền để xây dựng nên nếp sống văn minh đô thị. Do đó, vai trò của công tác tuyên tuyền phải được chú trọng và nâng cao theo hướng sinh động, sâu sát, gắn với tình hình thực tiễn ở từng khu dân cư” - bà Linh nói.
Cũng như vậy, một thị trấn mới được hình thành trong khoảng 5 năm như Phú Thịnh (Phú Ninh) cũng gặp khá nhiều vấn đề trong việc hình thành ý thức thị dân. “Phú Thịnh được xây dựng trên một vùng đất mới, toàn đồi núi, nông trường. Dân cư thưa thớt và chủ yếu làm nông nghiệp. Trong 5 năm qua, chúng tôi mới chỉ xây dựng, hoàn thiện phần nào quy hoạch, cơ sở hạ tầng đô thị và vẫn ưu tiên cho hạ tầng trước. Lâu nay cũng đã thực hiện nhưng chưa thật sự quyết liệt, giải pháp thì cũng chỉ dừng lại ở việc hàng tháng tổ chức họp dân để tuyên truyền nhằm hình thành các nếp sống phù hợp. Từ 2016 Phú Thịnh sẽ bắt đầu xây dựng và thực hiện các tiêu chí về văn minh đô thị” - ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thịnh nói. Theo như các đại biểu chia sẻ tại hội nghị, hầu hết địa phương đều gặp phải khó khăn khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh trong khi ý thức người dân vẫn chưa thực sự được khơi thông. Và công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động thực tế cho người dân tại các địa phương vẫn là giải pháp hàng đầu.
Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị, thời gian tới, Quảng Nam tiếp tục triển khai các nội dung như xây dựng quan hệ giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng và cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, đảm bảo môi trường đô thị xanh - sạch - đẹp, xây dựng các mô hình điểm “tuyến đường văn minh”, “tổ dân phố không rác”, “chợ văn minh thương mại”... Hy vọng, với các hoạt động tích cực như vậy, dáng vóc đô thị văn minh, đáng sống sẽ không còn xa với các thị trấn, thị xã, thành phố của Quảng Nam.
LÊ QUÂN