Giải bài toán giảm nghèo cho miền núi - Bài cuối: Thực thi cơ chế hiệu quả
Cơ chế đặc thù dành cho miền núi đã và đang tiếp tục được triển khai, là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, tuy nhiên việc triển khai các cơ chế này cần hợp lý, hiệu quả.
Cần tăng cường cho vay tín dụng ưu đãi để người dân miền núi nỗ lực giảm nghèo bền vững. TRONG ẢNH: Đồng ruộng lúa nước của đồng bào Xê Đăng ở huyện Nam Trà My. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Cần sát với thực tế
Thực tế, chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong những năm qua không phải ít, nhưng trong số đó lại chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Có rất nhiều lý do, từ điều kiện khó khăn đặc thù của miền núi cho đến nguồn vốn đưa về theo chính sách ưu tiên còn chậm, năng lực cán bộ địa phương hạn chế, việc đầu tư hỗ trợ chưa đồng bộ, chồng chéo… khiến việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc chưa phát huy hiệu quả. Từ đó, dẫn đến công tác giảm nghèo ở các địa phương miền núi xảy ra nhiều bất cập, chưa đồng đều và đáp ứng theo mục tiêu đề ra.
Xây dựng đề án chính sách đặc thù cho miền núi Ủy ban Dân tộc vừa có đề án chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đề án này, chính sách dân tộc sẽ được xây dựng theo hướng dài hạn, phân rõ chính sách có tính chiến lược và chính sách giải quyết những vấn đề bức xúc, có tính tình huống; tiếp cận giảm nghèo theo hướng đa chiều với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi mỗi năm 3,5 - 4%; giải quyết việc làm và đất sản xuất cho 80% hộ DTTS thiếu đất sản xuất; giải quyết tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt; bố trí sắp xếp dân cư ở những hộ còn du canh du cư, di cư tự do; giúp đồng bào tiếp cận tốt hơn với tín dụng ưu đãi... Trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn về đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ nước sinh hoạt; bố trí sắp xếp ổn định dân cư; hỗ trợ tín dụng... theo hướng tăng cho vay giảm cho không và phân cấp mạnh cho địa phương để chủ động thực hiện hiệu quả; tạo đà cho hộ nghèo phát triển về kinh tế - xã hội, khuyến khích người dân tham gia sản xuất hàng hóa, tiến tới giảm nghèo bền vững. |
Trong khi đó, mặc dù có nhiều chính sách rất đúng về chủ trương, nhưng khi triển khai áp dụng tại địa bàn miền núi thì “không khớp” với thực tế, gây lãng phí ngân sách. Đó là chưa nói đến nhiều chương trình, dự án triển khai còn chưa đồng bộ, hoặc thiếu nguồn vốn đầu tư, trong khi năng lực của đồng bào còn nhiều hạn chế, thiếu tính chủ động. Chẳng hạn, Chương trình 135, theo quy định của Quyết định 551/QĐ-TTg của chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng 1,5 tỷ đồng/xã và thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất 450 triệu đồng/xã. Tuy nhiên, nguồn vốn bố trí năm 2014 và 2015 chưa đúng suất đầu tư, do Trung ương chỉ cấp 1 tỷ đồng/xã đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và 300 triệu đồng/xã đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Vì thế, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế tại các vùng đặc biệt khó khăn, trong khi giá cả vật tư, vật liệu, thiết bị, cây giống, con vật nuôi ngày càng tăng cao. Ngoài ra, một số huyện miền núi của tỉnh vẫn chưa có giải pháp phù hợp trong việc thực hiện hướng dẫn và bố trí cán bộ giúp đỡ các xã trong việc làm chủ đầu tư đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, khiến công tác triển khai thực hiện chưa đảm bảo theo quy trình.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh (nguyên Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh) nhìn nhận, mặc dù các chương trình chính sách đã được đầu tư cho vùng miền núi của tỉnh trong những năm qua, nhưng hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Do vậy, để thực hiện được mục tiêu lâu dài, theo ông Đức, trước hết cần phải nâng cao năng lực cho đồng bào DTTS thông qua việc xây dựng và giáo dục chất lượng thật sự; khuyến khích người dân áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất gắn với phát triển các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó, chú trọng đến việc hỗ trợ và hoàn thiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện giúp đồng bào có cơ hội phát triển trên cơ sở thụ hưởng từ các chính sách dân tộc của Nhà nước. “Cùng với việc mở rộng đầu tư theo chính sách hỗ trợ đặc thù của Trung ương, các cấp ngành của tỉnh cũng cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng địa phương miền núi. Trong đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến gắn với quy hoạch bố trí dân cư, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông - lâm nghiệp, để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị tăng cao. Ngoài ra, tỉnh cũng nên có cơ chế đặc thù về chính sách lưu rừng, vừa từng bước nâng cao giá trị gỗ rừng, vừa giữ môi trường sinh thái rừng một cách bền vững” - ông Đức nói.
Tăng “cần câu”, giảm “xâu cá”
Lâu nay, chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS luôn được xem như “liều thuốc quý” giúp phát triển diện mạo, nâng cao chất lượng người dân ở nông thôn miền núi. Đã có nhiều hộ dân, nhất là đồng bào DTTS xây dựng được cuộc sống mới, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ sự hỗ trợ từ chính sách dân tộc của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những gương mặt điển hình đó, ở vùng miền núi của tỉnh vẫn còn không ít hộ dân thuộc diện đói nghèo, hoặc đã thoát nghèo nhưng lại tái nghèo, phải nhờ đến sự giúp sức của cộng đồng làng. Làm thế nào để đồng bào miền núi thật sự phát triển, thoát nghèo một cách bền vững? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đức cho rằng, nhất thiết phải tập trung công tác rà soát hộ nghèo ở miền núi theo đúng phương thức đa chiều, thực chất. Từ đó, để có cơ sở đánh giá mức độ “chuẩn nghèo”, hướng đến việc giải quyết công tác giảm nghèo đúng với từng hộ, từng vùng cho miền núi.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần mở rộng nghiên cứu đổi mới phương thức trong cách hỗ trợ cho vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS, tránh tình trạng “cho không” quá nhiều (tức hỗ trợ trực tiếp) khiến nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại trong người dân. Để giải quyết vấn đề trên, ông Đức cho rằng nên tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng giúp người dân phát triển sản xuất. Có như vậy người dân mới thực sự quan tâm và chủ động trong giảm nghèo, từ đó coi trọng công việc lao động sản xuất, cũng như giá trị sản phẩm làm ra. “Qua thực tế, đa số hộ đồng bào vùng cao thoát nghèo bền vững, ngoài nỗ lực bản thân còn nhờ sự giúp sức rất nhiều từ các chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng của chính quyền địa phương. Đây thực sự là cơ hội và hướng đi mới giúp miền núi giải quyết các vấn đề liên quan công tác giảm nghèo, xóa bỏ dần tâm lý trông chờ, ỷ lại và từng bước hoạch định phát triển theo mục tiêu lâu dài. Do vậy, nếu chúng ta làm tốt công tác tăng cường cho “cần câu”, giảm “xâu cá” thì cơ hội giảm nghèo cho miền núi không còn là bài toán khó” - ông Đức nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay, mục tiêu tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ 2 phấn đấu đến năm 2020 vùng dân tộc miền núi của tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 22%; nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm; lương thực bình quân đầu người đạt 300kg; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm và có điện thắp sáng; hơn 50% số xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới… Để thực hiện được mục tiêu, ngoài nâng cao nhận thức và năng lực cho đồng bào DTTS, các địa phương miền núi cần tiếp tục chủ động xây dựng chương trình kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả về công tác dân tộc và chính sách dân tộc theo các nghị định của Chính phủ, đáp ứng với kỳ vọng của người dân miền núi.
ALĂNG NGƯỚC