"Cuộc chiến" với sa tặc
Mặc dù UBND tỉnh ra nhiều văn bản siết chặt hoạt động khai thác cát sỏi trái phép nhưng lòng sông vẫn không ngừng bị đào xới.
Phương tiện khai thác hiện đại
Thị trường đang cần nguồn cát sỏi lớn phục vụ nhu cầu xây dựng nên nhiều năm nay bất kể ngày đêm sa tặc đều lén lút hoạt động trái phép ở các lòng sông. Trắng trợn hơn, vị trí khai thác đã lấn sát các công trình dân sinh, gần với điểm chốt chặn của lực lượng chức năng. Nhiều chủ phương tiện bị xử phạt hành chính năm lần bảy lượt nhưng vẫn hành nghề. Gần đây nhất vào thời điểm cuối năm 2015, sau một đêm mật phục, lực lượng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) đã vây bắt 8 tàu vỏ thép đang hút cát trái phép giữa lòng sông Thu Bồn (khu vực giáp ranh các xã Điện Phong và Điện Trung, thị xã Điện Bàn). Mỗi tàu vận chuyển 30 - 60m3 cát. Trước đó, đơn vị này phối hợp với các cơ quan liên quan bắt quả tang 15 tàu vỏ thép hút trộm cát tại khu vực chỉ cách Trạm chốt chặn kiểm soát, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của thị xã Điện Bàn vài trăm mét. Mỗi phương tiện thừa nhận khai thác 2 - 4 chuyến/ngày. Theo Đại tá Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh), lòng sông Thu Bồn vẫn rất “nóng” về nạn hút cát trộm. Vì mức xử phạt hành chính nhẹ nên chưa đủ sức răn đe đối tượng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo công an các địa phương nắm tình hình và xây dựng phương án truy quét, tuyên chiến với các trường hợp vi phạm về khai thác cát trên sông Vu Gia, Thu Bồn, cũng như việc vận chuyển đất, cát cho các công trình, nhất là công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Các phương tiện hút cát trộm bị tạm giữ dưới cầu Câu Lâu (Duy Xuyên). |
Theo Công an tỉnh, bên cạnh các ghe thuyền vỏ gỗ truyền thống, thời gian gần đây các đối tượng còn đưa cả tàu vỏ thép, với dụng cụ máy móc hút cát hiện đại vào tận thu cát trái phép ở lòng sông. Nguồn cát sau khi khai thác, tập kết về các bến bãi tiêu thụ cho công trình xây dựng lớn trên địa bàn tỉnh, hoặc bán cho các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng. Thời điểm cuối năm, Sở Tài nguyên - môi trường, Công an tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường chiến dịch truy quét kết hợp tuyên truyền các chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là xử lý nghiêm các hành vi hút cát lậu. Đến nay một số địa phương tiếp tục duy trì các tổ truy quét cơ động đặc biệt để kiểm tra đột xuất tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông.
Ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên - môi trường) nhìn nhận, với trữ lượng cát dồi dào, hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn lâu nay là “điểm nóng” hút cát trộm. Đáng nói, vị trí khai thác trái phép thường là những khu vực không đảm bảo điều kiện để quy hoạch thăm dò, khai thác như luồng tàu chạy, sát bờ sông, hành lang an toàn cầu, đất sản xuất của nhân dân, trữ lượng thấp hoặc khu vực giáp ranh giữa các địa phương và các vị trí này có thuận lợi là gần nơi tập kết, tiêu thụ. Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép đã gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, tác động xấu đến môi trường, gây bất bình trong nhân dân.
Thanh tra giao thông đường thủy xử lý một phương tiện hút cát trộm ở sông Thu Bồn qua xã Điện Phương (Điện Bàn). Ảnh: T.N |
Cầu vượt cung
Từ năm 2014 đến nay, hàng loạt công trình trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh cần nguồn cát xây dựng khổng lồ. Chưa kể có hơn 90% nguồn cung ứng vật liệu cát, sỏi cho ngành xây dựng TP.Đà Nẵng đều lấy từ địa bàn Quảng Nam. Các mỏ cát lớn của tỉnh tập trung chủ yếu ở lòng sông Vu Gia, Thu Bồn. Khi chính quyền tỉnh ra lệnh siết chặt công tác quản lý khoáng sản, nhiều điểm cung ứng vật liệu cát (chủ yếu mua trôi nổi trên thị trường) gần như đóng cửa. Đây là nguyên nhân làm gia tăng thêm tình trạng lén lút khai thác cát trái phép. Trên thực tế, các mỏ cát được cấp phép khai thác lại phân tán nhỏ lẻ, trữ lượng thấp nên khó đáp ứng được nhu cầu xây dựng. Phổ biến các mỏ được cấp phép có trữ lượng dưới 100 nghìn mét khối. Nghịch lý là, cơ quan quản lý nhà nước, ngành chức năng không đánh giá được khối lượng tiêu thụ, sản lượng khai thác, chủng loại cát xây dựng. Bởi lý do đơn giản, xen lẫn nguồn nguyên vật liệu được khai thác hợp pháp là tình trạng hút cát trộm lòng sông, suối chiếm khối lượng khá lớn, không thống kê được. Các nhà quản lý, quy hoạch đề ra lộ trình khai thác, sử dụng cát hiệu quả, nhưng thực chất chưa có con số chính xác về nguồn cát, sỏi từ các dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng và phục vụ dân sinh để dự báo nhu cầu tiêu thụ cát xây dựng cho từng năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các đầu nậu, đại lý cung ứng vật liệu xây dựng đều mua lại cát từ các tàu thuyền khai thác trái phép, chứ ít khi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thậm chí, một số dự án, công trình còn “chuộng” mua cát sỏi trôi nổi trên thị trường hơn những nơi có nguồn gốc hợp pháp vì giá rẻ, chi phí vận chuyển, đầu tư thấp hơn. Nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân lập thủ tục hồ sơ xin các điểm mỏ khai thác, nhằm phục vụ cho nhu cầu xây dựng tại địa phương, nhưng không được các cơ quan chức năng chấp thuận. Thậm chí có nơi còn “trắng” mỏ khai thác cát. Theo ông Bùi Văn Ba, nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác nguồn cát, sỏi và phần lớn trong số đó đã lập hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép thăm dò, khai thác theo quy định pháp luật. Vì đây là lĩnh vực nhạy cảm với môi trường, đồng thời là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên các khu vực cát, sỏi xem xét cấp giấy phép cũng được “sát hạch” kỹ càng.
Làm rõ trách nhiệm
Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 giấy phép khai thác cát, sỏi còn hiệu lực với tổng diện tích 133ha, trữ lượng 5,3 triệu mét khối. Trong khi đó, toàn tỉnh có tổng cộng 184 mỏ, điểm mỏ cát, sỏi được quy hoạch thăm dò, khai thác với tổng diện tích 1.777ha và trữ lượng dự kiến hơn 60 triệu mét khối. Về đề xuất cấp phép khai thác cát lòng sông, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý, các ngành và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xem xét kỹ mức độ ảnh hưởng của việc khai thác cát lòng sông đến tình trạng chuyển đổi dòng chảy, sạt lở, mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến các công trình khác. Về lâu dài, sẽ lập quy hoạch các bến bãi tập kết cát, sỏi. Nghiên cứu, khảo sát xây dựng khu vực tạm giữ phương tiện đường thủy để phục vụ công tác xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi. |
Thời gian qua, Sở Xây dựng đã rà soát, cân đối cung cầu nguồn cát, định hướng nguồn cát dự trữ cho tương lai khi nguồn cát thượng lưu đổ về đã bị các công trình thủy điện chặn lại. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, cái khó là công trường thi công nhiều, nhu cầu về vật liệu lớn, trong khi việc mở mỏ chưa thực hiện được, các phương tiện lưu thông trên hệ thống đường thủy qua địa bàn chưa kiểm soát chặt chẽ.
Để quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản hiệu quả, theo Sở Tài nguyên - môi trường, các ngành và chính quyền các địa phương phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác chỉ đạo quản lý khoáng sản. Nơi nào để tình trạng khai thác, tập kết trái phép cát, sỏi phức tạp kéo dài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và công an địa phương phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương có chung khu vực trên sông và cửa biển trong quản lý khai thác, vận chuyển và sử dụng cát, sỏi; tăng cường công tác truy quét hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trái phép. Yêu cầu các chủ bãi có đầy đủ giấy tờ pháp lý cam kết không tiếp nhận cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp, nếu vi phạm buộc đóng cửa bến bãi.
TRẦN NGUYỄN