Giải bài toán giảm nghèo cho miền núi - Bài 1: Xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại

ALĂNG NGƯỚC 05/01/2016 10:14

Để cơ hội giảm nghèo thực sự là hướng đi mới giúp miền núi giải được “bài toán khó” còn tồn tại, trước hết cần phải xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Nặng tâm lý trông chờ

Không thể phủ nhận những hiệu quả bước đầu mang lại từ các chủ trương, chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS trong những năm qua. Đây được xem là “liều thuốc quý”, góp phần làm thay đổi diện mạo ở các huyện miền núi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Song, mặc dù không phổ biến nhưng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ vẫn còn xảy ra ở một bộ phận người dân vùng cao trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, công tác giảm nghèo gặp khó khăn và để lại nhiều hệ lụy. Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ở một bộ phận người dân miền núi, tâm lý trông chờ, ỷ lại vẫn còn nặng trong suy nghĩ, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo. Do vậy, để mở hướng giúp đồng bào miền núi thoát nghèo bền vững, ngăn tình trạng tái nghèo, theo bà Thủy, cần phải xóa bỏ tư tưởng này và mở rộng cơ chế khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng hộ dân. Trong đó, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững ở các địa phương miền núi, cùng cơ chế hỗ trợ cho các hộ đăng ký thoát nghèo theo tinh thần Nghị quyết 119/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ tạo chuyển biến trong công tác giảm nghèo. Trong ảnh: Đồng bào vùng cao làm ruộng lúa nước.
Xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ tạo chuyển biến trong công tác giảm nghèo. Trong ảnh: Đồng bào vùng cao làm ruộng lúa nước.

Do địa hình cách trở, dân trí còn nhiều hạn chế, cũng như chưa có các mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững… khiến đời sống người dân ở Nam Trà My vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cũng như nhiều địa phương khác có đông đồng bào DTTS sinh sống, tình trạng một bộ phận người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn còn xảy ra. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, qua rà soát, địa phương phân chia tình trạng hộ nghèo theo 3 nhóm cụ thể, đó là nghèo do thiếu vốn, phương tiện sản xuất hoặc không có lao động; nghèo do chây ì, lười lao động, trông chờ, ỷ lại và nhóm không nằm trong diện nghèo nhưng lại có danh sách hộ nghèo để hưởng chế độ chính sách. Để từng bước tháo gỡ tình trạng trên, nâng cao nhận thức người dân, địa phương đang nỗ lực triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó đẩy mạnh chủ trương phân công cán bộ cơ sở kèm giúp các hộ dân thoát nghèo. Hiệu quả bước đầu từ chủ trương này đã dần làm thay đổi nhận thức của đồng bào, hướng đến xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước, khuyến khích người dân đăng ký thoát nghèo bền vững.

Tại nhiều cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các huyện miền núi, câu chuyện giảm nghèo lâu nay vẫn luôn được nhắc đến với bao điều trăn trở. Bởi không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, miền núi đang có thêm trở lực do tâm lý trông chờ, ỷ lại ở một bộ phận đồng bào DTTS chưa thể xóa bỏ.

Khuyến khích giảm nghèo bền vững

Nghị quyết 119/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước chuyển tích cực về nhận thức của người dân miền núi, khuyến khích đồng bào tự nguyện trong việc đăng ký thoát nghèo bền vững. Tại các huyện miền núi, chủ trương của nghị quyết này đang trở thành động lực giúp địa phương tìm hướng đi mới trong công tác giảm nghèo, từng bước xóa bỏ dần tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước ở một bộ phận đồng bào DTTS. Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có hơn 5.260 hộ dân đăng ký thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 119/2014/NQ-HĐND. Trong số đó, có không ít hộ là đồng bào DTTS ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, đã tác động đến nhận thức của đồng bào, tạo cơ hội đẩy lùi tâm lý trông chờ, ỷ lại, từ đó giúp giải được dần bài toán khó về công tác giảm nghèo.

Chỉ đến khi nào đồng bào tự thoát khỏi tâm lý trông chờ, ỷ lại và coi nguồn vốn chính sách hỗ trợ của Nhà nước là động lực để vươn lên thoát nghèo bền vững thì kinh tế - xã hội ở vùng cao mới thật sự phát triển.
Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh

Nhiều năm trước, gia đình ông Hồ Văn Nghĩa (dân tộc Mơ Nông, trú thôn 1, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) là một trong số hộ dân thuộc diện đói nghèo của xã. Không cam chịu với số phận, năm 2010 vợ chồng ông Nghĩa bàn nhau tìm hướng thoát nghèo trên chính mảnh đất nông nghiệp canh tác của gia đình. Được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, ông Nghĩa mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để mua bò và phát triển trồng cây keo, kết hợp cùng cây cao su. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 2ha cây cao su, 10ha keo và hàng chục con bò, thu về mỗi năm hơn 100 triệu đồng. “Bây giờ cuộc sống đã có nhiều thay đổi, không chỉ gia đình tôi mà nhiều người dân vùng cao Sông Trà không còn quanh năm bận rộn với nương rẫy nữa. Công việc trồng keo, trồng cao su kết hợp với chăn nuôi gia súc đang giúp người dân nơi đây thoát nghèo” - ông Nghĩa tâm sự. Hay như gia đình ông Bh’ling Hiêr (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Arớt, xã A Nông, Tây Giang), từ hộ nghèo nhất vùng, nhờ biết cách làm mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi, nay có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, trở thành điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tây Giang.

Nghị quyết 119/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đưa ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm đạt tối thiểu 2.500 hộ nghèo/12.500 nhân khẩu nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo và không tái nghèo tối thiểu 3 năm liên tiếp kể từ thời điểm được công nhận thoát nghèo. Trong đó, đến cuối năm 2015 phấn đấu toàn tỉnh có 80 thôn có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên đạt tiêu chuẩn và mức giảm nghèo theo quy định; giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 9%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 5%; tăng cường cơ sở hạ tầng về sản xuất và dân sinh cho các thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao đạt tiêu chuẩn và mức giảm nghèo theo quy định thông qua việc thưởng công trình để góp phần đạt tiêu chí nông thôn mới.

Ông Bh’ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, qua các đợt rà soát, đến nay chính quyền địa phương đã công nhận và tổ chức tuyên dương gần 160 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững theo chủ trương của tỉnh. Qua đó, đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ trên với mức 5 triệu đồng/hộ, nhằm kịp thời động viên, khuyến khích và tạo chuyển biến về nhận thức đối với người dân. Nhờ vậy, đã rút ngắn tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương theo từng năm, đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn hơn 39%. Còn ông Brôl Trường - Chủ tịch UBND xã Đắc Pre (huyện Nam Giang) chia sẻ, trước đây người dân địa phương thường có tâm lý “thích nghèo” để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng kể từ khi Nghị quyết 119/2014/NQ-HĐND được triển khai, đã khuyến khích nhiều hộ dân mạnh dạn đăng ký thoát nghèo bền vững, từng bước xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, tự tìm hướng thoát nghèo. “Cùng với các chính sách giảm nghèo của Chính phủ, Nghị quyết 119 ra đời đã góp phần khuyến khích hỗ trợ, giúp nâng cao nhận thức cho đồng bào miền núi, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thoát nghèo bền vững. Từ chủ trương trên, năm 2015 xã Đắc Pre đã có 22 hộ tham gia đăng ký thoát nghèo và được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn tín dụng chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình” - ông Trường nói.

ALĂNG NGƯỚC

Bài 2: Hoạch định phát triển vùng

ALĂNG NGƯỚC