Rút ruột tài nguyên bằng "vỏ bọc" dự án
Một số dự án trên địa bàn huyện Tây Giang dưới danh nghĩa được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động đã vô tư tận thu khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
Khi những quy định cấp giấy phép cho hoạt động khai thác vàng sa khoáng bị siết chặt, gần đây xuất hiện tình trạng ngụy tạo dự án với danh nghĩa cải thiện an sinh xã hội, phát triển kinh tế, nhưng thực chất là lợi dụng vơ vét tài nguyên lòng đất. Điển hình, năm 2014, tại xã A Tiêng (Tây Giang) có dự án “Chỉnh dòng và san lấp mặt bằng xây dựng trang trại nuôi heo siêu nạc”. Thế nhưng, sau một thời gian dài các đối tượng âm thầm khai thác khoáng sản vàng tại khu vực này thì đến nay vẫn không hề thấy trang trại nào xây dựng.
Khu vực khai thác vàng sa khoáng dưới “vỏ bọc” dự án tại huyện Tây Giang. |
Năm 2015 tại xã Lăng tiếp tục xuất hiện dự án mang tên “Khai hoang, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng sản”. Dòng sông A Vương (qua thôn Aró, xã Lăng) đang trong xanh bỗng dưng bị đỏ ngầu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào vùng cao. Đây là hệ lụy của quá trình rút ruột tài nguyên vàng không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ môi trường. Từ khi được UBND tỉnh cho phép triển khai dự án “Khai hoang, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng sản”, Công ty TNHH Đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam đã biến những diện tích, tọa độ ghi trong giấy phép thành công trường khai thác vàng ngổn ngang. Theo người dân địa phương, có thời điểm công ty này đưa hơn 10 xe múc “tăng ca” cày nát cả núi đồi khiến một lượng đất đá đổ xuống sông, gây hiện tượng chặn dòng. Sau khi tuyển lọc vàng, nước, bùn đất đỏ theo dòng sông A Vương chảy về hạ du. Đồng bào Cơ Tu lâu nay vốn vẫn thường ra sông đánh bắt tôm cá, tắm giặt, nhưng giờ cuộc sống sinh hoạt bị xáo trộn từ ngày con sông bị ô nhiễm, ngăn dòng. Bà Cơ Lâu Thị Giáp - Trưởng thôn Jơ Da (xã Lăng) lo lắng: “Mấy tháng gần đây, không ai dám ra sông tắm giặt chứ đừng nói là bắt cá. Nước sông đỏ ngầu, bùn non quánh lại. Không biết công ty múc đất lấy vàng xong người dân còn đất sản xuất không?”. Đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tây Giang khẳng định, đơn vị thi công chưa thực hiện nghiêm túc về việc đào hố, tạo rãnh mương, bể chứa nước thải. Thêm nữa, họ đào đất lấp luôn mốc giới nên khi xác định lại mốc rất khó. Công ty TNHH Đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam và đối tác không thực hiện đúng quyết định của UBND tỉnh. “Khi đề nghị họ dừng và không khai thác ngoài vị trí của dự án thì họ lại phớt lờ” - ông Zơ Râm Buôn, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tây Giang cho biết thêm.
Bình đồ quy hoạch dự án “Chỉnh dòng và san lấp mặt bằng xây dựng trang trại nuôi heo siêu nạc” tại xã A Tiêng, hiện nay đã bị gỡ bỏ vì dự án không còn triển khai. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 4.2015, UBND huyện Tây Giang đã lập phương án khai hoang, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng sản tại thôn Aró (xã Lăng). Đến ngày 18.9.2015, UBND tỉnh phê duyệt cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam thực hiện dự án trên. Địa điểm thực hiện là khu vực đất ở và vườn nhà của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở thôn Aró cũ. Tổng diện tích đất cho dự án gần 16ha. Tổng khối lượng vàng sa khoáng công ty được phép khai thác hơn 30kg, thời gian khai thác 14 tháng. |
Để thuyết phục cơ quan chức năng cấp phép, phương án đưa ra với mục tiêu là khai thác triệt để diện tích hoang hóa tại khu vực mặt bằng dân cư thôn Aró cũ để bố trí đất sản xuất, nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của nhân dân về đất sản xuất, đặc biệt là đất sản xuất lúa nước. Cách triển khai là hạ thấp độ cao và san lấp để tạo các thửa ruộng bậc thang, kết nối với hệ thống thủy lợi A Ró, chủ động tưới tiêu, không bị ngập úng trong quá trình sản xuất. Có lẽ với cách “thuyết trình” quá hoàn hảo trên mà các ngành chức năng của huyện, tỉnh chấp thuận. Theo quyết định của UBND tỉnh, trong quá trình khai thác, công ty phải thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy sông, bờ sông, đất đai, cây cối, hoa màu, công trình của các tổ chức, cá nhân khác nằm lân cận khu vực khai thác. Tuy nhiên, sự thật thì núi đồi, lòng sông bây giờ bị tàn phá; môi trường bị ô nhiễm nặng. Cần nói thêm rằng, giữa năm 2014, dự án “Chỉnh dòng và san lấp mặt bằng xây dựng trang trại nuôi heo siêu nạc” cũng đã được “vẽ” ra tại xã A Tiêng. Bản quy hoạch dự án được treo cố định, do Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang làm chủ đầu tư. Thế nhưng, khi làm việc với phóng viên, đại diện đơn vị này tỏ ra khá bất ngờ trước dự án trên và cho rằng không thể có dự án quá nghịch lý như vậy. Và thực tế đến nay vẫn chưa thấy trang trại heo động thổ, trong khi tài nguyên nơi đây bị khai thác vô tội vạ.
TRẦN HỮU