Xu hướng kinh tế thế giới 2016
Tạp chí kinh doanh toàn cầu Fortune vừa dự báo 5 xu hướng chính ảnh hưởng đến kinh tế thế giới năm 2016.
Sự thăng trầm của nền kinh tế số một thế giới - Mỹ, là yếu tố tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu. Năm 2016, kinh tế Mỹ tiếp tục khởi sắc, tăng trưởng ấn tượng so với nhiều nền kinh tế phát triển khác, là cơ hội cho các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc tiếp tục chậm lại vào năm nay, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt mức 6,9% và được dự báo hạ xuống 6,8% vào năm 2016. Khi đó, các nền kinh tế lớn của thế giới như Đức, Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Và, Trung Quốc nhận thấy cần chuyển đổi mô hình kinh tế từ đầu tư và xuất khẩu sang chi tiêu, tiêu dùng.
Ấn Độ đang sở hữu một nguồn lao động trẻ dồi dào. (ảnh: shutterstock) |
Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc vào năm 2016 sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu vào đây. Những năm trước, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, kết quả là tăng trưởng nóng vượt qua hai con số. Song, chính điều đó khiến Trung Quốc gia tăng các khoản nợ của cả chính phủ lẫn tư nhân. Một trong những tổn thương có thể thấy rõ nhất hiện nay là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia đông dân nhất thế giới khoảng 1,5 nghìn tỷ USD. Do đó, khi kinh tế giảm tốc, lợi nhuận từ đầu tư chắc chắn sẽ sụt giảm, nền kinh tế thế giới sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng.
Kinh tế Trung Quốc kết thúc tăng trưởng nóng, nhu cầu tiêu thụ chững lại là một trong những nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa như giá lương thực giảm mạnh, như từng diễn ra vào năm 2015. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, lượng cung trên thế giới tăng mạnh, như sản lượng năng lượng vượt cầu khiến giá dầu thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2008. Trong khi nhiều nhà sản xuất và xuất khẩu dầu gặp khó khăn tài chính từ doanh thu dầu mỏ, người tiêu dùng hay các quốc gia nhập khẩu dầu gặp nhiều thuận lợi hơn trong mua sắm hay kinh doanh. Hãng tin Bloomberg thống kê, chỉ số giá hàng hóa trên thế giới giảm 26% vào năm 2015.
Dù đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất khi nợ công diễn ra trầm trọng, nỗi lo về khủng hoảng ở châu Âu vẫn hiện hữu. Các con số thống kê khiến không ít người quan ngại, đó là tỷ lệ thất nghiệp bình quân tại khu vực đang ở mức cao (10,7%). Trong đó nghiêm trọng nhất phải kể đến tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn thứ 5 của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) - Tây Ban Nha, với hơn 21%. Ngoài ra, sự phát triển khá chênh lệch giữa các nước thành viên trong khu vực cũng phủ bóng khủng hoảng lên châu Âu. Vì thế mới có chuyện các nước thành viên như Hy Lạp và Anh đã nghĩ đến việc tách ra khỏi Liên minh châu Âu.
Năm 2016 sẽ chứng kiến sự lên ngôi của nền kinh tế Ấn Độ, dự kiến còn vượt mặt Trung Quốc về lực lượng lao động trẻ và dồi dào để đem lại luồng gió mới cho kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế, kinh tế Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng 7,3% năm 2016 và tăng lên 7,6 - 7,8% trong các năm tiếp theo, trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ nắm bắt cơ hội nhằm đẩy mạnh các chính sách đầu tư thân thiện, thu hút dòng tiền “khủng” từ nước ngoài.
NAM VIỆT