Du lịch Cù Lao Chàm 2015: Sức ép từ khách tham quan
Năm 2015 dù đã có nhiều chuyển biến trong quản lý và đầu tư hạ tầng nhưng bức tranh du lịch Cù Lao Chàm (Hội An) vẫn còn nhiều bất cập. Sức ép từ lượng khách tham quan tăng cao đã gây tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của hòn đảo này nếu không có những giải pháp phù hợp.
Khách đến Cù Lao Chàm tăng cao đã gây nhiều áp lực cho đảo. Ảnh: V.LỘC |
Một cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải, du lịch tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm với các bên liên quan vừa được Phòng Thương mại và du lịch Hội An tổ chức đã phản ánh rõ nét hơn thực trạng du lịch Cù Lao Chàm trong năm qua. Từ cuộc gặp gỡ này, những giải pháp cũng đã được đề cập nhằm quy hoạch, xây dựng sản phẩm dịch vụ hướng đến khắc phục những hạn chế tồn tại của du lịch Cù Lao Chàm trong thời gian đến.
Khách tăng lại lo
Năm 2015 dù thành phố áp dụng chính sách cấm quay đầu và khống chế lượng khách ra đảo nhưng vẫn chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về số lượng khách với hơn 400 nghìn lượt đăng ký tham quan lưu trú tại Cù Lao Chàm, tăng gần 72% so với năm 2014. Đặc biệt, lần đầu tiên khách quốc tế tham quan đảo tăng kỷ lục, chạm mốc gần 74 nghìn lượt, tổng doanh thu ước đạt 176 tỷ đồng (doanh nghiệp 80 tỷ đồng, cộng đồng 80 tỷ đồng, phí tham quan và dịch vụ khoảng 16 tỷ đồng). Nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ, hạ tầng mới đã được đầu tư đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách như chương trình Đêm Cù Lao; hoàn thiện điểm dừng chân, hệ thống nhà vệ sinh, cung ứng nước ngọt; quản lý tàu thuyền hoạt động; xây dựng các điểm tiếp nhận khách… Ông Trần Hưng - Chủ tịch Ban vận động Hiệp hội du lịch Cù Lao Chàm nhìn nhận, dù chưa phải tuyệt đối nhưng những kết quả hoạt động du lịch Cù Lao Chàm 2015 là khá thành công. Lượng khách tăng cao đã giúp mang lại sự bình ổn trong kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo tăng trưởng kinh tế cho cộng đồng cư dân trên đảo thông qua các hoạt động ăn uống lưu trú, mua sắm… “Đến giờ phút này có thể nói Cù Lao Chàm đã thật sự trở thành một địa chỉ du lịch trọng điểm của Hội An đối với du khách khi đến Quảng Nam và miền Trung” - ông Hưng khẳng định.
Không phủ nhận du lịch đã mang đến thu nhập và những thay đổi tích cực cho doanh nghiệp và một bộ phận cư dân trên đảo thông qua việc cung cấp các dịch vụ. Tuy vậy, khách gia tăng đột biến cũng mang đến nhiều hệ lụy; áp lực về môi trường, nước ngọt; phá vỡ hệ sinh thái; nạn cò mồi, chèo kéo phát sinh gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch Cù Lao Chàm. Cùng với đó, mối quan hệ bất đồng giữa các doanh nghiệp vẫn thường xuyên diễn ra do phá giá, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến hiệu quả doanh thu chưa tương xứng với tốc độ gia tăng khách. “Khách tăng cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cho doanh nghiệp không mấy khả quan, nhiều doanh nghiệp không có thặng dư tích lũy để trả lương mùa đông và tái đầu tư nâng cấp. Nguyên nhân vì không giữ được giá cả, các doanh nghiệp đua nhau cạnh tranh, nhất là từ khi giá hiệp thương của thành phố không còn hiệu lực, hiệp thương giá mới bất thành khiến cho giá đầu ra sát gần với giá đầu vào. Mặc dầu đã có rất nhiều phiên họp nội bộ nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, dẫn đến hậu quả thu nhập thấp kém như hiện nay” - ông Hưng nói.
Hướng đến đối tượng khách cao cấp
Việc khách gia tăng đột biến khiến cho công tác quản lý nhà nước chưa thể theo kịp đã làm phát sinh những bức xúc từ phía doanh nghiệp. Tại buổi gặp mặt, không ít doanh nghiệp du lịch bày tỏ sự không hài lòng về dịch vụ và cách thức quản lý của các cơ quan nhà nước, từ thu phí, tính thuế, quy hoạch không gian lặn biển đến những dịch vụ cung ứng vệ sinh, cứu hộ… Ông Dương Văn Chiến - Giám đốc Công ty CP Du lịch Cù Lao Xanh phản ánh, mặc dù các doanh nghiệp đã có ý kiến đề nghị nhưng đến nay vẫn chưa được Ban quản lý Bảo tồn biển quan tâm đầu tư đúng mức, những điểm sinh hoạt lặn ngắm san hô không đủ số lượng bù cột phương tiện, gây thiếu an toàn trong phục vụ khách ngắm san hô. Dù vậy, nếu phương tiện nào thả neo sẽ bị xử phạt rất nặng, đây là điều không công bằng. Ngoài ra, việc thiếu các đội bảo vệ và cứu hộ khách tại những điểm ngắm san hô, bãi tắm, phó mặc cho doanh nghiệp tự lo dẫn đến tình trạng lúng túng khi có tai nạn xảy ra với khách. Việc bố trí nhân sự quản lý các cơ sở vệ sinh chưa đầy đủ, thái độ phục vụ chưa tốt, chỉ lo tập trung buôn bán, khiến khách phàn nàn. “Trong khi tình hình kinh tế rất khó khăn nhưng doanh nghiệp đã đồng tình thực hiện tốt các chủ trương của thành phố, tham gia vận động du khách mua vé tham quan, trả tiền phí dịch vụ đầy đủ nhưng nhận lại sự phục vụ rất hạn chế, đây là nỗi buồn của doanh nghiệp” - ông Chiến bày tỏ.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho biết, trong vài năm gần đây thành phố đã tập trung nhiều nguồn lực cho đầu tư, phát triển du lịch Cù Lao Chàm như đưa vào khai thác 4 điểm dừng chân trên đảo; tổ chức di dời, bố trí lại hoạt động kinh doanh nhà hàng tại Bãi Ông; mở rộng không gian bãi biển, cải thiện công tác cung cấp nước ngọt, vệ sinh môi trường… Nhưng do lượng khách gia tăng quá nhanh đã gây áp lực lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng điểm đến. Để đưa du lịch Cù Lao Chàm phát triển đúng hướng và bền vững, trong năm 2016 bên cạnh việc tăng cường quản lý các hoạt động du lịch như khống chế số lượng phương tiện tàu, thuyền ra thêm, cấm quay đầu…, thành phố cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện cơ sở vật chất, phát triển dịch vụ như tour xe jeep, xe máy quanh đảo, tour ngắm hoa ngô đồng nở, đi bộ dưới đáy biển… Đặc biệt, sẽ tiếp tục xây dựng các điểm dừng chân mới tại âu thuyền, bãi Bìm và phía đông đảo. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống nhà vệ sinh cộng đồng; xem xét lại hệ thống thu gom nước thải nhà hàng; lập quy hoạch mạng lưới tàu thuyền, phương tiện khai thác phục vụ khách... “Hiện nay khách đã tăng cao quá sức chịu đựng khi mỗi người dân trên đảo phải “lo” cho khoảng 120 khách nên áp lực về vệ sinh, môi trường, nước ngọt là rất cấp bách. Tuy vậy, trước mắt cũng rất khó hạn chế được khách ra đảo, về lâu dài chỉ có thể nâng cao dịch vụ, cải tiến giá cả hướng đến đối tượng khách cao cấp” - bà Thủy nói.
THÂN VĨNH LỘC