Nhân sự Đại hội XII: "Đảng đã làm những bước rất thận trọng"
(QNO) - Dịp đầu năm mới 2016, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Xanh - Khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội về sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng trong năm 2016 - Đại hội lần thứ XII của Đảng. Theo GS Hoàng Chí Bảo công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XII, Đảng ta đã làm những bước rất thận trọng: Một là thăm dò; Hai là ghi phiếu tín nhiệm. Báo Quảng Nam điện tử trân trọng giới thiệu bạn đọc về nội dung cuộc trao đổi này.
PV: Hội nghị Trung ương 13 vừa qua đã nhất trí về Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI với tiêu đề: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Các vị khách mời bình luận gì về tiêu đề này?
GS Hoàng Chí Bảo: Điều vừa trích dẫn là toàn văn chủ đề của đại hội. Đây là vấn đề quan trọng đầu tiên để ta xem xét, đánh giá về nội dung, giá trị, ý nghĩa của văn kiện lần này. Trên thực tế, ban chỉ đạo soạn thảo văn kiện do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã hoạt động từ nhiều năm nay.
Khi văn kiện đã hoàn thành qua mấy lần Trung ương thảo luận thì đã công bố rộng rãi cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thảo luận, kể cả ý kiến của đồng bào ta ở nước ngoài. Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến đóng góp rất tâm huyết đó, vừa rồi, Ban chỉ đạo đã tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện thêm. Hội nghị 13 vừa rồi chính thức thông qua toàn văn văn kiện, trong đó có chủ đề này.
Theo tôi nhận định, chủ đề lần này có nhiều điểm mới. Thứ nhất, trước đây, ta nêu “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” lên hàng đầu thì giờ Đảng ta nhấn mạnh vế “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, gắn liền với chỉnh đốn. Đó là điều tiên quyết vì có trong sạch với vững mạnh. Mà có trong sạch vững mạnh thì mới nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.
Đặt vấn đề như vậy rất nghiêm túc và sát với tình hình thực tế trong Đảng ta hiện nay, nhất là qua thực hiện Nghị quyết 4 tháng 11 vừa rồi về vấn đề chỉnh đốn Đảng.
Một vấn đề nội dung mới nữa là chúng ta nhấn mạnh đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc là tổng hợp các nguồn lực, trong đó có vấn đề đại đoàn kết, đó là yếu tố nội sinh.
Có lẽ đây là lần đầu tiên mà văn kiện Đảng đưa ra trình đại hội toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng một thông điệp là giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và coi phát huy lòng yêu nước, phát triển đất nước là lợi ích cốt lõi của quốc gia, để cuối cùng mới tạo ra được điều kiện thực tế để đưa nước ta sớm thành nước công nghiệp hiện đại.
Ở đây có sự sửa chữa rất tế nhị. Chúng ta cũng nói rõ là 2020 như khóa XI nói, cho thấy mục tiêu này là không thực hiện được, cho nên phải thay một từ “sớm”, có tính chất mềm dẻo, cơ động và bám sát thực tiễn hơn. Đồng thời cũng gây áp lực, sớm đến bao giờ chứ không phải sự vô định.
Quyết tâm của Đảng ta là 1-2 thập kỷ nữa, thậm chí nửa thế kỷ này phải giải quyết được mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa. Sớm không có nghĩa là kéo dài vô hạn, chỉ khắc phục được điểm không cố định, cứng nhắc vào một thời điểm mà chúng ta không có khả năng giải quyết.
Riêng chủ đề này đã bao hàm bao nhiêu ý tứ mới rồi. Đó là thông điệp phát triển, tuyên bố chính trị của Đảng với nhân dân và bạn bè quốc tế về sự phát triển của Việt Nam trong 5 năm tới của khóa 12 là như thế nào. Tôi cho rằng, chủ đề đó thoát lên tư tưởng cơ bản, chủ đạo vào bao quát ý nghĩa phát triển mà thể hiện trong 15 vấn đề lớn của báo cáo chính trị cũng như những vấn đề đặt ra trong báo cáo kiểm điểm 5 năm về kinh tế xã hội của đảng. Đó là 2 văn kiện then chốt nhất mà chủ đề này phát ra tinh thần đó.
PGS Phạm Xanh: Tôi muốn bổ sung thêm 2 ý. Một là xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Cho đến giờ, Đảng ta nhiều về số lượng, 4,5 triệu đảng viên. Như vậy, có thể nói rằng, gấp rất nhiều lần đảng viên thời Cách mạng Tháng 8. Thời đó, chúng ta chỉ có 5.000 đảng viên, phần lớn lại đang nằm trong lao tù của thực dân Pháp nhưng đã lãnh đạo được dân tộc này làm cuộc tổng khởi nghĩa và giành được chính quyền về tay mình. Tôi cho rằng, chất lượng của những đảng viên 1945 cao hơn nhiều chất lượng của năm 2015.
.
Như các văn kiện của Đảng đã chỉ ra, những người tham nhũng là những người có quyền lực, mà có quyền lực lớn phần lớn lại có trong tay những đảng viên nên Đảng ta mất uy tín bởi có những phần tử sâu mọt nằm trong Đảng, đục khoét, làm rỗng đất nước này. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường làm trong sạch Đảng, đó là thông điệp đầu tiên mà Đại hội Đảng lần thứ XII này muốn chuyển đến cho toàn bộ dân tộc và kêu gọi toàn bộ dân tộc, những người có trách nhiệm với đất nước, cùng với Đảng làm trong sạch Đảng.
Trong vấn đề lý luận, có những khái niệm mâu thuẫn nhau, không hợp thời. Ví dụ như khái niệm đại đoàn kết dân tộc mâu thuẫn với dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bởi vì lần đầu tiên trong văn kiện, chúng ta đưa ra khái niệm dân chủ xã hội chủ nghĩa, hướng tới một nước XHCN. Có XHCN thực sự thì mới làm đc dân chủ XHCN.
Chúng ta đang ở trong thời kỳ quá độ, thời kỳ này cần sử dụng những khái niệm khác để củng cố khối đoàn kết của dân tộc không bị chia rẽ. Có những khái niệm trăm năm nữa mới thích hợp nhưng ở thời điểm này chưa thích hợp.
Vì vậy, rút kinh nghiệm với các nhà soạn thảo các văn bản phải rà soát lại những khái niệm, những khái niệm đó không được mâu thuẫn, không được làm hại nhau. Làm thế nào để dân có thể chấp nhận được? Tôi cho rằng, trong một số khái niệm nó bị khập khễnh chứ không phải tất cả.
Khát vọng đưa đất nước chúng ta trở thành đất nước công nghiệp hiện đại là một khát vọng xuyên thế kỷ. Xuất phát điểm của nước ta rất thấp, là một nước công nghiệp lạc hậu, tâm lý tiểu nông.
Đảng chỉ ra 4 rào cản, rào cản thứ 5 thì chưa được nhận thức, đó chính là tâm lý nông dân. Nếu không khắc phục được tâm lý này thì không thể nào xây dựng được đất nước công nghiệp hóa vì nó sẽ phá rất nhiều. Đó luôn là “căn bệnh” trong ý thức của con người Việt Nam chúng ta hàng trăm, hàng nghìn năm nay rồi. Chứng bệnh đó ngăn cản những việc làm có thể nói là tốt đẹp như công nghiệp hóa.
PV:Còn gần 20 ngày nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra, công tác nhân sự đang được dư luận hết sức quan tâm. Qua theo dõi việc tổ chức đại hội ở các cấp và các hội nghị Trung ương, các vị khách mời nhận định ra sao về công tác chuẩn bị nội dung, nhân sự của Đại hội lần này?
PGS.TS Phạm Xanh: Tôi kỳ vọng vào sự chuẩn bị của Đảng ở Đại hội lần này. Rút kinh nghiệm của các lần đại hội trước và của các hội nghị, chúng ta làm có thể nói là không chặt chẽ nên rất nhiều người không trong sạch, phẩm chất đạo đức đã đi xuống vẫn có thể vào trong Đảng, vẫn có thể vào ngồi trong BCH Trung ương. Cái đó trở thành những suy nghĩ, ám ảnh đối với người dân khi Đại hội XII sắp họp.
Tôi cũng theo dõi khá chặt chẽ hội nghị từ dưới trở lên và có sự chuẩn bị đội ngũ một cách hết sức cẩn thận, cùng với đó các BCH ở các tỉnh, đảng bộ cũng tổ chức để bồi dưỡng, đào tạo những người có thể vào được những ghế lãnh đạo. Tôi cho rằng, lần này chúng ta đã chuẩn bị hết sức chu đáo trong việc lựa chọn những người vào những ghế quan trọng ở trong cấp bộ đảng.
.
Trong hội nghị Trung ương 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đề xuất một ý mà tôi cho rằng cực kỳ thú vị là các đại biểu viết bằng tay đề cử những người vào BCH Trung ương hoặc vào 4 chức vụ cao nhất, chủ chốt trong Đảng. Tôi cho rằng đó là sự chuẩn bị đầy trách nhiệm khi chọn người vào ghế lãnh đạo. Tôi hy vọng, với sự chuẩn bị một cách chu đáo, chúng ta sẽ có được một lớp người lãnh đạo, trẻ trung, đầy sáng tạo và đưa đất nước đi lên từng bước một.
GS Hoàng Chí Bảo: Tôi đồng ý với PGS.TS Phạm Xanh. Tôi xin bổ sung ý này, để chuẩn bị nhân sự cấp cao lần này, BCH Trung ương khóa XI do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo, chúng ta mở rất nhiều lớp đào cán bộ nguồn của Trung ương và đào tạo cho cả các địa phương, Tỉnh ủy, Thành ủy.
Để chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ mới, TW mở tới 6 lớp đào tạo lý luận đặc biệt. Tất cả ứng viên vào TW khóa XII bắt buộc phải qua những lớp đó. Đó là những điều kiện về mặt nhận thức lý luận vì tình hình phát triển đất nước bây giờ đòi hỏi phải có trí tuệ, anh phải thực sự là tinh hoa trong đảng và trong dân mới giải quyết được những vấn đề phát triển đất nước hệ trọng như thế này. Chuẩn bị này rất hệ trọng, nghiêm túc.
Ngay trong BCH Trung ương cũng thực hiện một chương trình học tập, nghiên cứu lý luận từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghe những chuyên đề lý luận mới, cập nhập những kiến thức mới gọi là tầm nhìn tư duy chiến lược.
Chuẩn bị thứ 2 như PGS.TS Phạm Xanh nói là những hội nghị TW gần đây, mà gần nhất là hội nghị lần thứ 13 đã bàn thảo rất kỹ lưỡng về quy chế bầu cử. Vì đại hội lần này đông đến hơn 1.500 đại biểu nên quy chế bầu cử trong Đảng phải rất khoa học và chặt chẽ thì ra đại hội mới thực hiện được những điều tốt lành mong muốn mà chúng ta đã dự định về nhân sự.
Hai nữa là chúng ta đã phát huy tinh thần dân chủ ngay trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của đảng, để xem xét tiêu chuẩn về tài năng, đức độ, phẩm chất chính trị. Chúng ta nhớ là hội nghị Trung ương 11 đã đưa ra một tuyên bố, quyết tâm chính trị lớn được lòng dân, làng đảng là “lần này quyết không để những kẻ lắm tiền, nhiều của, giàu có bất minh, bất chính lọt vào được TW”. Nhưng điều quan trọng là cơ chế nào, biện pháp nào và những đảm bảo an toàn như thế nào về phương diện con người để thực hiện được điều tốt đẹp đó?
Cuối cùng, chúng ta cơ cấu tới 200 đồng chí trong TW gồm 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết, làm thế nào để chọn những người đủ phẩm chất năng lực, đủ uy tín để đảm nhận trọng trách đó. Rồi lại kết tinh vào 4 chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước là: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội thì lần này, Đảng ta đã làm những bước rất thận trọng: Một là thăm dò; Hai là ghi phiếu tín nhiệm.
Bộ phận tiểu ban nhân sự phải tổng hợp lại để trình cơ quan thẩm quyền cao nhất để cuối cùng thông qua một lần nữa tại hội nghị TW 14 trước khi bước vào đại hội. Tôi cũng như PGS.TS Phạm Xanh có đủ căn cứ để tin cậy, kỳ vọng vào sự lựa chọn sáng suốt của đại hội để chọn những nhà lãnh đạo xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, của nhân dân, đưa dân tộc chúng ta vượt qua những khó khăn, đạt đến sự phát triển ngang tầm thế giới.
.
PV: Nhân dân luôn đặt niềm tin và kỳ vọng vào bộ máy lãnh đạo đất nước. Là một nhà nghiên cứu lịch sử, một người dân, PGS.TS Phạm Xanh kỳ vọng như thế nào vào bộ máy lãnh đạo đất nước?
PGS Phạm Xanh: Như tôi đã nói, tôi kỳ vọng vào lần này, Đại hội Đảng lần thứ XII, Quốc hội khóa 14 sẽ lựa chọn những người xứng đáng, đủ tầm vào trong những cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, để đất nước chúng ta sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới.
PV: Xin cảm ơn các vị khách mời.