Ngọn lửa hồng sáng mãi
Bảy mươi năm đã trôi qua, kể từ ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày 6.1.1946 đã trở thành một dấu mốc không thể nào quên trong ký ức những người con xứ Quảng một thời. Ngày nay, Quốc hội nước ta đã không ngừng phát triển và trưởng thành, hoạt động ngày càng thiết thực, có hiệu quả, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của dân, do dân, vì dân.
DẤU MỐC KHÔNG QUÊN
Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (6.1.1946) thật sự là cuộc vận động chính trị có ý nghĩa vô cùng to lớn của lịch sử dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên, mọi người dân Việt Nam, không phân biệt nam nữ, thành phần dân tộc, tôn giáo, hễ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử Quốc hội. Bảy mươi năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của mỗi người con xứ Quảng vẫn còn vẹn nguyên về không khí sôi nổi của sự kiện trọng đại này.
Điểm bỏ phiếu bầu cử Quốc hội tại Hội An (ảnh tư liệu). |
Ngày 8.9.1945, Chính phủ lâm thời công bố Sắc lệnh tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Nhân dân ta sau thời gian dài bị đế quốc và phong kiến thống trị đã tự tham gia xây dựng nhà nước của mình. Ở Quảng Nam, Tỉnh ủy chỉ đạo thông tin, tuyên truyền trong nhân dân và tổ chức về cuộc bầu cử. Từ đó, nhiều cuộc họp, diễn thuyết, nói chuyện, những cuộc mít tinh, thảo luận... được tổ chức khắp nơi, liên tục, bằng nhiều hình thức sáng tạo và sinh động. Không khí cách mạng sôi nổi của quần chúng được thể hiện rõ trong những ngày chuẩn bị bầu cử.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Quảng Nam có 14 ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu, gồm: Phạm Bằng, Phan Bôi, Phan Diêu, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Sạ, Trần Tống, Phan Thao, Lâm Quang Thự, Trần Đình Tri, Trần Viện, Lê Thị Xuyến. Ngày 2.3.1946, Quốc hội khóa I họp kỳ thứ nhất tại thủ đô Hà Nội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị và được Quốc hội phê chuẩn bổ sung ông Đinh Tựu, dân tộc Co ở châu Trà My (nay thuộc huyện Bắc Trà My) làm đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam. Ngoài ra, ở thành phố Đà Nẵng đồng chí Lê Dung, ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh thành phố giới thiệu cũng trúng cử vào Đại biểu Quốc hội với số phiếu khá cao.
Trong hồi ký của mình, ông Lâm Quang Thự - một trong 14 người trúng cử vào Quốc hội khóa I, ghi lại khá rõ ràng: Tại Hòa Vang, huyện triệu tập cuộc họp cán bộ, những người trí thức trong huyện để nghiên cứu, thảo luận bản dự thảo Hiến pháp, sắc lệnh, nghị định, quy định thể lệ tuyển cử Quốc dân đại hội; phân công cán bộ về các xã tuyên truyền phổ biến trong nhân dân và tổ chức cuộc tuyển cử. Qua việc nghiên cứu, học tập này, cán bộ và nhân dân thấy rõ được chính quyền do cách mạng đem lại là của nhân dân, nên các tầng lớp nhân dân trong huyện đều phấn khởi, nô nức tham gia việc chuẩn bị tổng tuyển cử.
Buổi tiếp xúc cử tri đầu tiên Đồng chí Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội thương, nhớ như in sự kiện các đại biểu Quốc hội khóa I đơn vị Quảng Nam về tiếp xúc cử tri tại Chợ Được, huyện Thăng Bình: “Thời đó, Chợ Được tấp nập nhất trong vùng, là trung tâm giao lưu, trao đổi đủ các loại hàng hóa, trong đó phần nhiều là nông sản, vải vóc, muối, nhất là đá lửa - một mặt hàng thiết yếu. Lúc này, tôi là Bí thư Chi bộ xã Tiên Đóa, Thăng Bình, được Huyện ủy cử đi nghe buổi nói chuyện, tiếp xúc này. Tôi còn nhớ, hôm đó, Chợ Được như ngày hội, cũng băng rôn, khẩu hiệu chào đón đoàn đại biểu Quốc hội từ Hà Nội về. Nói là băng rôn, khẩu hiệu vậy thôi, chứ thực ra đó là những chữ được kẻ, viết trên nhiều chất liệu khác nhau chứ làm gì có sẵn vải vóc như bây giờ. Một mét vải phông màn ngày ấy có giá trị lắm, hơn nữa cả nước đang thực hành tiết kiệm, tất cả cho kiến quốc, cho kháng chiến. Đoàn đại biểu Quốc hội có 4 người, gồm các anh Trần Tống, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Sạ và chị Lê Thị Xuyến. Ai cũng mặc gọn gàng, lịch thiệp, trò chuyện thân tình, trang trọng. Đoàn phân công mỗi thành viên phát biểu từng việc cụ thể, tập trung là kể lại diễn biến của Đại hội quốc dân, của Chính phủ mới. Mở đầu buổi tiếp xúc, anh Trần Tống kể lại một cách tổng quát phiên họp Chính phủ ngày 2.3.1946. Sau phần trình bày của anh Trần Tống, các đại biểu lần lượt phát biểu, mỗi người một nội dung, một vấn đề chung quanh hội nghị về thành lập chính phủ kháng chiến, chuẩn bị cho đấu tranh trường kỳ của dân tộc...”. |
Để cổ vũ nhân dân bỏ phiếu cho ứng cử viên, nhiều bài vè đã được sáng tác. Từ các cụ già đến các em thiếu nhi đất Quảng đều thuộc lòng những bài vè bầu cử. Có bài cho đến nay vẫn còn được lưu truyền trong nhân dân. Bà con ở Quế Sơn hiện còn nhớ bài vè bầu cử ngày ấy: “Lẳng lặng mà nghe/ Cái vè bầu cử/ Ông Tri, ông Thự/ Ông Hiến, bà Thanh/ Cùng là các anh/ Huệ - Bôi - Sạ - Nhĩ/ Tống - Bằng - Thao - Kỷ/ Với lại Viện, Diêu/ Người khác cũng nhiều / Đầu đơn ứng cử/ Đồng bào xét thử/ Ai đáng ai không/ Trên là các ông/ Nhiều năm tranh đấu…”. Hay như ở Điện Bàn, Duy Xuyên, vè bầu cử lại được sáng tác dưới một hình thức khác: “Tổng tuyển cử đã tới rồi/ Vì quyền, vì lợi mấy lời xin ghi:/ Trung Bộ có anh Trần Đình Tri/ Anh Lê Văn Hiến vậy thì đồng song/ Phan Bôi một dạ một lòng/ Anh Huỳnh Ngọc Huệ cũng giòng đấu tranh/ Cứu tế có chị Phan Thanh (bà Lê Thị Xuyến, vợ ông Phan Thanh)/ Anh Nguyễn Thế Kỷ cùng anh Phạm Bằng/ Trần Tống tuổi trẻ sức hăng/ Phan Thao, Võ Sạ từng quen ta nhiều/ Quế Sơn đồng chí Phan Diêu/ Cùng Nguyễn Xuân Nhĩ đủ điều kinh luân/ Trần Viện gian khổ đã từng/ Anh Lâm Quang Thự lẫy lừng tiếng tăm/ Đồng bào thận trọng lá thăm...”.
Ông Nguyễn Đức Minh - nguyên Bí thư Thị ủy Hội An, ngày ấy là ủy viên trinh sát làng An Mỹ (nay thuộc xã Cẩm Châu, Hội An) được phân công nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, nhớ lại: Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của trinh sát lúc này là tập trung bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn và tham gia công tác cổ động cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa... Chúng tôi tham gia tuyên truyền những nội dung sắc lệnh của Tổng tuyển cử, bản Dự thảo Hiến pháp, thể thức bầu cử, hướng dẫn quần chúng đề phòng đối phó với những âm mưu phá hoại của các đảng phái, tổ chức phản động. Trong thời gian vận động bầu cử, những bài vè ủng hộ cho các ứng cử viên do Việt Minh giới thiệu tại Quảng Nam được lưu truyền rộng rãi, rất nhiều người thuộc lòng. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu đối gộp tên của các ứng cử viên: Hiến, Bôi, Tống, Nhĩ, Tri, Thanh , Viện/ Thự , Huệ, Diêu, Thao, Kỷ, Sạ Bằng.
Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Đức Minh, sáng ngày 6.1.1946, toàn thể cử tri làng An Mỹ không phân biệt nam nữ, thành phần xuất thân, nô nức tập trung về sân đình bỏ phiếu. Không khí ngập tràn niềm vui của ngày hội lớn chưa từng có, ai ai cũng tràn trề sung sướng. Tiếp theo, ngày 17.2.1946, nhân dân tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Lần đầu tiên trong lịch sử, đồng bào ta được tham gia bầu cử Quốc hội, được quyền tự do lựa chọn người mình tín nhiệm bầu vào chính quyền nhân dân. Đó là hạnh phúc của người dân làm chủ khi nước nhà được độc lập. (LÊ NĂNG ĐÔNG)
XỨNG ĐÁNG “NGƯỜI ĐẠI BIỂU DÂN CỬ”
Nhân kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam và đón năm mới 2016, nhìn lại hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông Trần Xuân Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chia sẻ:
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị Quảng Nam, trò chuyện tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri Hội An. Ảnh M.HẢI |
Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua hết sức tích cực, từ việc tham gia thảo luận, góp ý vào các nội dung chương trình nghị sự của Quốc hội; đến phản ánh thực tiễn đời sống xã hội, với những tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri. Tham gia tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều kiến nghị, đề xuất của Đoàn ĐBQH tỉnh được Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành trung ương ghi nhận, góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh quốc phòng. Trong thời gian dự họp, các ĐBQH Quảng Nam cũng thường xuyên gặp gỡ, tranh thủ ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành trong việc quan tâm đầu tư các công trình thiết yếu vượt ngoài khả năng của tỉnh như: tuyến đường ven biển, tuyến đường trọng yếu nội tỉnh, các dự án bảo vệ môi trường từ nguồn ODA, tăng mức phân bổ ngân sách cho các chương trình, dự án… Kết quả đó đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho Quảng Nam, khơi thông quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong những năm đến.
- Tại các kỳ họp Quốc hội, hoạt động chất vấn của Đoàn ĐBQH Quảng Nam khá sôi nổi, ông có thể cho biết kết quả tiếp thu, giải quyết đối với các nội dung chất vấn từ Đoàn ĐBQH tỉnh?
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 57 cuộc hội nghị, hội thảo, tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến góp ý các dự án luật; gửi văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị góp ý 98 dự án luật, nhiều vấn đề cụ thể của từng dự án luật được gửi lấy ý kiến của các chuyên gia, người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn... Đoàn ĐBQH tỉnh thu thập được hàng nghìn ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, qua đó nghiên cứu, chọn lọc, tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
- Ông Trần Xuân Vinh: Các ĐBQH Quảng Nam đã có hàng chục chất vấn và truy vấn trực tiếp, chất vấn bằng văn bản tại các kỳ họp Quốc hội đối với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề lớn, gây bức xúc trong cử tri, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của công dân và sự phát triển chung của đất nước, của tỉnh.
Nhiều nội dung chất vấn của ĐBQH đơn vị Quảng Nam được các bộ, ngành trung ương tiếp thu thực hiện một cách nghiêm túc, đáp ứng sự mong đợi của đại biểu và cử tri. Đơn cử như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; tập trung đầu tư phát triển khu vực nông thôn, miền núi; chỉ đạo khắc phục sự cố rò rỉ nước và các giải pháp đảm bảo an toàn đập ở thủy điện Sông Tranh 2; giải quyết đất sản xuất và hỗ trợ đời sống nhân dân các khu tái định cư thủy điện; quản lý giá điện, xăng dầu và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; xây dựng thêm các cống thoát nước tuyến đường tránh Vĩnh Điện; giải pháp an toàn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nâng cấp quốc lộ 14E; vấn đề tỷ giá, tín dụng và an toàn tài chính trong hệ thống ngân hàng; về chính sách bảo hiểm y tế cho các đối tượng nghèo, cận nghèo... Tuy nhiên, cũng hết sức trăn trở khi nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, được đại biểu đặt ra nhưng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương vẫn còn loay hoay chưa có giải pháp thực sự hiệu quả. Trong đó có thể kể đến chế độ chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức hiện nay còn nhiều bất cập; đầu ra cho hàng nông sản; công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản; vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ông Trần Xuân Vinh tham gia phát biểu tại nghị trường Quốc hội. |
- Thực trạng về án oan sai đang gây bức xúc ở một vài địa phương. Đối với Quảng Nam, từ kết quả giám sát tình hình oan sai trong hoạt động tư pháp, ông có lưu ý gì đối với các cơ quan tư pháp của tỉnh?
- Ông Trần Xuân Vinh: Thời gian qua, trong cả nước có nhiều vụ việc oan sai gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của công dân, được ĐBQH đưa ra tại các diễn đàn Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội giám sát tối cao về nội dung này và đã thông qua nghị quyết nhằm chấn chỉnh tình trạng oan sai, bức cung, nhục hình. Đây cũng là một trong những mục tiêu cải cách tư pháp của chúng ta hiện nay.
Theo kết quả giám sát nội dung này của Đoàn ĐBQH tỉnh, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp nào oan sai nghiêm trọng; các hoạt động tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp cơ bản tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải như vậy là chúng ta đã hoàn toàn làm tốt công tác này. Qua giám sát cho thấy, một số tin báo, tin tố giác về tội phạm chưa được xem xét giải quyết đầy đủ, toàn diện, vượt quá thời hạn quy định. Án tồn đọng, sai, bị hủy, bị cải sửa và bỏ lọt tội phạm trong các giai đoạn tố tụng chưa được khắc phục triệt để. Việc lập hồ sơ vụ án hình sự còn sai sót; trong khi đó, công tác điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra, nhất là hoạt động điều tra ban đầu trong một số vụ án chưa kịp thời, đầy đủ và đúng quy định của pháp luật, đã gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm...
Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 trường hợp bị truy tố oan được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổng số tiền hơn 284 triệu đồng. Theo tôi, trong thời gian đến các cơ quan tư pháp địa phương cần chú trọng tăng cường phối hợp trong hoạt động tố tụng, tập trung thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
- Năm 2016, cả nước sẽ tiến hành bầu ĐBQH khóa XIV, ông muốn gửi gắm, chia sẻ điều gì trước cuộc bầu cử sắp tới?
- Ông Trần Xuân Vinh: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sắp kết thúc, vấn đề quan trọng trong thời gian đến là lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài, có chuyên môn sâu, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh nhà và đất nước để đưa ra ứng cử và bầu vào đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Một trong những yêu cầu quan trọng đối với người đại biểu dân cử là phải gần dân, sát dân, biết lắng nghe nhân dân và “dám nói” tiếng nói của nhân dân trước diễn đàn Quốc hội. Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng cần phải vậy, tăng cường các hoạt động thực tiễn, đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những “điểm nóng” về kinh tế - xã hội để nghe dân nói, cử tri kiến nghị, đề xuất; tăng cường tổ chức tốt các hoạt động giám sát, khảo sát thực tế để kiến nghị với Quốc hội những vấn đề mới phát sinh từ cuộc sống. Bên cạnh việc thực hiện các chương trình hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động của Đoàn ĐBQH cần phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Nam ngày càng giàu mạnh. (HÀN GIANG)