Tuổi trẻ với biên cương
Một hành trình dài, không phải bởi quãng đường mà là những tấm lòng, vòng tay như mạch nguồn mải miết của tuổi trẻ Quảng Nam tại miền biên viễn trong chương trình “Tình nguyện vì biên cương Tổ quốc”.
Chúng tôi đang nói đến chương trình phối hợp giữa Tỉnh đoàn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về “Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015”.
Không ngại thời tiết, chỉ sợ thời gian
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang (đóng chân tại xã La Dêê) đón đoàn tình nguyện bằng những cái bắt tay nồng ấm. Vừa bước xuống xe, một anh cán bộ đoàn có thâm niên trong phong trào tình nguyện hóm hỉnh tâm sự khi gặp lại người cũ rằng, đi tình nguyện ngại chi thời tiết, chỉ sợ thời gian. Hẳn vì thế mà các chương trình nhanh chóng được triển khai đến với bà con các xã Đắc Tôi, La Dêê (Nam Giang), trong không khí rộn ràng.
Chào cột mốc biên cương. Ảnh: PHAN TUẤN |
Trụ sở UBND xã Đắc Tôi đông kín người. Không còn những nghi ngại vì trời mưa nên bà con ít đến để khám bệnh mà ngược lại, đông đảo người dân lặn lội đến để được khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe. Con số 150 người tới khám, gấp rưỡi so với dự kiến ban đầu, đã phần nào ghi nhận hiệu ứng tích cực trong tư tưởng của đồng bào về khám chữa bệnh cũng như hiệu quả từ việc vận động của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang. Chị Zơrâm Thị Tươn (39 tuổi) ở thôn Đắc Tà Vâng cùng nhiều chị em trong thôn rủ nhau đến ủy ban xã từ rất sớm, bởi theo lời chị, mỗi lần có đoàn tình nguyện đến với bà con là ai cũng mừng. “Mấy bữa trước, cán bộ xã rồi các chiến sĩ biên phòng tới nhà bảo sắp tới sẽ được đi khám bệnh, nhận quà nữa nên ai cũng háo hức” - chị Zơrâm Thị Tươn cười nói.
Lãnh đạo Tỉnh đoàn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh: VĂN HÀO |
Tại xã La Dêê, các tình nguyện viên cùng đội ngũ y - bác sĩ cũng đang tận tình khám bệnh, cấp phát thuốc cho 200 người dân. Bác sĩ Trương Quang Bình (đến từ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh) chia sẻ, cũng như các lần đến với vùng cao trước đây, luôn có cảm giác gần gũi, thân thuộc. Vì vậy mà bản thân mong muốn được đến những vùng biên xa xôi để phục vụ bà con. Tại 3 thôn của xã La Dêê, đoàn viên thanh niên của huyện Nam Giang, Trường Đại học Quảng Nam cùng chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang cùng nhau đào các hố rác cũng như tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ môi trường. Trời mưa và lạnh nhưng mồ hôi thấm đẫm những chiếc áo xanh…
Đoàn tình nguyện khám bệnh cho người dân xã La Dêê. Ảnh: VĂN HÀO |
Trời nhá nhem tối, các hoạt động tình nguyện hoàn tất, mọi người lại hối hả chuẩn bị cho đêm diễn văn nghệ phục vụ đồng bào, tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vượt khó.
Dưới chân cột mốc biên cương
“Trong 5 năm qua, Tỉnh đoàn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp để tạo nên dấu ấn riêng của tuổi trẻ. Dễ dàng nhận thấy hai thành quả lớn mà chúng ta đạt được chính là tuyên truyền sâu rộng cho đoàn viên - thanh thiếu niên về chủ quyền biên giới, hải đảo; giúp bà con đồng bào vùng biên bằng những việc làm cụ thể để vươn lên làm ăn, từng bước xóa đói giảm nghèo”. (Đồng chí Thái Bình - Bí thư Tỉnh đoàn) |
Trong hành trình đến với vùng biên, được một lần chạm tay vào cột mốc biên giới của Tổ quốc có thể coi là ước nguyện lớn lao của các bạn trẻ. Vì vậy mà trong cuộc hành trình lần này, chương trình “Chào cột mốc biên cương” mang lại cho các đoàn viên thanh niên nhiều cảm xúc đặc biệt. Một không khí trang nghiêm dưới chân cột mốc đại 717, nghi thức chào cờ với bài Quốc ca vang lên thổn thức bao trái tim người trẻ.
Những kiến thức về ranh giới tiếp giáp nước bạn, ý nghĩa của cột mốc… được chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang giải thích, tuyên truyền khiến niềm tự hào dân tộc dâng trào trong đoàn viên - thanh niên, càng đặc biệt hơn cho người lần đầu đặt chân đến. Như tâm sự của anh Trương Văn Thu - cán bộ Huyện đoàn Đại Lộc khi lần đầu được nghe, thấy và hiểu về cột mốc đại 717 đã tự hứa với bản thân về tinh thần phấn đấu, trách nhiệm sau chuyến đi này. Cũng như 60 thành viên tham gia đợt tình nguyện lần này, anh Thu bày tỏ: “Thật hãnh diện, tự hào khi đứng cạnh cột mốc chủ quyền lãnh thổ!”. Vì vậy, chuyến đi không chỉ dừng lại ở việc tình nguyện mà còn hướng đến giáo dục, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong tuổi trẻ đất Quảng.
“Phát huy những thành quả mà hai đơn vị đạt được, trong giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tham gia bảo vệ, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở biên giới và hải đảo. Hàng năm, các cấp bộ đoàn và đồn biên phòng tổ chức thêm nhiều hoạt động thiết thực để xây dựng mối đoàn kết, tinh thần gắn bó”. (Đại tá Văn Ngọc Quế - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh) |
Từ cột mốc đại 717 qua cửa khẩu Đắc Tà Oọc, đoàn tình nguyện tiếp tục chuyến đi sang huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào để thăm hỏi, tặng quà cho bà con các bản giáp biên. Tại Trạm cửa khẩu của Lào, lãnh đạo Tỉnh đoàn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã gửi lời chúc mừng đến cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các bộ tộc Lào nhân kỷ niệm 40 năm Quốc khánh Lào (2.12.1975 - 2.12.2015). Những cái bắt tay, thăm hỏi chia sẻ cùng những món quà lưu niệm càng thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc. Cuộc hành trình tiếp tục với chặng đường hơn 10 cây số để đến với Trường Tiểu học bản Đắc Tà Oọc Nhày (huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông). Ngôi trường còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn của nước bạn nằm lọt thỏm giữa núi rừng và phải đi bộ qua một đoạn đường đất đỏ mới đến được. Vì vậy mà những phần quà từ đoàn công tác Việt Nam sang trao tặng càng thêm ý nghĩa.
Đoàn rời nước bạn Lào, qua cửa khẩu và xuôi về đồng bằng trong sự thành công của đợt tình nguyện mùa đông 2015. Khép lại chặng đường “Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015”, đồng thời mở ra chặng đường mới, nhiệm vụ mới của tuổi trẻ toàn tỉnh.
PHẠM VĂN HÀO