Lượng kiều hối gia tăng năm 2015
(QNO) - Năm 2015, các nước phát triển tiếp tục nhận hơn 2/3 lượng kiều hối trên toàn cầu. Trong đó, lượng kiều hồi gửi về Việt Nam tiếp tục tăng.
Trong Sổ Di dân và kiều hối năm 2016 của Ngân hàng thế giới (WB) vừa được công bố, số người di cư trên thế giới đến tháng 12.2015 vượt quá 250 triệu người, cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, những quốc gia có nguồn di cư đến nước khác phải kể đến Ấn Độ, Mexico, Nga, Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan… với những điểm đến chủ yếu là Mỹ, Ả-rập xê-út, Đức, Nga, Anh, Pháp, Canada… Trong vòng 15 năm qua, có khoảng 1,7 triệu người sinh ra tại châu Á di cư hàng năm, chiếm tới gần một nửa tổng số người di cư trên toàn thế giới. Đứng thứ hai là khu vực châu Âu.
Một văn phòng giao dịch kiều hối tại Hồng Kông. (Ảnh: logicoin) |
Theo WB, mục đích của các chuyến di cư đó chủ yếu tập trung vào việc mưu sinh, tìm kiếm cơ hội kinh tế ở các quốc gia giàu có hơn cũng như người di cư mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Trên thực tế, dù số di dân là lực lượng lao động có “chất xám”, có tay nghề cao hay lao động phổ thông, kỷ năng thấp cũng tạo ra được lợi ích kinh tế cho cả những quốc gia cung cấp hay nhận kiều hối. Vì vậy, mỗi năm lượng kiều hối được gởi về cho gia đình của họ ở quê hương vẫn ở mức cao.
Năm nay, con số này ước đạt 601 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó các nước phát triển nhận khoảng 441 tỷ USD. Bên cạnh tiếp nhận 9 triệu người nhập cư từ các nước ngoài khu vực thì Đông Á và Thái Bình Dương cũng có 31,4 triệu người di cư vào năm 2013, chủ yếu từ các nước như Trung Quốc, Philippines, Myanmar, Việt Nam tới các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đông Á và Thái Bình Dương nhận được 129 tỷ USD kiều hối năm 2015 nhưng đồng thời gởi ra ngoài khu vực lượng kiều hối là 24 tỷ USD vào năm ngoái.
Mỹ vẫn là quốc gia cung cấp nguồn kiều hối lớn nhất thế giới, năm nay cấp 56 tỷ USD, Ả-rập xê-út khoảng 37 tỷ USD - quốc gia cung cấp lớn thứ hai và tiếp sau là Nga, khoảng 33 tỷ USD. Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia nhận lượng kiều hối nhiều nhất với 72 tỷ USD. Theo xếp hạng của WB, Việt Nam ở vị trí thứ 11 trong danh sách các nước trên toàn cầu nhận kiều hối nhiều nhất trong năm 2015 với 12,3 tỷ USD, tức tăng so với mức 12 tỷ USD hồi năm ngoái. Gần 2/3 trong số này là kiều hối từ Mỹ, chiếm 7 tỷ USD. Như vậy, tính riêng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam nhận lượng kiều hối chỉ sau Trung Quốc (64 tỷ USD) và Philippines (30 tỷ USD). Được biết, mức kiều hối vào Việt Nam trong năm 2013 và 2012 tương ứng lần lượt là 11 tỷ USD và 10 tỷ USD. Từ năm 1993 - 2014, Việt Nam nhận tổng cộng 96,66 tỷ USD kiều hối, chiếm 6,8% GDP trong thời gian đó.
Dilip Ratha - đồng tác giả Sổ di dân và kiều hối năm của WB cho biết, hàng trăm tỷ USD số tiền mà người di cư dành dụm, tiết kiếm để gởi về quê nhà giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của hàng chục triệu người tại các quốc gia còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, Sonia Plaza, một trong những tác giả khác cho biết, lượng tiền kiều hối được gởi về các nước thường được tập trung vào thương mại, đầu tư, giáo dục, công nghệ giúp cải thiện đời sống, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế của các quốc gia nhận được kiều hối.
QUỐC HƯNG