Niềm vui của những người nghèo

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 28/12/2015 09:33

Thực hiện Quyết định số 48 ngày 28.8.2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt, TP.Tam Kỳ đã xét chọn được 21 hộ tại Tam Thăng và Tam Phú.

Ý Đảng, lòng dân

Thực hiện chủ trương, UBND TP. Tam Kỳ đã chỉ đạo các địa phương và ngành liên quan rà soát từng hộ thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Trong đó, các hộ được hỗ trợ bắt buộc phải xây dựng được gian nhà ở phòng tránh bão lụt hoặc cải tạo nâng tầng nhà ở hiện có, đảm bảo có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng; diện tích xây dựng sàn tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái tương đương kết cấu của nhà ở xây dựng kiên cố. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Hộ được hỗ trợ là những hộ nghèo có trong danh sách do UBND xã quản lý tại thời điểm quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi quyết định này có hiệu lực thi hành tối thiểu 2 năm. Trong số 21 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt lần này có 2 hộ ở xã Tam Phú được hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ và 19 hộ ở xã Tam Thăng được hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ từ ngân sách của Trung ương. Ngoài ra, các hộ này còn được Ủy ban MTTQ thành phố trích “Quỹ vì người nghèo” hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay 15 triệu đồng/hộ với lãi suất 3%/năm, thời gian vay là 10 năm. Riêng xã Tam Thăng là địa phương đặc biệt khó khăn nên được UBND tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ.

Bà Lê Thị Lâm không giấu được vui mừng khi được ở trong căn nhà vững chắc. Ảnh: N.Đ.N
Bà Lê Thị Lâm không giấu được vui mừng khi được ở trong căn nhà vững chắc. Ảnh: N.Đ.N

Để triển khai thực hiện đúng tiến độ, sau khi có quyết định cấp kinh phí của UBND TP.Tam Kỳ, UBND xã Tam Thăng tiến hành mời các hộ được hỗ trợ ký cam kết và cử người đứng ra tín chấp để các hộ mua nợ nguyên vật liệu tại các đại lý với giá thỏa thuận giữa hai bên nhưng chỉ giới hạn trong 22 triệu đồng/hộ. “Ngoài ra, địa phương đã vận động các hộ nộp tiền lãi vay theo từng quý nhằm giảm nhẹ các khoản phải trả. Qua đó, giúp các hộ xây dựng được nhà ở đủ điều kiện phòng tránh bão lụt, đồng thời giúp nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Đến nay đã có một số hộ xây dựng xong, đưa vào sử dụng, nhân dân rất phấn khởi” - ông Lê Đình Nho, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết.

Niềm vui gấp bội

Đợt 1 năm 2015, xã Tam Thăng có 6 hộ được cấp kinh phí xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt. Đợt 2 có 15 hộ, trong đó xã Tam Thăng có 13 hộ và xã Tam Phú có 2 hộ. Bà Lê Thị Lâm, thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng năm nay đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhiều năm qua phải ở trong căn nhà tạm bợ, mưa tạt, gió lùa nay được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cùng với vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và số tiền dành dụm được bà đã xây dựng hoàn thành căn nhà 2 tầng có diện tích sàn 16m2 với tổng kinh phí hơn 60 triệu đồng. Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn vì phải trả khoản nợ vay của ngân hàng trong khi tuổi của bà ngày càng cao, sức khỏe ngày càng yếu. Tuy nhiên, bà rất vui vì từ nay được ở trong căn nhà vững chắc, nếu lụt thì bà lên gác để ở, nếu bão thì bà lại xuống tầng trệt đề tránh trú an toàn. Vì quá vui nên sau khi căn nhà hoàn thành bà đã thốt lên câu hò: “Trường Giang con nước vơi đầy/ Đời phôi pha cũng có ngày dậy hương/ Chung tay xây dựng căn nhà/ Tình anh, tình chị muôn phương đậm đà”.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Lan, thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng nhiều năm qua mẹ góa, con côi phải ở trong căn nhà tềnh toàng, nếu trời mưa thì nước dột ướt hết không có chỗ nằm, nếu có gió thì tốc mái, phên lùa. Mặc dù đã cố hết sức nhưng lo cái ăn còn chưa đủ chứ nói chi đến chuyện sửa chữa nhà ở, cho nên cuộc sống của mẹ con chị rất cơ cực. Nay được Nhà nước hỗ trợ 22 triệu đồng cùng với nguồn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng và số tiền dành dụm được chị đã xây dựng xong căn nhà mái lợp ngói, nền lát gạch hoa và đúc được 12m2 sàn bê tông với tổng kinh phí hơn 75 triệu đồng. “Những cây cột, đòn tay gỗ bị mối mọt ăn nay chất thành đống trước sân nhà để làm củi đun dần và những tấm tranh cùn ngày xưa nay chỉ còn là hoài niệm. Bây chừ được ở trong căn nhà vững chắc, không còn cảnh chạy tránh trú mỗi khi mưa bão đến, mẹ con tôi rất đỗi vui mừng, cám ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ” - chị Nguyễn Thị Lan tâm sự.

Sáu hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt đợt 1 đã xây dựng xong, 15 hộ còn lại của đợt 2 đã ký cam kết với chính quyền địa phương là sẽ hoàn thành trước Tết Bính Thân 2016. Như vậy niềm vui của những hộ nghèo sẽ được nhân lên gấp bội vì không chỉ họ được sống trong những căn nhà vững chắc mà tết này ông bà, tổ tiên của họ cũng được thờ phụng ở nơi trang trọng nhất.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC