Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ xây dựng nông thôn mới: Những chuyển biến tích cực

LÊ QUÂN 28/12/2015 08:56

Chiến dịch đổi mới hoạt động điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) trên địa bàn Quảng Nam, bắt đầu bằng việc góp phần trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đã có những dấu hiệu tích cực.

Hỗ trợ phụ nữ tìm hiểu thông tin trên internet tại Bưu điện văn hóa xã Bình Sa, huyện Thăng Bình. Ảnh: D.Q
Hỗ trợ phụ nữ tìm hiểu thông tin trên internet tại Bưu điện văn hóa xã Bình Sa, huyện Thăng Bình. Ảnh: D.Q

Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVHX, phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2015” được triển khai ở 50 xã, làm cho thiết chế văn hóa này mang diện mạo khởi sắc hơn. Ngoài ra, năm 2013, Bưu điện Việt Nam cũng đã chỉ đạo toàn ngành tập trung triển khai chiến dịch đổi mới hoạt động tại điểm BĐVHX. Ông Nguyễn Tâm - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho rằng, điểm BĐVHX thực sự là một thiết chế văn hóa cơ sở ở nông thôn, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. “Sau 4 năm triển khai đề án và 2 năm thực hiện chủ trương của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, tính đến cuối tháng 10.2015, có 147 điểm BĐVHX đang hoạt động (trong tổng số 160 điểm trên toàn tỉnh), doanh thu bình quân hàng năm 21 triệu đồng/điểm” - ông Tâm cho biết. Triển khai đề án, ngành bưu điện và các địa phương đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ tiền lương cho nhân viên, mua các loại sách báo liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giáo dục, sức khỏe… Hiện tại các điểm BĐVHX trên địa bàn tỉnh đều có máy tính kết nối internet, hàng ngày có một tờ báo Nhân Dân và một tờ báo Quảng Nam…

Hơn 4 tỷ đồng đầu tư các điểm bưu điện văn hóa xã

Cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì hội nghị tổng kết thực hiện đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVHX phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2015”, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành và nhân viên 145 điểm BĐVHX trên toàn tỉnh tham dự.

Đến nay, toàn tỉnh có 50 điểm BĐVH thuộc các xã xây dựng nông thôn mới được chọn thực hiện đề án nâng cao hiệu quả hoạt động; ngoài ra còn có 22 điểm được chọn triển khai thực hiện đề án “Phát triển hệ thống điểm BĐVHX đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”. Qua đó, 72 điểm BĐVHX đã được đầu tư 224 bộ bàn ghế và máy tính kết nối internet, hơn 8.100 đầu sách báo, 22 bộ bàn ghế đọc sách và 22 tủ sách phục vụ việc đọc sách báo cho người dân; hỗ trợ 450 triệu đồng tiền lương cho nhân viên điểm BĐVHX… Tổng kinh phí đầu tư của đề án hơn 4 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 2 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động điểm BĐVHX, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Nhiều nhân viên ở các điểm BĐVHX chia sẻ, thời gian gần đây có khá nhiều người dân đến đọc sách, giao dịch… Trước đây, việc thu hút người dân đến điểm BĐVHX rất khó khăn do điều kiện hoạt động còn bó hẹp trong phạm vi phục vụ duy nhất việc đọc sách báo, điện thoại công cộng. Từ khi các điểm BĐVHX bổ sung thêm một số loại hình dịch vụ khác như kinh doanh internet, chuyển phát nhanh, bán sim, card… đã giúp cho các điểm BĐVHX thu hút ngày càng nhiều người dân đến giao dịch. “Để nâng cao thu nhập mà chỉ trông chờ người dân đến giao dịch thì rất khó, vì vậy ngoài thời gian mở cửa phục vụ, chúng tôi chủ động đi đến từng hộ để giới thiệu và bán sản phẩm. Nhờ đó, kỹ năng bán hàng ngày càng nâng cao, hiệu quả kinh doanh tăng rõ rệt” - chị Lê Thị Như Nguyệt, nhân viên điểm BĐVHX Đại Phong (Đại Lộc) chia sẻ. Với quyết tâm đổi mới hoạt động điểm BĐVHX, từ nhân viên các điểm đến Bưu điện tỉnh đã triển khai thêm các dịch vụ kinh doanh, phối hợp với các Sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện các dịch vụ chi trả lương hưu, chi trả cho người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Cùng với đó, để đảm bảo tiêu chí trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, các điểm BĐVHX được khôi phục và sửa chữa khang trang, củng cố hoạt động…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các điểm BĐVHX vẫn còn phải chật vật vượt qua khó khăn và tìm chỗ đứng cho mình. Ông Nguyễn Tâm - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh chia sẻ, nhiều điểm BĐVHX doanh thu còn quá thấp, thậm chí nhiều tháng không phát sinh doanh thu. Bên cạnh đó, ở vai trò là một thiết chế văn hóa của nông thôn, mặc dù đã có nhiều cố gắng cải thiện, nhưng các tủ sách ở các điểm đã quá cũ kỹ; số đầu sách thì ít, ấn phẩm báo chí thiếu nên vẫn không thể thu hút nhiều người tìm đến. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là tình trạng thiếu nhân viên. “Tỷ lệ điểm BĐVHX đưa vào hoạt động chưa đạt tiêu chí của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; hiện tại có 13 điểm tạm dừng hoạt động. Hầu hết điểm này đều trong tình trạng khó khăn nên nhân viên không tha thiết. Riêng huyện Nam Trà My vẫn chưa thể mở cửa lại một điểm BĐVHX nào” - ông Tâm cho hay.

Câu chuyện thu nhập của nhân viên tại các điểm BĐVHX lâu nay vẫn là điều đáng quan tâm. Hiện tại, nếu không tính làm thêm các dịch vụ, mỗi nhân viên chỉ nhận khoảng 800 nghìn đồng/tháng, không đủ để họ trang trải cuộc sống. Trong 4 năm triển khai đề án, các điểm BĐVHX thuộc vùng đề án được hỗ trợ 350 nghìn đồng/tháng. Nhiều ý kiến cho rằng UBND tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ các điểm BĐVHX kể cả khi đề án kết thúc. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết, trong thời gian tới vẫn phải đảm bảo hoạt động của các điểm BĐVHX phục vụ xây dựng nông thôn mới, do đó Sở Thông tin và truyền thông tiếp tục triển khai đề án “Phát triển hệ thống điểm BĐVHX đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”; tham mưu UBND tỉnh các cơ chế chính sách để điểm BĐVHX nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người dân…

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN