Quảng Nam chống Pháp trong thơ chữ Hán
1. Quảng Nam - Đà Nẵng là vùng đất có vị trí lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa đặc biệt của miền Trung và cả nước. Có thời, vùng đất này được mệnh danh là “nước Quảng Nam”. Cho nên, trong các thư tịch theo thể loại sử, truyện, ký, chí ghi chép nhiều về xứ Quảng và là nguồn cảm hứng cho những vần thơ chữ Hán của các giai tầng khác nhau. Từ vua, có Lê Thánh Tông, Minh Mạng; chúa, có Nguyễn Phúc Chu - Thiên Túng Đạo Nhân; vương, có Miên Thẩm; quan, có Trương Quang Đản, Bùi Văn Dị, Nguyễn Văn Mại, Nguyễn Thuật, Cao Xuân Dục; Đào Tấn, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Hàm Ninh, Phạm Văn Nghị, Trần Bích San; quan đi sứ, có Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ; quan bị biếm đày, có Cao Bá Quát; chí sĩ, có Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Trinh; tăng sư, có Đào Tiến Mai, Quy Thiện; nữ lưu, có Mai Am, Huệ Phố, Lê Thị Thuân, Cẩm Tú Hồ Thị Tham, Bà Bang Nhãn; người nước ngoài, có Thích Đại Sán, Lý Triệu Tuấn...
Phục kích đánh địch ở hầm số 1 đèo Hải Vân trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (1947). |
2. Quảng Nam - Đà Nẵng, phong cảnh Hải Vân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thu Bồn, Phố Hội vốn đẹp yên bình, nhưng vì là cửa ngõ giao lưu quốc tế, là địa - quân sự quan trọng nên không thể nào thoát khỏi tiếng súng của giặc Tây để làm bàn đạp tiến vây kinh thành. Nguyễn Xuân Ôn đã viết trong Đồ quá Hải Vân quan, ngẫu thành (Đi đường qua cửa ải Hải Vân ngẫu thành): “Súng Pháp đánh đồn núi/ Tàu Ô ngó cửa Hàn” (Nguyễn Đức Vân - Hà Văn Đại dịch) để rồi các quan dân phải tự hỏi nguyên nhân của cuộc chiến. Với Nguyễn Trường Tộ, “Đất nước muôn đời cảnh đẹp sao/ Cớ gì quân giặc dấy binh đao” (Dư Lê dịch); còn Nguyễn Hàm Ninh là “Ai khiến tàu Tây vượt biển sang? Mấy vùng duyên hải sấm ầm vang” (Lương An dịch); Trần Quý Cáp thì “Chinh chiến vì đâu nảy họa tai? Mà nay thấy những dấu lang sài!”.
Chiến tranh chia cắt đất nước, ngay cả dòng sông cũng bị chia dòng, khiến cho Nguyễn Trường Tộ liên tưởng “như đôi hàng nước mắt rỏ”. Chiến tranh đã để lại nhiều cảm hoài cho những thần dân ái quốc. Trần Quý Cáp biểu đạt nỗi cảm hoài của hình ảnh quê hương bị ngoại xâm: “Cờ ba sắc nhoáng tàu vô cửa/ Xe một đường thông ải suốt dài/ Tiếng địch gọi hồn non nước cũ/ Bóng chiều chói rạng phố lầu ai? (Nguyễn Q. Thắng dịch)
Chiến tranh để lại nỗi khổ cho biết bao phận người. Miên Thẩm cảm tác liền mấy bài thơ về hậu quả của chiến tranh do Pháp gây ra cho vùng đất Quảng Nam. Đó là các bài Tàn tốt (Người lính tàn phế), Mại chỉ y (người bán áo giấy), Lưu dân thán (Than dân bị xiêu dạt). Trong đó gợi ra những hình ảnh “Quảng Nam nay khói lửa/ Giàu đẹp chẳng còn chi/ Cẩm Lệ chợ dời chỗ/ Sơn Trà giặc chửa nguy/ Cáo móc xương người gặm/ Quạ cắp ruột bay đi/ Khổ thay người dân ruộng/ Ai thương buổi loạn ly” (Dư Lê dịch), “Giữa đống thây người anh gượng dậy/ phong phanh vạt áo máu còn dầm/ Ghé hàng mua rượu, anh còn bảo: Sống sót tôi về tự Ải Vân” (Dư Lê dịch), “Năm kia giặc Tây đánh Quảng Nam/ Quân ta thua trận máu thành đầm! Cúng tế cầu hồn khắp mọi xứ/ Giá giấy đắt gấp ba mọi năm” nhưng rồi người bán vàng mã này cũng không bán cho người khác nữa mà để dùng cho gia đình mình “Bà con nhà tôi trong đám ấy/ Thứ này không bán để dùng ngay/ Cầu trời tạnh nắng để mau ráo/ Cúng xuống âm ti kịp tối nay” (Lê Thước dịch) hay “Người chết bó thây trong bụi rậm/ người sống lê lết cùng kêu rên! Thương thay bốn huyện dân Quảng Nam/ Kêu trời kể lể khổ ai làm!” (Lê Thước dịch).
3. Hình ảnh Quảng Nam - Đà Nẵng lại hiện lên tinh thần chống thực dân Pháp và thế giới phương Tây ngoại xâm với tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Trong đó đáng tự hào về Phạm Phú Thứ, ông dâng sớ xin nhà vua cho các quan là người Quảng Nam được trở về bản quán để tính mưu dẹp giặc. Những người khác cũng đã làm sớ xin nhà vua được ra trận tham gia đánh giặc như Phạm Văn Nghị thể hiện qua bài Sớ thỉnh vãng Quảng Nam quân thứ đắc chỉ dữ thỉnh tỉnh đường yến hội (Dâng sớ xin đi quân thứ Quảng Nam, được chỉ, cùng các quan tỉnh dự tiệc tiễn) với tinh thần: “Giận sôi, tóc dựng mũ, Bút gác, há thua ai! Mong sớm tan giặc dữ/ Tờ ngọc nâng trên tay” (Nguyễn Văn Huyền dịch). Người ra trận, người không ra trận làm thơ tiễn đưa, là Tống Lương Tứ chi Quảng Nam (Đưa Lương Tứ đi Quảng Nam) của Miên Thẩm, Tiễn Nghĩa Trai tiên sinh vãng Quảng Nam (Tiễn ông Nghĩa Trai Phạm Văn Nghị đi Quảng Nam đánh Tây).
Người ra trận với tinh thần:
Mắt căm quân giặc phạm Trà Sơn,
Nay tới Trà Sơn giặc đã tan.
Muốn tiến, quân đang đầy phẫn khích,
Cho về, vua những ngại gian nan.
Tiến lui, đều bởi điều thiên định,
Hay dở chi nề tiếng thế gian.
“Tùng bách tuế hàn”, lời văn đó,
Tấc son đâu nỡ để tro tàn
(Phạm Văn Nghị, Trà Sơn quân thứ, Nguyễn Văn Huyền dịch)
Đó là sự căm giận sục sôi ngút ngọn Sơn Trà của Phạm Văn Nghị. Còn với Nguyễn Xuân Ôn, là: “Quân gia ngồi nai nịt/ Tráng sĩ uổng căm gan/ Nguyên nhung giá đặt trướng/ Thượng tướng được lên đàn/ Vì người khá gìn giữ/ Vững vàng như Thái San” (Nguyễn Đức Vân - Hà Văn Đại dịch). Và với Trần Quý Cáp, thì: “Ước chi nay có Trần Hưng Đạo/ Lập lại Đằng giang trận thứ hai!” (Nguyễn Q. Thắng dịch).
Cuộc chiến với Pháp ở Đà Nẵng gây cho quân thần triều Nguyễn bao suy tư trăn trở. Đặng Huy Trứ đã viết: “Chiến, hòa, nhường, giữ, kế nào hơn” (Dư Lê dịch) trong bài Vãng Đà Nẵng quân thứ tức sự (Thăm quân thứ Đà Nẵng, tức sự). Nhưng kết quả thành công, dân binh đất Quảng đã đánh đuổi được giặc Pháp ngay từ buổi đầu. Vua Tự Đức làm thơ mừng. Hai công chúa Mai Am, Huệ Phố - bậc nữ nhi - họa theo bài thơ mừng của nhà vua. Đó là Tức sự chỉ Quảng Nam lỗ thoái sự họa vận nghĩ ứng chế thể (Tức sự trước việc giặc rút khỏi Quảng Nam. Họa vần bắt chước thể thơ ứng chế), Cung họa ngự chế “Tức sự” nguyên vận (chỉ Quảng Nam lỗ thoái sự) (Kính cẩn họa nguyên vần bài thơ Tức sự của nhà vua (chỉ việc bọn giặc rút lui khỏi Quảng Nam)). Đó là những dòng thơ “Thú Tây chạy khỏi vùng sa bắc/ Lửa hiệu tàn im đất bến Nam” của Mai Am, “Gió thổi thành Nam sạch bụi rồi/ Kinh kỳ khí rực ngập xuân tươi” của Huệ Phố.
HƯƠNG THU