Duy trì hiệu quả dự án vì cộng đồng
Dự án đã cung cấp 12.670 máy tính nối mạng internet băng thông rộng và các thiết bị phụ trợ cho 1.900 điểm thư viện công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) của 40 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Quảng Nam là một trong những địa phương được tiếp nhận Dự án với 465 hệ thống máy tính có kết nối internet hoàn chỉnh. Sau khi có dự án, tỷ lệ máy tính tại các điểm truy nhập công cộng ở nông thôn tăng 96,7%; tỷ lệ máy tính sẵn sàng cho việc kết nối internet tăng 95,6%. Người dân được sử dụng internet miễn phí tại thư viện công cộng và giảm 50% cước phí tại BĐVHX. Dự án đã cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng cho 1.900 cán bộ quản lý, nhân viên để nâng cao năng lực phục vụ. 100% cán bộ thư viện huyện; 44% cán bộ thư viện xã; 27,8% cán bộ thư viện tỉnh được đào tạo. Tỷ lệ này ở cán bộ điểm BĐVHX là 54,8%. Dự án cũng tổ chức hơn 6.000 sự kiện truyền thông, thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham gia để hướng dẫn người dân trải nghiệm kỹ năng sử dụng máy tính.
Lợi ích về kinh tế - xã hội gia tăng cho cá nhân, từng bước góp phần giúp cộng đồng ở nông thôn thay đổi cuộc sống trên mọi lĩnh vực văn hóa, giải trí, giáo dục, trao đổi trực tuyến, y tế, phát triển kinh tế… là thành tựu quan trọng nhưng duy trì hiệu quả của nó cũng quan trọng không kém.
Trên thực tế, Việt Nam đã xây dựng hệ thống giải pháp để đảm bảo mục tiêu duy trì hiệu quả của dự án một cách bền vững, gồm: hỗ trợ triển khai các hoạt động tại các điểm tiếp nhận dự án để hướng dẫn cho nhân viên nhằm củng cố kỹ năng, tăng cường năng lực triển khai; duy trì bền vững hạ tầng công nghệ thông tin thông qua việc duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, máy tính, đường truyền, đường điện; tập huấn, đào tạo kỹ năng vận hành hệ thống cho cán bộ điểm, vận động các đối tác duy trì chính sách ưu đãi cước dịch vụ; phát triển mô hình đào tạo tiếp tục cho nhân viên nhằm phát huy hiệu quả của các trung tâm đào tạo, trung tâm phát triển nguồn nhân lực; tăng cường, đổi mới hoạt động truyền thông, vận động tiếp cận cộng đồng và đặc biệt là việc duy trì nội dung số địa phương phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng vùng, miền.