Giảm nghèo cho Nam Giang
Không chỉ tạo được bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa, Nghị quyết 03/NQ-HU của Huyện ủy Nam Giang còn là hướng đi mới trong công tác giảm nghèo của người dân địa phương.
Quả ngọt từ “3 cây, 3 con”
Sau 5 năm, kể từ khi Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy Nam Giang (gọi tắt là Nghị quyết 03) được triển khai thực hiện, đời sống người dân ở địa phương được nâng lên rõ rệt, góp phần đưa tỷ lệ hộ đói nghèo giảm xuống theo từng năm. Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, Nghị quyết 03 tập trung vào công tác giảm nghèo, thông qua các chính sách đầu tư hỗ trợ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng “3 cây, 3 con” chủ lực (cao su, keo, chuối và bò, dê, heo). Trong đó, chú trọng đến việc hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo bước đột phá về phát triển ngành nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng, tăng năng suất, cũng như đảm bảo giá trị sản xuất nông nghiệp theo từng năm. “Kết quả thực hiện trong thời gian qua đã phản ánh rõ nét về bức tranh kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện, đảm bảo theo mục tiêu mà Nghị quyết 03 đề ra, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương” - ông Chương chia sẻ.
Cây cao su, một trong những thế mạnh của mô hình “3 cây, 3 con”. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi là tiền đề quan trọng giúp địa phương tạo nên bước ngoặt để hình thành phương thức sản xuất mới cho đồng bào miền núi, những năm qua huyện Nam Giang đã mạnh dạn tập trung nhân rộng mô hình “3 cây, 3 con” để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, xây dựng và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhờ vậy, đã từng bước xóa bỏ tập tục sản xuất lạc hậu của bà con, đẩy mạnh việc khai thác lợi thế và tiềm năng của vùng. Ông Chờ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho rằng, địa phương vốn có thế mạnh về nông nghiệp và kinh tế rừng, do vậy việc tập trung giảm nghèo bằng mô hình “3 cây, 3 con” hoàn toàn phù hợp với tiến trình phát triển chung của huyện. “Bằng cách hỗ trợ 12 xã, thị trấn, mỗi địa phương 200 triệu đồng/năm để đầu tư cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, huyện đang hướng đến việc hình thành các sản phẩm nông nghiệp sạch từ các vụ mùa sản xuất thâm canh, phục vụ nhu cầu của người dân địa phương ” - ông Nhiên nói.
Những năm qua, huyện đã làm tốt việc lồng ghép nguồn vốn theo Nghị quyết 03 với các chính sách hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình chính sách về vùng dân tộc, chính sách giảm nghèo bền vững của Chính phủ. Nhờ vậy, đã từng bước đồng bộ hóa chủ trương, góp phần làm thay đổi dần bộ mặt nông thôn - miền núi, hướng đến việc rút ngắn thời gian cho công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân bản địa. Quả ngọt từ mô hình “3 cây, 3 con” đang tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số, giúp giảm dần tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện trong 4 năm đạt 11,76% (từ 69,12%, năm 2011 xuống còn 57,36% năm 2014). Hiện tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt gần 6.000ha với tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 6.700 tấn. Riêng cây cao su được trồng với tổng diện tích hơn 1.300ha, trong đó đã thu hoạch khai thác mủ trên 43,7ha với sản lượng ước đạt 15 tấn.
Mở hướng thoát nghèo
Theo ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, chủ trương của Nghị quyết 03 cho thấy hiệu quả rõ nét, cũng như việc triển khai đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân địa phương. Đây thực sự là cơ hội để đồng bào tìm hướng đi mới trong công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ nguồn vốn hỗ trợ thực hiện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi này, nhiều hộ dân ở các xã vùng cao, huyện đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Bởi thực tế cho thấy mô hình “3 cây, 3 con” đã giúp người dân có hướng thoát nghèo bền vững.
Năm 2011, từ nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, hộ ông Pơloong Ablô (xã Đắc Tôi) đã mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng để phát triển chăn nuôi gia súc. Sau nhiều năm chăm sóc, đến nay đàn bò của gia đình ông Ablô đã có hơn 20 con, cùng với đàn heo rừng lai giống 30 con đang phát triển khá tốt, cho nguồn thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Ông Ablô chia sẻ, trước đây gia đình ông cũng chỉ biết làm nương rẫy kết hợp trồng xen canh vụ mùa bắp, đậu khiến thu nhập bấp bênh. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, ông đã đổi mới phương thức canh tác đất rừng, kết hợp với chăn nuôi gia súc và đem lại hiệu quả thiết thực. “Nương rẫy bây giờ không còn là nguồn sống chủ yếu của người dân ở đây nữa. Trồng keo, cao su, chăn nuôi gia súc, gia cầm,… mới thực sự giúp người dân thoát nghèo” - ông Ablô bộc bạch.
Những năm gần đây, ở Nam Giang cũng đã xuất hiện nhiều gương mặt điển hình trong phát triển kinh tế gia đình bằng việc chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng “3 cây, 3 con” chủ lực. Ngoài ông Pơloong Ablô, các hộ khác như Alăng Piêm (thôn 2, xã Tà Pơơ), Arất Vừng (thôn Pà Dương, thị trấn Thạnh Mỹ), Brao Ngát (thôn Đắc Ôốc) và Tơ Ngôl Ngơn (thôn Công Tơ Rơn, xã La Dêê)… thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Từ kết quả khả quan bước đầu, huyện Nam Giang tiếp tục thực hiện, bố trí nguồn vốn hợp lý cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, đáp ứng với nhu cầu phát triển của người dân trên địa bàn huyện trong thời gian đến.
ALĂNG NGƯỚC