"Nở hoa" trong lòng địch
Hơn 48 năm trước, Đội công tác quận lỵ Đại Lộc (mật danh F1) được thành lập. Đảm đương xuất sắc nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, trinh sát, dẫn đường, Đội công tác còn trực tiếp tổ chức đánh địch ngay trong lòng nội thị Ái Nghĩa.
Chủ trương đúng đắn
Tháng 1.1966, Mỹ đổ quân vào Đại Lộc, và Ái Nghĩa là một trong những địa bàn chúng đóng nhiều đồn bốt nhất. Địch thiết lập các cứ điểm Ái Nghĩa - Hoán Mỹ, Vườn Chúc (Nghĩa Trung), Gò Đình, Gò Muồng, Gò Cấm…; đồng thời thành lập các khu dồn chính. Quanh các khu dồn, chúng bắt nhân dân đốn tre làm bờ rào ấp chiến lược, mỗi khu vực chỉ chừa một cổng ra vào có lực lượng phòng vệ dân sự cùng lính bảo an chi khu Đại Lộc canh phòng. Thời gian này, Mỹ ngụy đánh phá ác liệt các xã vùng giải phóng của ta, đẩy dân di cư vào Ái Nghĩa ngày một đông. Địch ra sức đàn áp phong trào cách mạng, bắt bớ cán bộ, đảng viên và cơ sở trung kiên của ta nhằm biến Ái Nghĩa trở thành vùng “trắng cộng sản”. Trong khi đó, Ái Nghĩa lúc này không thuộc địa bàn phụ trách của chi bộ hay đội công tác xã nào. Vì thế, du kích, bộ đội địa phương khi đột nhập địa bàn này có lúc không phân biệt được lực lượng địch - ta.
Tuyên truyền trực quan tại trung tâm thị trấn Ái Nghĩa chào mừng Đội công tác quận lỵ Đại Lộc đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: TCT |
Quyết không để địch thực hiện âm mưu hình thành vùng “trắng cộng sản” ở khu trung tâm của quận lỵ, tháng 3.1967, Huyện ủy Đại Lộc quyết định thành lập Đội công tác quận lỵ Đại Lộc (lấy mật danh F1) để lãnh đạo và phát động phong trào cách mạng tại Ái Nghĩa. Ông Đặng Ngọc Hưng được cử làm Bí thư Chi bộ kiêm Đội trưởng. Từ đó cho đến năm 1975, các đội trưởng kế nhiệm gồm có Tô Tấn Thanh, Nguyễn Văn Cảnh, Đặng Ngọc Bình, Phạm Duy Hiền, Lê Hồng Phong và Lê Văn Mười. Đảm nhiệm chức vụ đội trưởng từ tháng 1.1973 đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, ông Lê Văn Mười cho hay, đội công tác hoạt động trong lòng địch với đầy đủ các chức năng của một đơn vị chính quyền cách mạng thời chiến. Nhiệm vụ chính trị là lãnh đạo để phát động phong trào cách mạng trực tiếp, toàn diện, rộng khắp trong trung tâm quận lỵ Đại Lộc. Trọng tâm là xây dựng lực lượng cơ sở; phát động các phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh hợp pháp; đẩy mạnh công tác dân vận, địch vận, kêu gọi và vận động binh lính địch quay về với cách mạng. “Chúng tôi còn tiến hành trinh sát, nắm bắt tình hình, phối hợp với các lực lượng vũ trang của huyện ở bên ngoài tổ chức diệt ác, phá kìm và đánh địch khi có thời cơ thuận lợi. Cạnh đó, còn có ban cán sự là lực lượng nòng cốt của đơn vị hoạt động hợp pháp trong lòng địch” - ông Mười kể.
Chiến công
Từ khi Đội công tác quận lỵ Đại Lộc ra đời, phong trào diệt ác trừ gian, đấu tranh chính trị, xây dựng cơ sở ở quận lỵ Đại Lộc diễn ra sôi nổi và đạt nhiều thành tích. Mở đầu là những đóng góp to lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhằm vào mục tiêu quận lỵ - trung tâm đầu não của địch. Theo đó, đội công tác đã vận động nhân dân may sắm cờ cách mạng, chuẩn bị ghe thuyền để đưa bộ đội qua sông vào nội thị. Tiến hành trinh sát, dẫn đường lực lượng vũ trang từ bên ngoài vào và chuẩn bị người nội ứng đánh từ bên trong ra để làm chủ khu quận lỵ. Ngày 30.1.1968, cơ sở nội ứng của đơn vị dẫn đường cho bộ đội địa phương đánh chiếm tháp canh cầu Chánh Cửu, nã pháo vào chi khu quận lỵ, phá nhà lao Ái Nghĩa. Dưới sự hỗ trợ của đội công tác, các xã ven quận lỵ đã tổ chức đánh “giao thông chiến” trên quốc lộ 14B; diệt nhiều tên tề và đảng phái phản động ở xã Lộc An; dùng mìn đánh sập cơ quan tình báo Phượng Hoàng. Tháng 3.1970, đội công tác dùng ghe đưa bộ đội cùng tổ trinh sát vũ trang của huyện đột nhập vào nội thị Ái Nghĩa diệt tên ác ôn Chi khu trưởng cảnh sát quận Đại Lộc; phối hợp đánh tan 2 trung đội nghĩa quân địch tại Đồn Đen, khiến quân địch rúng động.
Đêm 1.5.1971, lực lượng chủ lực của Mặt trận 4 phối hợp với Đội công tác quận lỵ Đại Lộc và du kích các xã tổ chức tấn công, tiêu diệt nhiều lực lượng địch ở cứ điểm Đồn Cao, nơi được xem “bất khả xâm phạm”. Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27.1.1973), bọn ngụy quân, ngụy quyền ở Đại Lộc ra sức đánh phá phong trào cách mạng để giành dân, chiếm lại vùng giải phóng. Tại nội thị quận lỵ, địch thực hiện hàng loạt tội ác man rợ đối với cơ sở, du kích và cán bộ. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, du kích các thôn đẩy mạnh trừ gian, diệt ác ngay tại trung tâm đầu não khiến chúng phải “co vòi” lại. Tháng 1.1974, Huyện ủy Đại Lộc tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết của Đặc khu ủy Quảng Đà. Thực hiện chủ trương cấp trên, Đội công tác quận lỵ Đại Lộc phối hợp du kích các xã mở những trận tập kích mới thọc sâu vào hang ổ của địch ở Ái Nghĩa. Cuối năm 1974, tổ vũ trang hợp pháp của đội đã đánh vào chi khu cảnh sát xã Lộc Phong, diệt 3 tên và phá hủy nhiều phương tiện truyền thanh, truyền tin. Tiếp đó, tổ dùng mìn hẹn giờ đánh cơ quan xã Lộc Phước, gần quận lỵ.
Đi đến thắng lợi cuối cùng
Đầu năm 1975, chấp hành sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đội công tác quận lỵ Đại Lộc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975; kể cả vận động nhân dân mua và vận chuyển hàng nghìn lít xăng dầu về vùng B dự trữ. Chiều 27.3.1975, khi quân chủ lực của địch tại Đại Lộc rút về Đà Nẵng cố thủ, ta lập tức phát động nhân dân vùng lên tước vũ khí. Lúc này, đội công tác phối hợp với các cánh quân đánh vào Ái Mỹ chặn đường rút lui của Trung đoàn 57 Sư đoàn 3 địch; tấn công lên chợ Cá, cầu Phốc tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều xe quân sự và các phương tiện vũ khí khác. Đồng thời đưa quân ém sâu trong lòng quận lỵ Đại Lộc. Sáng 28.3.1975, cánh quân của huyện và các xã phụ cận đã tới ngã tư Ái Nghĩa và Đồn Đen. Cánh quân phía tây Ái Nghĩa kéo sang cầu và tiến thẳng vào chi khu quân sự quận lỵ Đại Lộc và Đồn Đen. Đội công tác quận lỵ Đại Lộc tiến thẳng vào cơ quan hành chính quận, chiếm chi thông tin chiêu hồi, chi cảnh sát quận... Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên quận đường Đại Lộc. Đến 16 giờ cùng ngày, Đại Lộc hoàn toàn giải phóng.
Ngày 31.8.2015, tại TP.Tam Kỳ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Nhà nước cho Đội công tác quận lỵ Đại Lộc cùng với 4 tập thể và 8 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. |
Qua 8 năm hình thành, Đội công tác quận lỵ Đại Lộc và cơ sở trung kiên đã kiên cường, bất khuất, mưu trí, dũng cảm lập nhiều chiến công xuất sắc. Sống trong lòng địch, ranh giới sinh tử mong manh, nhưng không một ai dao động, đầu hàng, phản bội. Những người bị địch bắt, tra tấn dã man vẫn luôn giữ vững khí tiết cách mạng. Những chiến công vang dội của đội công tác đã góp phần quan trọng trong thắng lợi chung của quân và dân Đại Lộc.
Sau giải phóng, Huyện ủy giao cho Đội công tác quận lỵ Đại Lộc tiếp tục tiếp quản khu quận lỵ, thành lập Ủy ban quân quản để ổn định tình hình và khắc phục hậu quả chiến tranh; bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Khoảng thời gian này, Ái Nghĩa chính thức được thành lập đơn vị hành chính là xã Đại Phước. Chi bộ Đảng quận lỵ Đại Lộc chuyển thành Chi bộ Đảng xã Đại Phước. Ông Lê Văn Mười tiếp tục giữ chức Bí thư chi bộ, Chủ tịch Ủy ban quân quản xã Đại Phước. Hầu hết cán bộ của đơn vị được bố trí làm việc trong hệ thống chính trị của xã. Năm 1984, thị trấn Ái Nghĩa được thành lập trên cơ sở sáp nhập một phần địa giới hành chính và dân số của các xã lân cận vào xã Đại Phước.
KHẢI KHIÊM