Đổi thay nhờ hạt dẻ
Thời gian gần đây, người dân ở 4 xã vùng cao huyện Tây Giang tranh thủ vào rừng nhặt hạt dẻ đem bán cho thương lái với giá khá cao từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Tiên là một trong những thương lái phát hiện ra loại hạt đặc biệt này và vận động bà con đi nhặt về bán. Ông kể, một lần ăn giỗ tại nhà ông anh họ tại Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), một người đưa cho ông cái hạt tròn tròn và bảo đây là hạt dẻ, hạt này chỉ có ở phía bắc, nhưng cũng có thể có trên dãy rừng Trường Sơn này, ông anh họ bảo cứ cầm về làm mẫu cho dân làng xem, nếu có thì lượm bán ông sẽ đứng ra thu mua.
Về A xan, ông Tiên đưa cho dân xem và mọi người ở đây mới giật mình khi biết cây này mọc rất nhiều ở núi rừng Tây Giang. Trong đó nhiều nhất là ở núi T’rưm. Già làng Pơloong Đưm, ở thôn Arầng 1 cho biết: “Cây dẻ này thường mọc ở những vùng có khí hậu ẩm ướt, chúng mọc nhiều nhất ở các thung lũng, gần các khe nước. Hạt của loại cây này cứng, rất khó nảy mầm, chỉ có con heo rừng, con sóc nó thích ăn loại hạt này. Người dân ở đây chỉ lấy gỗ làm củi thôi, chứ còn hạt thì chẳng ai để ý tới làm gì”.
Cả chục tấn hạt dẻ nhà ông Tiên mua trữ. Ảnh: Đ.HIỆP |
Từ khi xuất hiện việc thu mua hạt dẻ, người dân 4 xã vùng cao Tây Giang là A xan, Ga ri, Ch’ ơm, Tr’ hy vào rừng lùng sục loại hạt này. Bình quân một ngày, một người nhặt được cả tạ hạt đem bán với giá 5.000 đồng/kg, được khoảng 500.000 đồng. Anh Pơloong Nhất, ở thôn Arầng 2, một trong những người nhặt hạt nhiều nhất xã. Sau gần 1 tháng nhặt hạt, anh đã tích lũy và mua được xe máy trên 20 triệu đồng. Ông Tiên cho biết, mỗi ngày ông thu mua gần 35 tạ hạt. Hiện ông đã mua được 50 tấn. Ông bảo đã bán 30 tấn cho thương lái tại Đà Nẵng với giá 7 triệu đồng/tấn. Không riêng gì gia đình ông, hiện nay cả A xan, Ch’ ơm có hàng chục hộ đứng ra thu mua loại hạt này với tổng sản lượng ước khoảng trên 200 tấn.
Ông Pơloong Đinh - Chủ tịch UBND xã A xan cho biết thêm, từ khi phát hiện ra loại hạt này, bà con có thu nhập khấm khá, nhiều người còn cho đây là “hạt xóa đói giảm nghèo” nhanh nhất. “Hiện nay xã đã có văn bản gửi các ngành chức năng cấp trên hỗ trợ để giúp bảo vệ và có thể nghiên cứu nhân rộng loại cây quý này. Chúng tôi đã xuống tận các thôn bản vận động bà con chỉ nhặt hạt thôi, tuyệt đối không đốn hạ, phải bảo vệ để năm sau còn hạt để nhặt bán” - ông Đinh cho hay.
ĐÌNH HIỆP