Đền bù đất sản xuất bị bồi lấp tại Duy Trung: Tìm được tiếng nói chung
Tại cuộc đối thoại diễn ra vừa qua, các bên liên quan đã tìm được tiếng nói chung về đền bù đất sản xuất lúa bị bồi lấp tại thôn An Trung, xã Duy Trung (Duy Xuyên) do thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Người dân lắng nghe cán bộ huyện đọc thông qua biên bản buổi đối thoại. Ảnh: G.KHẢI |
Trong buổi đối thoại diễn ra vào ngày 14.12 tại hiện trường, người dân thôn An Trung cho biết, nước đang lênh láng nơi một số thửa ruộng là do mưa ngập. Đại diện 39 hộ bị ảnh hưởng, lão nông Nguyễn Như Đến cho biết, vì phụ thuộc vào nước trời nên đầu tháng 10 âm lịch nông dân phải xuống giống. Nếu thời tiết thuận lợi, giờ đây người dân đã tiến hành dặm sạ, chứ không phải tuân theo lịch thời vụ của ngành chức năng. Còn bây giờ mà canh tác, qua Tết Nguyên đán Bính Thân thì ruộng sẽ khô hạn bởi không tích nước được, dễ gây thất thu. “Người nông dân chúng tôi sống chủ yếu nhờ vào diện tích trồng lúa ở cánh đồng Hóc Cây Sơn này. Do đất bị bồi lấp trong quá trình thi công đường cao tốc, nhà thầu lại chậm khắc phục khiến cho việc xuống giống bị đình trệ. Cho nên chúng tôi đề nghị đơn vị thi công đền bù thiệt hại cho vụ đông xuân vì ngưng sản xuất” - ông Đến nói. Theo kinh nghiệm thực tế của người dân, một số thửa ruộng đã cày bừa không thể gieo sạ đơn lẻ. Nếu làm như thế, chuột hay sâu bọ sẽ cắn phá gây mất mùa. Đó là chưa kể, chuyện quản lý trâu, bò thả rông phá hoại đám ruộng canh tác nằm xen kẽ giữa thửa bỏ hoang rất khó khăn.
Đại diện các hộ dân trình bày lại sự việc. |
Lắng nghe tâm tư từ phía các hộ dân, ông Đỗ Tấn Nam - Giám đốc Ban điều hành công trường Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (đại diện nhà thầu) cho rằng doanh nghiệp mong muốn địa phương khoanh vùng diện tích bị ảnh hưởng thật sự để đền bù thửa ruộng bị ảnh hưởng nặng; đồng thời hỗ trợ chi phí cày bừa, thuốc, phân bón đối với thửa ruộng bị nhẹ hơn. Tuy nhiên, người dân nhất mực phản đối vì cho rằng toàn bộ cánh đồng không ít thì nhiều đều bị đất cao lanh bồi lấp. Trong khi đó, khâu khắc phục hoàn trả, nạo vét thông mương dẫn từ phía đơn vị thi công chưa kịp thời mới dẫn đến tình trạng mà ông Nguyễn Như Đến vừa trình bày ở trên. Về lâu dài, chính quyền các cấp cần có giải pháp đối với cánh đồng Hóc Cây Sơn, nên tiếp tục canh tác lúa hay chuyển đổi cây trồng khác cho phù hợp. Trước mắt, nhà thầu phải đền bù vụ đông xuân 200kg lúa khô/sào, tương đương 1,2 triệu đồng để bà con nông dân khỏi bị thiệt thòi.
Theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, mức giá đền bù, hỗ trợ 800 nghìn đồng cho mỗi sào (500m2) là hợp lý. Còn ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên thì cho rằng các hộ dân phải cân nhắc thấu đáo, làm sao để đảm bảo sự hài hòa giữa đôi bên. Đồng thời ông Bốn đề nghị đơn vị thi công xem những thửa bị ảnh hưởng gián tiếp cũng bồi thường đồng mức tại khu vực bị bồi lấp trực tiếp. Cuối cùng, các hộ dân đồng ý với số tiền đền bù vụ đông xuân là 800 nghìn đồng/sào. Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc cam kết sẽ bồi thường, hỗ trợ cho cả cánh đồng Hóc Cây Sơn rộng 3,8ha với mức giá như trên. Đồng thời nhà thầu khẩn trương tiến hành nạo vét mương dẫn, khắc phục đất bồi lấp đồng ruộng trong thời gian sớm nhất. Trước yêu cầu hỗ trợ đắp đập giữ nước ở phía thượng lưu đường cao tốc, đại diện công ty hứa sẽ phối hợp thực hiện khi địa phương có yêu cầu.
GIA KHẢI