Bưu điện văn hóa xã: Địa chỉ thân thiện với người dân

ĐẶNG TRƯƠNG 15/12/2015 09:28

Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm bưu điện văn hóa (BĐVH) xã phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) (2012 - 2015) trên toàn tỉnh gần như đã cán đích. Bộ mặt các điểm BĐVH xã có nhiều khởi sắc, góp phần không nhỏ đồng hành với chương trình xây dựng NTM.

Bốn năm trước, hầu hết điểm BĐVH xã trên toàn tỉnh đều thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị; hoạt động mang tính cầm chừng suốt một thời gian dài dẫn đến nhu cầu được cập nhật thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa, các dịch vụ công cộng của người dân không được đáp ứng một cách nhanh chóng và tiện ích, đời sống nhân viên gặp nhiều khó khăn... Chúng tôi có mặt ở điểm BĐVH xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn vào thời điểm cuối giờ làm việc buổi sáng của một ngày đầu tuần. Tuy đã khá trưa, nhưng tại đây mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường như khi mới mở cửa. Chị Trần thị Hiệp, nhân viên điểm BĐVH xã dường như không có thời gian rảnh để chuyện trò cùng khách. Một mình chị vừa hướng dẫn, thực hiện các thao tác trên máy vi tính phục vụ khách hàng có nhu cầu intenet, đọc báo chí, tra cứu kiến thức khoa học kỹ thuật cũng như thực hiện hàng chục loại hình dịch vụ trong và ngoài khu vực bưu chính - viễn thông đã và đang được triển khai ở đây. Từ chỗ hoạt động cầm chừng, thiếu sức sống ở những năm trước, giờ đây, BĐVH xã Điện Phước là một trong những điểm đến được ưu tiên của người dân xã này, mỗi năm phục vụ hàng nghìn lượt người dân trong xã. Ông Nguyễn Tấn Bảy - người dân xã Điện Phước, một vị khách khá quen thuộc của BĐVH xã  nói: “Nhìn chung BĐVH xã bây giờ đã phục vụ tốt nhu cầu của người dân, chúng tôi không cần phải đi xa, mọi thông tin cần thiết, những dịch cụ công cộng từ đơn giản cho đến các dịch vụ đòi hỏi tính bảo mật, kể cả việc chi trả lương hưu, trợ cấp người có công đều được quy về đây… khá thuận lợi cho việc đi lại của người dân”.    

Bưu điện văn hóa xã trở thành điểm hoạt động kinh doanh đa dịch vụ, ngày càng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG
Bưu điện văn hóa xã trở thành điểm hoạt động kinh doanh đa dịch vụ, ngày càng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG

Hết giờ mở cửa hằng ngày của BĐVH xã (8 giờ sáng đến 11giờ trưa mỗi ngày), chúng tôi theo chân chị Trần Thị Hiệp qua những con đường thôn xóm, mang trả tận tay khách hàng một số loại hình dịch vụ theo hợp đồng đã ký như các loại bảo hiểm, chứng minh thư, giấy phép lái xe... Nhờ hoạt động năng nổ, phong phú về loại hình dịch vụ như thế nên mấy năm gần đây, thu nhập của chị Hiệp đã tăng lên đáng kể: từ 600 đến 700 nghìn đồng một tháng nay đã lên 3 - 4 triệu đồng. Chị Trần thị Hiệp nói: “Bây giờ chúng tôi có rất nhiều việc để làm, bù lại khoảng thời gian trước đây, hoạt động èo uột, lương không đủ sống. Tuy vất vả, nhưng thu nhập tăng đáng kể, thế là vui rồi”.        

Đến điểm BĐVH xã Đại Phong, huyện Đại Lộc hôm nay, nhìn cơ ngơi xinh xắn, trang thiết bị được bài trí, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng và khoa học mà đặc biệt là không khí hoạt động khá sôi nổi với thái độ phục vụ nhiệt tình, gần gũi, đầy thân thiện của chị Lê Thị Thu Nguyệt, người có thâm niên hơn 8 năm làm nhân viên ở đây... ít ai nghĩ chỉ cách đây vài năm, BĐVH xã Đại Phong cũng như hàng trăm điểm BĐVH xã ở Quảng Nam rơi vào tình thế bế tắc dẫn đến phải đóng cửa hàng loạt. Bây giờ, BĐVH xã Đại Phong được xem như một điểm sáng nhất của chuỗi BĐVH xã ở huyện Đại Lộc, vừa góp phần đắc lực trong việc thực hiện tiêu chí thứ 8 của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của xã, vừa thực hiện vai trò, chức năng giống như một bưu cục cấp ba của ngành bưu điện khi được đầu tư, nâng cấp trở thành một trong 6 điểm BĐVH xã ở Quảng Nam hoạt động, kinh doanh đa dịch vụ. Chị Lê thị Thu Nguyệt, trước đây lương ba cọc, ba đồng, giờ có thu nhập trên 5 triệu đồng một tháng. Bản thân chị được nhận nhiều giấy khen của ngành, của địa phương vì đã góp phần vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVH xã đồng thời tạo được một “địa chỉ” thân thiện có sức thu hút đối với người dân. Ông Trần văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phong cho rằng: “Rõ ràng, khi điểm BĐVH xã được đầu tư đúng hướng, phát huy đúng tiềm năng và lợi thế của mình, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi với điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội còn nhiều khó khăn thì hiệu quả hoạt động sẽ không ngừng được nâng cao về mọi mặt, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng NTM ở địa phương”. Ông Ngô Ngọc Thọ - Giám đốc Bưu điện huyện Đại Lộc tiết lộ: “Có nhiều nhân viên điểm BĐVH xã ở Đại Lộc, sau nhiều năm phục vụ tốt trong công việc, chúng tôi đã ưu tiên tuyển dụng vào làm việc lâu dài trong ngành ở cấp huyện, nhưng điều lạ là nhiều người không chịu rời xa công việc hiện tại ở điểm BĐVH xã vì cho rằng họ đang rất yêu thích công việc, thu nhập lại ổn định, nhất là được gần gũi bà con nhân dân mỗi ngày…”. Có lẽ điều ông Thọ đã minh chứng cho “sức sống” của điểm BĐVH xã hiện nay.

Theo số liệu của ngành bưu điện, qua 4 năm triển khai đề án nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVH xã phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2012-2015, toàn tỉnh đã đầu tư cho 50 điểm BĐVH xã với hơn 200 bộ máy tính và 200 bộ bàn ghế; hơn 6.700 đầu sách và 155.000 tờ báo; hỗ trợ cho mỗi điểm BĐVH xã một tháng 350.000 đồng. Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hoạt động cho 22 điểm BĐVH xã với nhiều cơ chế đặc biệt về trang thiết bị và dịch vụ, văn hóa phẩm... Điều này thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, của ngành bưu điện nhằm từng bước nâng cao hơn nữa hoạt động điểm BĐVH xã vừa làm tốt nhiệm vụ của ngành bưu điện, vừa góp phần song hành cùng các địa phương trong chương trình xây dựng NTM. Ông Trần văn Địch -  Giám đốc Bưu điện tỉnh khẳng định: “Điều căn bản của chúng tôi bây giờ là tăng cường hoàn thiện khâu đầu tư cơ sở vật chất và tiếp tục đào tạo con người cho hoạt động này... tôi có niềm tin rằng, hoạt động của BĐVH xã sẽ ngày càng phát triển, góp phần cùng với toàn tỉnh làm thay đổi diện mạo ở những vùng quê Quảng Nam”.

ĐẶNG TRƯƠNG

ĐẶNG TRƯƠNG