Công trình nước sạch: Quản lý yếu kém sau đầu tư

TRẦN HỮU 14/12/2015 09:51

Mạng lưới nước sạch đã đầu tư rộng khắp từ khu vực nông thôn đến thành thị, khu công nghiệp. Thế nhưng, nguồn tài nguyên nước bị khai thác, sử dụng chưa hiệu quả; nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng nặng, trong khi đó cơ chế quản lý, duy tu bảo dưỡng sau đầu tư bộc lộ nhiều bất cập.

Công trình nhiều, đạt chuẩn ít

Tại vùng đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 13 nhà máy cấp nước sạch công suất 1.000 - 15.000m3/ngày, đêm. Theo báo cáo của các đơn vị quản lý nhà máy nước, các nhà máy nước hiện nay không phát huy hết công suất do mạng lưới tiêu thụ không đồng bộ với năng lực khai thác của nhà máy. Hiệu quả hoạt động thấp do tồn tại hai hệ thống cấp nước đô thị và nông thôn cho một khu vực. Đơn cử, Nhà máy nước Đông Phú (Quế Sơn) và Trạm cấp nước Bình Lâm phục vụ cho địa bàn xã Bình Lâm (Hiệp Đức); Nhà máy nước Phú Ninh và Trạm cấp nước khu vực Cẩm Khê cùng phục vụ cấp nước cho địa bàn Phú Ninh. Chất lượng nguồn nước ở một số nơi giảm do bị nhiễm mặn vào mùa khô, các nhà máy công nghiệp chưa xử lý triệt để nước thải xả ra ngoài. Sở Xây dựng đánh giá, tỷ lệ sử dụng nước sạch tại đô thị đạt trung bình 67%. Vùng đô thị ở phần lớn các địa phương đều đầu tư mạng lưới cấp nước, nhưng qua thời gian nhiều đường ống bị rò rỉ, xuống cấp, tình trạng thất thoát nước vượt quá tỷ lệ cho phép.

Nhiều năm nay, người dân xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Ảnh: T.H
Nhiều năm nay, người dân xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Ảnh: T.H

Ở khu vực nông thôn, nước sạch trở thành nỗi lo thường ngày. Toàn tỉnh có 451 công trình cấp nước tập trung cho vùng này, nhưng mới đây UBND tỉnh công bố số liệu Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh năm 2014 thì chỉ có 77 công trình có khả năng hoạt động bền vững (chiếm hơn 15% tổng số công trình hiện có); hơn 29,5% công trình hoạt động kém hiệu quả và hơn 17% công trình ngừng hoạt động. Người dân sử dụng nước sạch khu vực này chỉ đạt gần 40%. Nguyên nhân dẫn đến dịch vụ nước sạch nông thôn kém vì công tác quản lý sau đầu tư bị xem nhẹ, không thu phí sử dụng nước, tỷ lệ thất thoát nước cao. Đáng nói, có nhiều công trình hoàn thành và bàn giao cho đơn vị quản lý nhưng sau đó phải tự giải thể vì không có chi phí vận hành, duy tu bảo dưỡng. Sở Xây dựng cũng thừa nhận, công trình cấp nước tương đối nhiều nhưng chủ yếu hệ thống nước tự chảy công suất nhỏ, hầu hết chỉ mới đầu tư theo hình thức lắng lọc bằng cát – sỏi – sạn đáp ứng sử dụng nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Gần 10 năm nay, người dân sống dọc ven sông Trường Giang qua xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ), các xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2 (Núi Thành) thường xuyên sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Một số hệ thống cung cấp nước sạch dù đầu tư nhưng do công suất nhỏ đã không tiếp cận được từng hộ gia đình. Người dân còn thói quen sử dụng nước ngầm bị ô nhiễm.

Cơ chế thông thoáng

Do sống chung với nguồn nước nhiễm mặn từ sông Trường Giang, nên gần 1.000 hộ dân trên địa bàn xã Tam Xuân 2, Tam Xuân 1 (Núi Thành) đành phải bỏ tiền ra mua nước sạch ở các vùng lân cận. Riêng xã Tam Xuân 2, có 2 công trình nước sạch do Tổ chức Đông – Tây hội ngộ đầu tư vận hành lâu nay nhưng vì công suất nhỏ nên dân hưởng lợi còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, khảo sát của Sở Xây dựng cho thấy, các công trình sau đầu tư thường bị vướng mắc trong khâu quản lý, vận hành duy tu, bảo dưỡng. Vì thiếu kinh phí sửa chữa, tái đầu tư nên các công trình nước sạch bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Thái Hoàng Vũ – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, đầu tư nước sạch là nhiệm vụ cần thiết trong chính sách phát triển đô thị và bảo vệ môi trường giai đoạn xây dựng nông thôn mới. Tình trạng cấp nước sạch tổng thể chưa đạt yêu cầu, công nghệ đầu tư còn lạc hậu, quản lý sau đầu tư chồng chéo. Chất lượng nguồn nước cung cấp thấp, tỷ lệ người dân dùng nước sạch chưa cao. Trước thực trạng đó, cần phải có nguồn lực đủ lớn để thực thi đồng bộ, phát triển mạng lưới nước sạch rộng khắp và đảm bảo chất lượng. Cho nên, Nhà nước cần cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung.

Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, UBND tỉnh đề xuất cơ chế khuyến khích ưu đãi đầu tư về lĩnh vực nước sạch. Cụ thể, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 30% cho dự án cung cấp nước sạch đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp đối với TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, các huyện Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn. Ở khu vực nông thôn, mức hỗ trợ cao nhất lên đến 90% đối với dự án cấp nước ở các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển (trừ các vùng bãi ngang ven biển khu vực Điện Bàn – Hội An) và xã biên giới, hải đảo. Doanh nghiệp đầu tư nước sạch sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo; được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động. Thêm nữa, doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất, hoặc miễn tiền sử dụng đất; được ưu tiên quỹ đất cho việc xây dựng công trình dựa trên nhu cầu thực tế và yêu cầu phát triển từng giai đoạn theo quy hoạch cấp nước được UBND tỉnh duyệt. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hỗ trợ giá tiêu thụ nước, ngân sách xem xét cấp bù để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, cơ chế cho nhà đầu tư cung cấp nước sạch rất thông thoáng, bù lại doanh nghiệp phải có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, có năng lực tài chính, năng lực quản lý khai thác và cam kết cung cấp dịch vụ nước sạch tốt nhất. Nguyên tắc bắt buộc là các dự án phải phù hợp với quy hoạch cấp nước, hoặc quy hoạch xây dựng được UBND tỉnh phê duyệt.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU