Kiểm soát đầu tư công và nợ tạm ứng
Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa VIII kết thúc vào cuối tuần qua với khá nhiều nghị quyết được thông qua, “tiếp sức” cho sự phát triển của tỉnh. Cũng trong ngày làm việc cuối cùng này, nghị trường đã “nóng” lên với những cuộc chất vấn, tranh biện, đối thoại, giải trình về việc quy hoạch chồng chéo, thiếu kiểm soát đầu tư công gây ra nợ hay lãng phí ngân sách…
Cầu Cửa Đại và tuyến giao thông ven biển là công trình làm ngân sách nợ rất nhiều, chưa thể xử lý trong ngắn hạn. Ảnh T.DŨNG |
Ai chịu trách nhiệm khi vốn nhà nước thất thoát?
Không nhiều chất vấn, nhưng nghị trường “nóng bất thường” với những truy vấn về số nợ tạm ứng không thể thu hồi và dự án đầu tư lãng phí. Đại biểu Nguyễn Văn Hùng nêu câu hỏi về vấn đề tạm ứng ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản thời điểm trước năm 2010 đến nay còn khoảng 36 tỷ đồng không có khối lượng thanh toán, khả năng sẽ không thu hồi được. Cơ quan có thẩm quyền và chủ đầu tư cho tạm ứng vốn phải có biện pháp gì để khắc phục hậu quả, không thể để tiền thuế của dân rơi vào túi một ai đó mà vẫn im lặng. Nguyên nhân nào làm cho vụ việc này dai dẳng kéo dài và gần như bế tắc? Hay như thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận thất thoát hơn 35 tỷ đồng dự án cầu Cửa Đại và khu tái định cư Tam Anh Nam do áp giá và nghiệm thu sai quy định? Vấn đề này xử lý như thế nào?
Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai - Đỗ Xuân Diện giải thích số nợ đọng không thể thu hồi thuộc về các dự án, gói thầu đã ngừng thi công, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã giải thể… không tìm ra địa chỉ. Chủ đầu tư đã chuyển hồ sơ nhà thầu bất hợp tác sang cơ quan pháp luật, nhưng đều bị bác bỏ vì không thể xác định được tài sản và không biết kêu ai tới hầu tòa… Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã thu hồi hơn 90% khoản nợ tạm ứng này. Số nợ ngày càng giảm. Quý I-2016 sẽ tiếp tục hoàn ứng, tiếp tục kiện ra tòa… Còn số không thu hồi được, không thể quy trách nhiệm cho ai vì số nợ này xảy ra từ năm 2004, 2005…, nay một số đã chuyển công tác, nghỉ việc… Sẽ báo cáo UBND tỉnh cho giải pháp xử lý. Riêng kết luận của thanh tra Bộ Xây dựng, ông Diện cho biết sai phạm tại khu tái định cư Tam Anh Nam, nhà thầu đã trả vốn lại. Còn cầu Cửa Đại, sai phạm này đã được chủ đầu tư phát hiện trước cả thanh tra, các đơn vị sẽ điều chỉnh giá một lần khi quyết toán. Việc này chưa xảy ra nên khi quyết toán sẽ điều chỉnh lại hợp đồng và giảm giá quyết toán.
Kết luận thanh tra cho thấy dự án cầu Cửa Đại gây thất thoát hàng chục tỷ đồng. |
Đại biểu Nguyễn Văn Hùng không đồng tình với câu trả lời của ông Diện. Ông Hùng nói cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư về việc thi công ì ạch. Chuyện này đã chất vấn từ năm 2011, ai cũng nói là quyết liệt, thậm chí nói cơ quan pháp luật sẽ vào cuộc, nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Ông Hùng không tin năm 2016, cơ quan này sẽ thu hồi hết khoản nợ đọng kéo dài nhiều năm này. “Nếu chủ thầu ứng vốn không tìm được thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Cơ chế phải sòng phẳng. Không lẽ huề. Tiền ngân sách cũng là tiền của dân nên thất thoát phải có ai chịu trách nhiệm chứ? Cần thời gian thực hiện trả nợ. Điều tra kết luận làm rõ đúng sai. Không thể để tiền mất đi và không ai chịu trách nhiệm” - ông Hùng nói.
Kiểm soát đầu tư công chặt chẽ hơn
Chuyện nhà khách 188 tỷ đồng đã được đại biểu nêu lên tại kỳ họp. Đại biểu Nguyễn Văn Hùng nói không có nguồn đầu tư, nhiều nghị quyết của HĐND ban hành hàng năm chỉ được phân bổ kinh phí nhỏ giọt. Vậy tại sao UBND tỉnh đã bỏ ra gần 200 tỷ đồng để đầu tư một nhà khách, không hề thông qua HĐND tỉnh, góp phần làm cho nợ đầu tư xây dựng cơ bản tăng lên hàng nghìn tỷ đồng, không biết rồi sẽ giải quyết ra sao? Công trình đầu tư từ ngân sách nhà nước mà không thông qua HĐND là đúng quy trình thủ tục không? Hiệu quả đầu tư thế nào? Tại sao đầu tư nhà khách mà nay lại chuyển thành khách sạn? Rất khó hiểu là vì sao công trình không có tên trong danh mục đầu tư theo quy định của pháp luật mà Thường trực HĐND tỉnh vẫn hạ bút ký cho tạm ứng vốn một lúc đến 30 tỷ đồng và sau đó cũng không báo cáo cho HĐND theo quy định? Có phải chăng Thường trực HĐND đã biết việc làm không đúng mà vẫn ủng hộ?
Việc đầu tư xây dựng nhà khách Quảng Nam đã được nêu lên tại kỳ họp thứ 15 vào cuối tuần qua. Ảnh: T.DŨNG |
Câu hỏi ông Hùng làm dậy lên vụ việc tưởng đã nguội lạnh. Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Lê Phước Hoài Bảo cho rằng việc xây dựng nhà khách là cần thiết và sáng suốt. Khi ấy chưa có Mường Thanh, Tam Kỳ không có cơ sở nào đủ tầm cỡ đón khách. Nhà khách này đã giao cho Công ty CP Du lịch Hội An khai thác trong 10 năm để trả lại số tiền mà ngân sách đã bỏ ra. Theo cam kết, giai đoạn 2016 - 2018, mỗi năm doanh nghiệp chuyển trả ngân sách tỉnh 3,9 tỷ đồng, qua giai đoạn 2019 - 2025 là gần 5 tỷ đồng/năm. Lý giải này không thuyết phục được đại biểu Nguyễn Văn Hùng. Ông Hùng cho rằng quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng công trình này không có trong danh mục đầu tư của Nghị quyết HĐND tỉnh là sai luật. Quy trình đầu tư phải tuân thủ luật. Thấy lạ là phê duyệt nhà khách Quảng Nam không có trong danh mục được HĐND thông qua. Thường trực HĐND tỉnh cho tạm ứng 30 tỷ đồng và báo cáo trong công văn tạm ứng thì phải giải trình, nhưng chưa thấy đưa ra HĐND. Tại sao lại làm như vậy?
Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, UBND tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, của cử tri và nêu quyết tâm lãnh đạo, điều hành thực hiện tốt các nội dung kỳ họp lần này nêu ra. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, các thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua là nỗ lực rất lớn của toàn tỉnh, là động lực để Quảng Nam tiếp tục phát triển. Đối với các tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cũng được UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ khắc phục cụ thể. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý, điều hành cùng với Tỉnh ủy thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển của năm 2016, của nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. |
Những câu trả lời chưa làm thỏa mãn người chất vấn. Nhưng cho dù có biện bạch thế nào thì chuyện nợ tạm ứng và đầu tư không đúng luật vẫn là chuyện đáng để bàn. Một bước chuyển từ nhà nước kế hoạch hóa, bao cấp sang nhà nước kiến tạo không có lý do gì nhà nước bỏ tiền ra để đầu tư một công trình để kinh doanh! Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói Luật Đầu tư công có nhiều nội dung mới. Sẽ phải tổ chức thực hiện đúng quy trình. Các quy trình đầu tư xây dựng cơ bản sẽ tốt hơn. Sẽ có chuyên đề thu hút đầu tư, xây dựng các dự án động lực, tăng nguồn lực cho ngân sách nhà nước, Sẽ giao kế hoạch đầu tư đúng theo luật. Công trình nào có trong danh mục và dự toán từ đầu năm sẽ tiến hành đầu tư còn không thì bác bỏ.
Chuyện đúng hay sai bây giờ cũng thành “chuyện đã rồi”. Vấn đề quan trọng là thông qua những cuộc tranh biện này, ngân sách nhà nước sẽ buộc chặt hơn và kiểm soát đầu tư công sẽ được nâng lên hiệu quả hơn. Đó là hy vọng của công luận, bởi sẽ không quy được trách nhiệm cá nhân, không tạo sức ép cho trách nhiệm giải trình, không bảo đảm tính công khai minh bạch, ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục là “bầu sữa” cho sự lạm dụng. Các đại biểu HĐND đừng quên rằng, dù chính quyền chịu trách nhiệm lập và phân bổ ngân sách nhà nước, nhưng chính họ chứ không phải ai khác hàng năm đều biểu quyết thông qua dự toán ngân sách này và cũng biểu quyết thông qua quyết toán ngân sách của chính quyền. Chắc chắn ai cũng biết những hậu quả nghiêm trọng của nạn tùy tiện trong kỷ luật tài chính. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho nạn lãng phí và tham nhũng. Thế mà vấn nạn này lại diễn ra hết năm này sang năm khác trước mắt các đại biểu được bầu ra để giám sát. Vì vậy, các đại biểu rất cần dũng cảm trong việc dùng quyền lực của mình đã được quy định trong luật. Các đại biểu cần thấy rằng không gì làm nản lòng cử tri hơn một khi HĐND do họ bầu ra - cơ quan quyền lực cao nhất ở cấp tỉnh, cũng phải đành chịu thua trong việc giám sát chi tiêu ngân sách.
TRỊNH DŨNG