Châu Á: Lực lượng lao động lão hóa gia tăng

QUỐC HƯNG 10/12/2015 10:40

Tình trạng cơ cấu dân số “già hóa” khiến nhiều nền kinh tế lớn của châu Á quan ngại.

Mặc dù việc hạn chế gia tăng dân số để giảm bớt hệ lụy đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhưng, nền kinh tế thứ 3 châu Á - Nhật Bản vừa trải qua 2 quý suy thoái liên tiếp, nay đang chịu sức ép của tình trạng lão hóa trong lực lượng lao động. Cụ thể, tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) bắt đầu giảm từ 4,54 vào năm 1947 xuống còn 1,26 vào năm 2005. Bằng nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy nâng cao tỷ lệ gia tăng sinh nở của chính phủ nhưng con số này tăng nhẹ và chững lại ở mức 1,43 vào năm 2013, rồi xuống thấp trở lại vào năm 2014. Tình trạng già hóa dân số khiến nền kinh tế Nhật Bản thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động trẻ. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo chỉ trong vòng 10 năm tới, tổng lực lượng lao động tại Nhật sẽ giảm đi 10% nếu chính phủ không thay đổi chính sách lao động hiện nay.

Người cao tuổi tại Nhật Bản. Ảnh: Todayonline
Người cao tuổi tại Nhật Bản. Ảnh: Todayonline

Hàn Quốc cũng đang lo ngại về tình trạng tương tự. Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC Frederic Neumann cho biết, lực lượng lao động (trong độ tuổi lao động) tại Hàn Quốc co cụm rõ rệt và thậm chí tình trạng này còn đáng quan ngại hơn tại Nhật Bản và Trung Quốc. Mặc dù từ năm 2006 đến nay, Chính phủ Hàn Quốc đã chi 81,2 nghìn tỷ won, tương đương 70 tỷ USD để cải thiện tỷ lệ sinh. Vào năm 2013, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc là 1,2 - mức thấp thứ ba trên thế giới. Chính quyền Seoul mới đây cho biết sẽ trình kế hoạch 5 năm tới trong tháng 12.2015 để khuyến khích người dân sinh con. Mục tiêu của Hàn Quốc là tăng số con của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại đây lên 1,5 vào năm 2020 và 2,1 vào năm 2045.

Với nền kinh tế lớn hứ hai và là quốc gia đông nhất thế giới - Trung Quốc, lực lượng độ tuổi lao tăng gấp đôi giai đoạn 1990-2000, được xem là sức bật cho nền kinh tế tăng trưởng nóng trong suốt hai thập kỷ qua. Thế nhưng, sự bùng nổ kinh tế này đã qua. Việc áp dụng “chính sách một con” tại Trung Quốc kể  từ năm 1979 khiến tỷ lệ sinh quá thấp trong nhiều năm qua, kéo theo nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng lực lượng lao động. Ngoài ra, số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đang gánh chịu rất nhiều khó khăn khi vừa phải nuôi em bé, vừa chăm sóc cả “tứ thân phụ mẫu”, cản trở phát triển kinh tế. Chính vì thế, tại hội nghị bàn về kế hoạch phát triển 5 năm tới vào cuối tháng 10 vừa qua, Trung Quốc công bố quyết định bãi bỏ “chính sách một con” trong nỗ lực gia tăng lực lượng lao động trẻ.
Cũng theo HSBC, tình trạng lão hóa trong lực lượng lao động tại khu vực châu Á nói chung giảm mạnh trong vòng 15 năm qua và sẽ kéo theo trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, một dấu hiệu tích cực cho thấy lực lượng lao động trẻ đang gia tăng trở lại tại Philippines, Ấn Độ và Indonesia. Chuyên gia kinh tế Frederic Neumann cho rằng, trong việc điều chỉnh những tác động không mong muốn từ việc già hóa dân số đang gia tăng, chính phủ các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước đang phát triển cần tập trung đầu tư hơn vào chất lượng giáo dục.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG