Hậu thế vọng Nguyễn Du (tiếp theo và hết)
|
Đối với Truyện Kiều, đây là kiệt tác văn học, đề cập vấn đề quyền sống, là tinh thần đấu tranh bảo vệ con người, đề cao con người, chống lại mọi bất công, tha hóa. Cùng với giá trị đó, Truyện Kiều đã lấp lánh những tư tưởng của Nguyễn Du với nhãn quan tam giáo (Nho, Phật, Đạo). Bên cạnh giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, Truyện Kiều là sự hội tụ của nghệ thuật vô song, kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa, văn học dân gian và văn chương bác học phương Đông cổ điển… Bao nhiêu năm nay, chúng ta đọc và say mê Truyện Kiều một phần bởi cái giọng điệu lục bát dễ đọc, dễ thuộc, dễ nghe. Nguyễn Du đã gửi gắm ở Truyện Kiều một tình yêu lớn đối với tiếng nói và thể thơ dân tộc. Ông dùng những từ ngữ, những cách diễn đạt gần gũi với tiếng nói của nhân dân. Dân dã mà vẫn uyên bác và giàu chất nghệ thuật. Đọc Truyện Kiều ta cảm phục được cái tài biểu cảm của ông ở thể thơ lục bát giàu âm thanh, hình ảnh và sắc điệu.
Về giá trị hiện thực, tác phẩm đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam. Về giá trị nhân đạo, Truyện Kiều là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lý và ngợi ca vẻ đẹp của con người. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du thể hiện ước mơ đẹp đẽ về một tình yêu tự do, trong sáng, thủy chung trong xã hội mà quan niệm về tình yêu, hôn nhân còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim - Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc. Truyện Kiều còn là bài ca ca ngợi vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng... Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó. Thông qua nhân vật Từ Hải, người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả xã hội bạo tàn, Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng công lý tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng.
Truyện Kiều còn là tiếng nói lên án các thế lực tàn bạo, chà đạp lên quyền sống con người. Thế lực đó được điển hình hóa qua các nhân vật như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, qua bộ mặt quan tham như Hồ Tôn Hiến… Đó còn là sự tàn phá, hủy diệt của đồng tiền trong tay bọn người bất lương tàn bạo, nó có sức mạnh đổi trắng thay đen, biến con người thành thứ hàng hóa để mua bán, chà đạp.
Về giá trị nghệ thuật, Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân. Với Truyện Kiều, tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca, là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Công đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong lịch sử. Nghệ thuật tự sự trong Truyện Kiều cũng đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách nhân vật và miêu tả tâm lý con người. Trong lời tựa cuốn Truyện Kiều ra mắt lần đầu tiên vào năm 1820, Mộng Liên Đường chủ nhân (Nguyễn Đăng Tuyển, 1795 - 1880) đã viết: “...Tố Như sử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, thì tài nào có bút lực ấy...”.
Với những giá trị to lớn ấy, hàng trăm năm nay, “Truyện Kiều” luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả từ trí thức tới người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ người Việt Nam, là cảm hứng sáng tác cho rất nhiều những tác phẩm thi ca, nhạc họa sau này. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.
Đánh giá về Truyện Kiều, trong lời đầu sách Từ điển Truyện Kiều (1974), GS. Đào Duy Anh viết: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta...”. Nhà giáo nhân dân - GS. Lê Đình Kỵ, người được xem là “chuyên gia Truyện Kiều” đã có những trang văn nhận định thú vị: “Truyện Kiều nổi lên so với những giá trị văn học đương thời, và khiến sáng tác của Nguyễn Du gần với chúng ta ngày nay, về cả nội dung và hình thức nghệ thuật... Trước sau Truyện Kiều vẫn là di sản vĩ đại, là tuyệt đỉnh của nền văn học dân tộc quá khứ. Quan điểm lịch sử cũng như đòi hỏi muôn đời của giá trị văn học đều cho phép ta khẳng định điều đó”. Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, trong đó tiếng Pháp có trên 10 bản dịch, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc trên 10 bản, tiếng Nhật có 5 bản…
Với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại, tháng 12.1964, tại thành phố Béclin (Đức), Hội đồng Hòa bình thế giới ra quyết định tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1765 - 1965) cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã có Chỉ thị số 112-CT/TW, ngày 26.10.1965 “Về việc kỷ niệm Nguyễn Du”. Đây là cột mốc lớn trong việc nghiên cứu, khẳng định và tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều. Từ đó đến nay các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tác phẩm của Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều luôn được tiến hành và thu nhiều kết quả mới, nhất là vào các dịp kỷ niệm 240 năm, 245 năm ngày sinh của Nguyễn Du do Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL), Hội Nhà văn Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức.
Ngày 25.10.2013, kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tại Paris đã ban hành Nghị quyết số 37C/15 phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới. Theo đó, hoạt động tôn vinh được triển khai ở Việt Nam và tại các nước trong cộng đồng UNESCO (niên độ 2014 - 2015).
Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, không chỉ là sự tôn vinh của hậu thế đối với những giá trị đã định danh, mà còn là nén tâm hương thành kính của lớp con cháu tưởng nhớ tới con người đã có công làm cho “đất nước hóa thành văn” ấy. Gần lại với Nguyễn Du hơn, hiểu hơn những tâm sự và gửi gắm của ông với cuộc đời, với văn chương, ấy là cách tôn vinh cần có nhất trong mọi thời điểm, mãi mãi về sau.
LÊ MAI