Hội An: "Loay hoay chuyện quy hoạch"
“Nhìn những cây cầu mới trong nội ô thành phố, sẽ thấy Hội An đang lúng túng như thế nào trong câu chuyện quy hoạch” - ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ về những mối băn khoăn trong tiến trình phát triển đô thị Hội An.
Hàng rong Hội An. Ảnh: Lê Vấn |
* Sau 16 năm từ ngày trở thành Di sản Văn hóa thế giới (4.12), Đô thị cổ Hội An vẫn giữ cho mình một “màu sắc” riêng với những giá trị đa dạng. Nhưng một Hội An trong tương lai – với sự chờ đợi, kỳ vọng của nhiều người, chắc chắn sẽ phải đối diện với rất nhiều áp lực. Đầu tiên là một cư dân đô thị cổ, sau nữa là người gắn bó xuyên suốt, nắm giữ những câu chuyện bảo tồn các di tích, phế tích trong lòng di sản, điều gì khiến ông lo lắng nhất khi nghĩ đến ngày sau của một “bảo tàng sống” như Hội An?
Đã đến lúc phải quan tâm đặc biệt đến lực lượng kế thừa trên mọi lĩnh vực tại một đô thị di sản như Hội An. Khi đạt đến độ chấp nhận được, không để dư luận than phiền, không để công dân phố cổ phải kêu la, thì việc quản lý chuyên môn sẽ dễ dẫn đến chủ quan. Cứ theo người trước vậy mà làm. Nhất là trong ngành bảo tồn di tích, điều này rất dễ xuất hiện. Các ngành khoa học bảo tồn luôn cần phải có sự vận động. Giữ một di tích ở yên thì buộc người quản lý phải có động thái kín kỹ, phải trang bị đủ kiến thức chuyên môn về văn hóa lịch sử và kỹ thuật hiện đại để giữ. Những kiến thức cũ có thể sẽ còn phù hợp trong nhiều đoạn thời gian, nhưng trong tiến trình đô thị hóa, đặt nó vào hoàn cảnh mọi thứ đều biến đổi, nhưng anh vẫn giữ cách nghĩ cũ, thì có thể nó sẽ không còn phù hợp. Điều này đòi hỏi thế hệ mới cần phải năng động hơn. Tôi nói cụ thể ở Hội An, quá trình phát triển đã và sẽ tiếp tục làm biến đổi khu đô thị này, buộc thế hệ tiếp theo sẽ phải biết cách làm gì để đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu sự biến đổi theo hướng tiêu cực. Người lớp trước, người lớp sau phải chung lưng mà nghĩ, với trách nhiệm của một cư dân đô thị cổ, để tìm kiếm giải pháp. Tất nhiên phải ưu tiên cho lớp trẻ.
Đó là riêng về bộ phận quản lý di tích, bảo tồn. Điều này phải lo, nhưng chưa đến mức phải ở cấp độ 1. Thẳng thắn nhìn nhận Hội An bây giờ, đang rất cần một bản quy hoạch có tầm nhìn xa.
* Nghĩa là lâu nay, Hội An vẫn đang loay hoay với câu chuyện quy hoạch, thưa ông?
Đúng, lâu nay quy hoạch của Hội An phụ thuộc vào lãnh đạo. Xong nhiệm kỳ người này đến nhiệm kỳ người khác thì lại đổi chỗ này, thay chỗ khác. Bản quy hoạch vẫn chưa đủ tầm cho sự phát triển của một Khu di sản văn hóa - một “bảo tàng sống”. Hội An không thể theo cách làm của các địa phương khác. Vì đây là vùng đất có tính đặc thù, từ điều kiện tự nhiên, địa lý đến lịch sử phát triển. Tôi hay nói vui, hãy nhìn những chiếc cầu để biết về quy hoạch Hội An. Có thể ở thời hiện tại, chừng đó là phù hợp. Nhưng 20, 30 năm sau sẽ không còn phù hợp. Quy hoạch tổng thể của Hội An nếu không nhìn xa từ 50 năm trở lên sẽ không kiểm soát được sự phát triển, nhất là tốc độ phát triển như hiện tại.
Dân người ta không kêu, nhưng phàn nàn, vì chẳng biết đâu mà lần. Lúc thì cho mở, lúc lại bảo đóng. Ví dụ như chuyện homestay, hôm nay thì cho phép mở, sau đó thấy dân mở nhiều quá thì bảo đóng. Muốn quy hoạch hợp lý thì phải tập hợp được nhiều lực lượng khoa học, lấy ý kiến người dân, có vậy mới lâu dài. Quy hoạch phố Hội An bây giờ phải tính cả đến chuyện biến đổi khí hậu. Nếu lấy trung tâm phố cổ xoay vòng trong bán kính 5km, thì sẽ thấy Hội An tập trung đầy đủ loại hình du lịch khác nhau, từ trải nghiệm, mua sắm, làng quê, sông nước, biển cả. Khách Tây thích đến Hội An vì nhiều tiện nghi như vậy. Phát triển trên nền tảng văn hóa gắn với môi trường sinh thái, thì bản quy hoạch, tôi nghĩ phải đi từ tư duy tôn trọng thiên nhiên, môi trường và nhìn lại cái tinh thần mà tiền nhân đã làm với cảng thị Faifoo.
* Rất nhiều ý kiến cho rằng Hội An đang cũ kỹ, chỉ biết trì níu quá khứ. Rằng Hội An cần một sự khác biệt trong việc dựng lại những kết cấu không gian, rồi thì trên những phố cổ đã còn rất ít cư dân bản địa, rằng người ta hỏi liệu nguồn lợi từ di sản đã và đang phân bổ cho những ai, như thế nào? Rồi việc nhập cư ồ ạt, khiến Hội An đang dần đổi như một cái chợ đầy xô bồ, hỗn tạp. Ông nghĩ sao về những điều này?
Thật tình mỗi khi có dư luận không hay về Hội An thì mình buồn chứ. Nhưng đúng là bây giờ, ở các khu phố cổ - phố kinh doanh, rất khó tìm được cư dân gốc. Chủ yếu là những người thuê nhà để kinh doanh. Không còn con người chiều sâu. Trước sự va đập, biến đổi của phố thị, thay đổi kết cấu dân cư đô thị cũng là điều tất yếu. Bạn biết tại sao Hội An được gọi là một “bảo tàng sống”? Bởi cái giá trị “bảo tàng sống” nằm trong lịch sử kiến trúc, lịch sử dân cư đô thị và những sinh hoạt đời thường vẫn còn diễn ra trong không gian của “khu bảo tàng”. Nó sống là vì vậy.
Nhắc lại câu chuyện của hơn 400 năm trước, thì đúng Faifoo là nơi hội tụ. Thời các chúa Nguyễn đã bố trí thương nhân Nhật, thương nhân Hoa ở đâu. Sự hội tụ dân cư đã có từ lịch sử. Và hiện tại, Hội An cũng đang lặp lại quá trình hội tụ đó. Vấn đề bây giờ, nếu nói theo ngôn ngữ của văn bản, thì Hội An, trong khu vực phố cổ, những người mang hộ khẩu thường trú thì trở thành tạm trú, và người tạm trú thì lại là thường trú. Chính vì vậy, phải xem những người tạm trú - người đang kinh doanh trên phố, như một công dân Hội An và buộc họ phải có trách nhiệm với Hội An.
Sự phát triển là tất yếu, không thể ngăn cản chủ sở hữu di tích cho thuê nhà, hoặc chuyển nhượng. Vấn đề trong sự phát triển, chúng ta phải ứng xử như thế nào với những thực tế biến đổi đang diễn ra. Đã đến lúc các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học và các cấp ngành của thành phố cùng bình tâm nhìn nhận về sự phát triển bền vững của Hội An. Không thể ung dung với những thành tích đạt được và lơ là với phản ứng của dư luận. Nếu như không có những giải pháp để giữ nếp nhà – thứ tất yếu làm nên hồn vía Hội An, không có cách để những người đang sinh sống ở Hội An coi mình cũng là một cư dân đô thị, thì chặng đường phát triển của Hội An còn nhiều gian nan.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
SONG ANH (thực hiện)