Như sương đầu núi
(QNO) - Năm 1995, tôi đi Tắc Pỏ, lúc đó xe cộ là oái ăm, đường sá thì khỏi bàn, may sao lên huyện Trà My thì được ông Reo cho đi nhờ. Tất cả dồn lên chiếc U Oát. Ký ức lờ mờ lúc đó là ông to lớn, nói năng nhỏ nhẹ, cười lành hiền, chấp nhận ngồi chật khi xuất hiện thêm một vị khách. Sau này gặp ông mấy bận, khi ông làm ở Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh.
Già làng Hồ Văn Reo với vũ khí thô sơ nhưng lợi hại dùng để đánh địch. Ảnh tư liệu |
Mãi chừng 10 năm sau đó, tôi đi Trà Linh, trước khi xe khởi hành, anh Lê Ngọc Kích - Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My mua một ký thịt heo và giao cho tôi “ghé nhà bác Reo nói anh gửi biếu”. Nhà ông ở ngay đầu dốc. Có ông ở nhà. Khác với mường tượng của tôi về nhà một quan chức đầu ngành, ông ở trong căn nhà như bao đồng bào Xê Đăng khác, thấp, nhỏ, trong bóng tối nhờ nhờ. Tôi giới thiệu và ông nhớ. Vẫn nụ cười lành hiền, giọng rời rạc đi, u buồn. Lần đi này, tôi chủ ý gặp ông để hỏi về tục nối dây, mà ông là nạn nhân. Bà vợ ngồi bên, đang dệt vải, nghe nói bà làm ở hội phụ nữ xã. Chẳng hề giấu giếm, ông kể bằng giọng người già đã nhuốm màu cơ cực, rằng vợ mất, tục của làng là chồng phải lấy vợ là em hoặc chị chồng. Bà này là em vợ. Đó là tục, không thể chối bỏ, nếu không thì không thể quay về lại làng.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Đồng chí Hồ Văn Reo, sinh ngày 17.3.1942, quê quán: xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Thường trú tại tổ Đồng Trường 1, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tham gia Cách mạng: 3.1958. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trà My, Trưởng ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam đã nghỉ hưu. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu 30, 40, 50 năm tuổi Đảng. Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất và nhiều bằng khen, giấy khen của Đảng, Nhà nước khen tặng. Đã từ trần hồi 9 giờ 50 phút, ngày 3.12.2015 (nhằm ngày 22 tháng 10 năm Ất Mùi) tại nhà riêng. Linh cữu đồng chí Hồ Văn Reo quàn tại nhà riêng, tổ Đồng Trường 1, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Lễ viếng từ 10 giờ 30 phút, ngày 4.12.2015. Lễ truy điệu 13 giờ, ngày 5.12.2015. Di quan lúc 14 giờ, ngày 5.12.2015; an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang huyện Bắc Trà My. |
Tôi nghe ông nói, nghĩ thiệt thương. Ông có quyền từ chối và sống một mình với con người vợ trước đã lớn khôn, nhưng hình như ở trong ông, có sự giằng xé dữ dội “mình không thể bỏ làng”. Bỏ làng, nghĩa là ông quay lưng với máu huyết từ trong tủy não, chấp nhận mất mình, giã từ mãi mãi núi rừng, mà với một người như ông, nào đâu có dễ. Mà không chấp nhận, thì ông hẳn sẽ day dứt biết bao, dẫu sẽ không cơ cực, bởi rời chốn quan trường, về sống đời làm rẫy, trồng cây, trồng lúa mà sống. Ông trở thành một già làng đúng nghĩa, uy tín cao với bà con, nhưng lòng đau xót của ông, ai thấu hiểu cho? Chấp nhận một luật tục khắc nghiệt, ông coi như xem đời mình mất đi rồi, bởi ông hẳn biết như vậy chẳng hay ho gì, nhưng con người cá nhân ấy không thắng nổi và không dám thắng cộng đồng, mà tên gọi chính xác hơn là không dám bước qua chính mình.
Đời ông cống hiến cho công việc, cho núi rừng, được ít nhiều, đúng sai ra sao, giờ thì cũng coi như sương đầu núi, mây cuối rừng rồi, chỉ còn lại trong tôi dáng ông như cây chò già im lặng, ngước đôi mắt đã đục, giọng nơi trong tiếng chảy buồn thiu của cái máng nước. Với tôi, đó là một cán bộ miền núi mà càng ngày càng ít tôi giữ niềm ngưỡng mộ, sự ngưỡng mộ khó gọi tên, đi cùng với sự sẻ chia âm thầm, bởi thỉnh thoảng ai đó nhắc chuyện nối dây, lại nhớ ông trả lời như tiếng gọi hoang dã của định mệnh cuộc đời. Mới đây đi Nam Trà My, được biết ông đau ốm nặng, ở nhà con tại Bắc Trà My, ai ngờ…
TRUNG VIỆT