Ứng xử với Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An: Chung tay gìn giữ

LÊ QUÂN 04/12/2015 08:57

Một cuộc đối thoại khá thẳng thắn giữa những chủ nhân di tích với lãnh đạo TP.Hội An và ngành quản lý di sản vừa diễn ra tại Hội An vào hôm qua 3.12. Khá nhiều ý kiến chung mối quan tâm về việc làm cách nào để gìn giữ, bảo tồn những vốn quý của cha ông tại khu đô thị cổ được nhiều người đặt ra.

Gần 200 chủ nhân các di tích tại Hội An, bao gồm chủ nhân nhà cổ, thủ từ các chùa, nhà thờ tộc và những cộng tác viên di sản đã gặp gỡ nhau, trong ngày Hội An rộn ràng cho lễ kỷ niệm 16 năm được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999). Cuộc gặp mặt và đối thoại lần này cũng là diễn đàn nhằm tìm tiếng nói chung trong gìn giữ di sản. Đã có nhiều ý kiến thẳng thắn xoay quanh các vấn đề về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An trong thời gian qua.

Chủ di tích trăn trở

Năm 2015, theo như nhìn nhận của những chủ nhân di tích, là năm Hội An đứng trước nhiều áp lực của dư luận, từ việc bán vé tham quan khu vực phố cổ, vấn đề môi trường trong không gian đô thị, hay sự “ăn mòn” từng ngày ở bờ biển Cửa Đại… Ông Phan Xuân Nhẫn - một chủ nhân di tích cho rằng, bảo tồn di sản không thể tách rời với cộng đồng dân cư. Từ trước khi được công nhận Di sản văn hóa thế giới, người dân Hội An đã ý thức rất cao về vốn quý văn hóa của vùng đất mình. Có như vậy Hội An mới còn nguyên những dãy phố cũ, không gian đậm đặc truyền thống như hiện nay. Vậy nên nói đến bảo tồn di tích, không chỉ là việc của Nhà nước, nhà quản lý, mà phải xác định là việc của mỗi người dân. Thừa nhận người dân được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch thông qua không gian truyền thống rất nhiều, nhưng ông Nhẫn cũng cho rằng, cần thiết phải khơi gợi cả ý thức từ du khách khi đến tham quan phố cổ. “Mỗi người đến với phố cổ, cần phải được biết rằng, họ có thể góp sức để bảo tồn không gian đô thị cổ, thông qua việc mua vé tham quan. Làm cho mềm mỏng, tuyên truyền cho phù hợp thì từ nhận thức sẽ trở thành ý thức trách nhiệm” - ông Nhẫn nói.

Nhà cổ Quân Thắng - điểm di tích mua vé tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: TRỌNG KHANG
Nhà cổ Quân Thắng - điểm di tích mua vé tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: TRỌNG KHANG

Vấn đề môi trường của đô thị cũng được người dân đặc biệt quan tâm. Những chủ di tích cho rằng, ô nhiễm môi trường khu vực Chùa Cầu là việc bức bách nhất của Hội An hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thành phố thiếu kinh phí, có thể lùi lại những di tích chưa cần thiết phải tu bổ, dành kinh phí tập trung toàn lực giải quyết ô nhiễm Chùa Cầu. Chia sẻ vấn đề này với người dân, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, Chính phủ vừa ký một thỏa thuận với Nhật Bản để đưa công nghệ xử lý nước thải hiện đại vào khu vực Chùa Cầu với tổng kinh phí lên đến 223 tỷ đồng; dự kiến triển khai vào năm 2016, năm 2017 hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, ông Tăng Xuyên - người coi sóc Tụy Tiên Đường Minh Hương (Tiền hiền Minh Hương) cho rằng, thành phố cần nâng chế độ cho những người phụ trách bảo vệ, chăm sóc các di tích. Ngoài ra, theo một số đại biểu, cùng với khu vực nội thị, thành phố cũng cần có phương án đầu tư cho khu vực lân cận, giữ được vùng đệm cho các di tích và chú trọng đúng mức đến các di tích lịch sử trên địa bàn. Điều này sẽ giúp thành phố và các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý, phát huy giá trị di sản Hội An ngày càng tốt hơn trong thời gian đến.

Nhà nước và nhân dân chung tay

Thời gian qua, TP.Hội An thực hiện cắm bia, cắm mốc  di tích; duy trì và phát huy hiệu quả đội ngũ cộng tác viên trong bảo tồn di sản. Trong năm 2015, thành phố cũng đã thực hiện hỗ trợ kinh phí tu bổ cho 49 di tích. Ngoài ra, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích, lập danh mục công trình đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Trước mùa mưa, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã triển khai thực hiện chống đỡ cho 8 di tích; lập dự án chống mối cho 31 di tích để triển khai trong năm 2016. Theo ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, kết quả đạt được về công tác quản lý, bảo vệ đối với di tích tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của các chủ, đại diện di tích, nhất là di tích trong khu phố cổ. Đã có sự đồng thuận cao của người dân cùng chung tay gìn giữ.

Tại cuộc gặp mặt với các chủ di tích, khá nhiều ý kiến từ những người làm công tác quản lý đánh giá cao về ý thức cũng như vai trò của các chủ nhân di tích và người dân Hội An. So với các năm trước, năm 2015, công tác xã hội hóa tu bổ di tích khá nổi trội khi có đến 6 di tích thuộc sở hữu cộng đồng đã được người dân tự vận động kinh phí, đóng góp cùng ngân sách để thực hiện tu bổ, tôn tạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn đưa ra một số thực trạng hoang phế, bỏ bê ở các di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhiều bia di tích lịch sử cách mạng chữ đã bong tróc sơn, tình trạng vệ sinh di tích không được đảm bảo, sử dụng không đúng không gian chức năng của di tích… Ông Nguyễn Sự - Chủ tịch HĐND TP.Hội An cho rằng, tương lai của di sản sẽ đi về đâu, phụ thuộc vào những con người đương đại - những chủ nhân di tích hiện nay. “Ứng xử với giá trị lịch sử, với giá trị văn hóa tiền nhân để lại cần phải tỉnh táo và tiếp tục vun trồng thêm nhiều giá trị mới. Phố cổ nhưng phải có sinh khí. Sinh khí đó chính là nếp sống của người dân Hội An” - ông Sự nói.

Tiếp nhận ý kiến của người dân tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, trong thời gian sắp tới, thành phố sẽ ưu tiên quan tâm đến việc phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, giáo dục cho thế hệ trẻ biết yêu văn hóa - lịch sử quê hương và tìm đến những di tích này. Thành phố cũng sẽ tiếp tục có giải pháp, chính sách và tạo điều kiện cho chủ nhân di tích tham gia mọi hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN