Chữa bệnh qua mạng: Lợi bất cập hại
Không cần đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ, chỉ một cú nhắp chuột là đã có thể được hướng dẫn, tư vấn bài thuốc điều trị đủ loại bệnh. “Chữa bệnh trên mạng” kiểu này xem ra vô cùng đơn giản nhưng không kém phần nguy hiểm…
Chữa bách bệnh
Từ những chứng ho, sổ mũi, nhức đầu thông thường đến bệnh khó chữa, nan y như tiểu đường, ung thư… đều được các “bác sĩ” trên mạng tư vấn, hướng dẫn, thậm chí điều trị một cách dễ dàng. Nhiều người ngại đến bệnh viện hoặc đến bác sĩ mà chỉ ở nhà nhờ các “bác sĩ mạng” chữa bệnh cho mình và người thân.
Một bà mẹ trẻ vừa chia sẻ trên mạng, cần thuốc nam hỗ trợ trẻ biếng ăn, giúp tăng cân, giúp kích thích ăn ngon miệng, ngủ sâu, ngay lập tức có hàng trăm lượt tư vấn, giới thiệu mua thuốc của hãng này hãng kia. Nhiều người cam đoan rằng bản thân họ đã sử dụng và thấy hiệu quả. Bà mẹ này mua thuốc cho con theo chỉ dẫn trên mạng. Uống thuốc vài tuần, chị lại lên mạng khoe là bé tăng cân, ăn được, ngủ ngon. Cho đến khi biết tin công an vừa triệt phá đường dây tiêu thụ thuốc tăng cân tự chế, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc ở Nghệ An và cung cấp thuốc trên toàn quốc cách đây vài hôm, thì chị mới giật mình, thấy loại thuốc con mình uống sao giống với số thuốc mà công an thu giữ được. Chị hốt hoảng khi được biết, sử dụng loại thuốc này thì tăng cân đột biến, nhưng ngưng sử dụng thì cơ thể mệt mỏi và khó chịu.
Khi đau ốm, bệnh nhân cần đến bác sĩ để khám và điều trị. Ảnh: CHÂU NỮ |
Nhiều phụ nữ mang thai đã lên các trang mạng webtreth…, lamcham… nhờ tư vấn thay vì đi bác sĩ. Và, hầu như bà mẹ nào cũng đều có thể trở thành “bác sĩ sản khoa”: có người khuyên thai được mấy tháng thì bắt đầu bổ sung sắt; có người khuyên chích ngừa uốn ván lúc nào… như một bác sĩ chuyên khoa thực thụ. Một bà mẹ trẻ có con khò khè khó thở, thay vì đưa đi khám, lại lên “Hội nuôi con bằng sữa mẹ” trên mạng nhờ tư vấn. Ngay lập tức, nhận được hàng trăm lời khuyên: người khuyên nên mua máy hút mũi, người bảo nhỏ thuốc vào mũi, người bảo mua máy xông khí dung, người bảo dùng kháng sinh. Trong số đó, có người khuyên đi bác sĩ vì không nên đặt cược tính mạng của con mình với “bác sĩ trên mạng”.
Lợi bất cập hại
Rao bán thuốc trên mạng Nhiều trang web, mạng xã hội gần đây nhan nhản lời rao bán thuốc chữa bệnh “có cánh” như không hiệu quả, hoàn lại tiền, chữa một lần là dứt điểm… Đa số là rao bán thuốc gia truyền chữa được nhiều chứng bệnh: từ biếng ăn, mất ngủ, xương khớp đến tiểu đường, ung thư. Việc mua bán chủ yếu diễn ra trên mạng, thông qua tin nhắn và điện thoại. Người viết bài này thử liên hệ một địa chỉ quảng cáo bán thuốc nam gia truyền chữa bệnh xương khớp và hỏi thành phần thuốc cũng như giấy phép của cơ quan chức năng, người bán chỉ khẳng định: hoàn toàn đảm bảo và có thể yên tâm, vì đây là thuốc gia truyền, rồi thôi. |
Mới đây, chị V. ở TP.Tam Kỳ đưa con nhập Bệnh viện Nhi Quảng Nam trong tình trạng sốt cao, nôn mửa. Hỏi, sao không đi viện sớm hơn, chị V. cho biết, khi con mới bị sốt, chị lên mạng tìm hiểu và tự mua thuốc cho uống, vài ba ngày không khỏi và bệnh có nguy cơ nặng thêm nên mới đưa con đi viện. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), cùng loại bệnh nhưng tùy thuộc vào cơ địa, tuổi tác, môi trường, điều kiện sống, tình trạng bệnh… của mỗi người, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau nên việc chữa bệnh qua mạng, ngay cả đối với những thầy thuốc chuyên khoa cũng khó chính xác. Nếu chỉ dựa lời khai qua mạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ không nắm đầy đủ các triệu chứng: cơ năng (triệu chứng do bệnh nhân tự cảm thấy và kể lại với bác sĩ), thực thể (triệu chứng được phát hiện khi bác sĩ khám); một số trường hợp phải chú ý đến triệu chứng cận lâm sàng (kết quả thu thập từ chiếu chụp X quang, xét nghiệm, siêu âm…) để chẩn đoán bệnh. “Nhiều người dùng kháng sinh tùy tiện theo thông tin trên mạng cũng khá nguy hiểm. Ví dụ kháng sinh penicillin có thể điều trị nhiễm khuẩn nhưng không phải ai cũng dùng được” - bác sĩ Sơn nói.
Việc tra cứu, tìm hiểu thông tin về y khoa trên mạng là cần thiết và hữu ích và chỉ nên xem đó là thông tin để tham khảo. Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng chính xác, đôi khi có thông tin có hại cho sức khỏe, tính mạng. Trước đây, khi thông tin chích máu đầu ngón tay để điều trị đột quỵ lan truyền trên mạng, nhiều người đã chia sẻ và làm theo. Sau đó, các chuyên gia y tế tìm hiểu và xác định, chưa có cơ sở kết luận việc hiệu quả của việc này trong cấp cứu đột quỵ, thậm chí còn nguy hiểm đối với một số bệnh cảnh. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, thông tin về lĩnh vực y khoa trên các thông tin chính thống của các cơ quan có chuyên môn có những giá trị nhất định trong việc tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nhưng để điều trị bệnh, nhất định phải cần sự thăm khám trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa.
CHÂU NỮ