Vì sao học sinh quay lưng môn Lịch sử ?

THÁI MỸ 01/12/2015 09:01

Trong những năm qua, học sinh (HS) các cấp đã quay lưng với môn Lịch sử, đó là một sự thật xót xa, đau lòng. Tại sao Lịch sử cũng là một môn học truyền thống mà HS lại đối xử “phũ phàng” như thế? Theo chúng tôi, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở 2 nhóm vấn đề sau đây:

Thứ nhất, Sử là môn xã hội, bao trùm rộng lớn những sự kiện, những biến cố, thăng trầm qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Muốn hiểu biết nhiều về lịch sử  của đất nước, không gì khác hơn là phải học, phải đọc. Mà cho dù có đọc và học bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể nhồi nhét vào bộ não về một kho tàng đồ sộ, mênh mông của nền sử học nước nhà. Nhìn lại trong nhiều năm qua, môn Sử đã tụt dốc như chiếc xe không phanh. Bằng chứng là qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT không ít trường đạt 100% nhưng khi thi cao đẳng, đại học thì có hàng nghìn điểm 0 về môn Lịch sử. Phần lớn HS rơi vào tình trạng này vẫn học rất khá các môn khác. Có lẽ đầu nguồn của nỗi buồn này là từ khâu soạn thảo sách giáo khoa cho đến phương pháp giảng dạy. Sách thì dàn trải quá nhiều các sự kiện, số liệu…, ít có tính khái quát, tổng hợp đã làm cho HS gom không xuể. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy còn xơ cứng, chưa tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn HS.

Thứ hai, căn bản hơn là trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, HS không mặn mà với môn Sử cũng là điều dễ hiểu. Bởi, nhu cầu tuyển dụng thường ít được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… quan tâm đến những người giỏi sử, có chăng cũng chỉ trên đầu ngón tay, do đó việc đầu tư học hành cũng được phụ huynh, HS tính toán kỹ lưỡng. Chính yếu tố này làm nảy sinh tình trạng “môn trọng, môn khinh”, khiến cho lỗ hổng kiến thức lịch sử của HS ngày càng bị khoét to thêm.

Còn nhớ hồi giữa tháng 7.2015, nhiều người đã phải “té ngửa” khi xem chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam có liên quan đến kiến thức môn Lịch sử. Phóng viên đã phỏng vấn 7 HS ngay tại gò Đống Đa (Hà Nội) - một địa danh quân Tây Sơn đánh bại giặc Thanh vào năm 1789 - về mối quan hệ giữa vua Quang Trung với Nguyễn Huệ. Có HS trả lời đó là “hai anh em ruột”, HS khác nói “hai bố con”, “bố con cùng một nhà”, lại có HS bảo “hai ông bạn thân nhau lắm”. Khi phóng viên hỏi các em học trường nào, một HS nhanh nhảu trả lời “học trường Nguyễn Du mà Nguyễn Du chính là Quang Trung”. Chỉ một HS trả lời Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng là một người. Càng lo ngại hơn, khi trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa của quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đã được nhiều lần đề cập trong sách giáo khoa từ cấp tiểu học đến trung học mà HS còn lơ mơ như thế mới “chết” chứ!

Như nói ở trên, kiến thức lịch sử ít có cơ may để người ta tìm kiếm được việc làm trong thời buổi lo toan cơm áo, nhưng thực tế cho thấy những người “giàu” sử rất thành công trong các nhóm làm việc mang tính xã hội.  Sử học có ý nghĩa to lớn trong giáo dục, xây dựng phẩm giá, nhân cách con người. Học sử không chỉ để biết những cái gì của đất nước trong quá khứ mà điều quan trọng hơn là có một tầm nhìn sâu sắc về khí phách của cha ông, của dân tộc trong suốt chiều dài xây dựng cơ đồ, bảo vệ nước non bờ cõi. Qua đó củng cố niềm tin, phát huy các giá trị đích thực bao đời của cội nguồn con Lạc cháu Hồng để càng thêm yêu Tổ quốc thiêng liêng của chúng ta!

THÁI MỸ

THÁI MỸ